“Đụng tới họ không dễ đâu, họ có đầy đủ “quyền lực” để hoạt động chứ khơi khơi thì đâu thể tồn tại”,  một nguồn tin đã “phán” như vậy và giúp chúng tôi tìm hiểu các đường dây “bảo kê bến cóc”.

“Cò” lo tất

Một “bến cóc” hoạt động công khai tại địa chỉ 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM (đối diện Bến xe (BX) Miền Đông) mỗi ngày có trên 30-40 chiếc xe khách ra vào, đón trả khách bình thường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do nơi đây chỉ là bãi giữ xe nhưng lại hoạt động như một bến xe là do có “người đỡ đầu”.

“Người đứng ra điều hành mọi hoạt động ở “bến cóc” này là “cò” Toàn. Trong tay Toàn có hẳn danh sách các nhà xe được bảo kê. Toàn có nhiệm vụ tháo gỡ cho nhà xe khi gặp khó khăn, bị xử phạt. Đến tháng, người này ra mặt thu tiền” - một chủ xe tiết lộ.

Trong vai một chủ xe muốn khai thác kinh doanh vận tải hành khách tuyến TP HCM -  Bình Phước, chúng tôi lên hệ với Toàn qua điện thoại. Mới nghe chúng tôi nói ý định, “cò” Toàn khẳng định: “Có tiền, có xe thì hoạt động thôi. Nhưng mấy ông chạy phải đúng lộ trình, tôi mới “lo” bãi đậu, đoạn đường nội thành”.

Hãng xe Hoa Mai chỉ xuất vé cho hành khách khi đến địa phận tỉnh Đồng Nai
Hãng xe Hoa Mai chỉ xuất vé cho hành khách khi đến địa phận tỉnh Đồng Nai

Để thêm phần thuyết phục, Toàn nói: “Ông tìm tôi là đúng địa chỉ rồi đấy. Chỗ tôi “phí” bãi, tiền hoạt động rẻ hơn mà không cần thủ tục phiền phức.  Bây giờ vào BX Miền Đông đăng ký thì đợi đến mùa Tết năm sau, chưa kể vào đó mấy hãng khác thuê giang hồ đập nát xe cho coi”.

“Cò” Toàn không quên nhắc nhở: “Gần đến Tết rồi, mấy ông phải chịu phạt vài lần vì đang vào mùa “nhạy cảm”!”. Đang nói chuyện “tình cảm”, vậy mà khi nghe chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, Toàn quát: “Ông không thấy mấy bãi xe quanh BX Miền Đông “sống” sờ sờ mấy năm nay sao! Một tay tôi lo hết. Ông cũng không cần biết sau lưng tôi là ai, miễn sao tôi lo cho ông chạy phà phà ở địa phận TP HCM”.

Để bãi xe biến thành “bến cóc”, nhiều người nghi ngờ có sự bao che của lực lượng chức năng, trong đó ắt có sự bao che của lực lượng Thanh tra giao thông? Giải đáp nghi ngờ này, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM (Thanh tra giao thông TP), khẳng định: Đơn vị ông  kiên quyết xử lý đối với các hoạt động mang tính chất “xe dù”, “bến cóc” và không có chuyện bao che. “Nói thanh tra bao che là không có cơ sở bởi từ đầu năm đến nay, Thanh tra giao thông TP đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến chuyện này” - ông Việt nói.

Ông Việt cho rằng để dẹp dứt điểm tình trạng “xe dù”, “bến cóc” phải có sự kết hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương bởi lực lượng thanh tra mỏng, không đủ để  xử lý. Cụ thể, các xe chạy vòng khắp TP  để đón, trả khách, khi có lực lượng chức năng kiểm tra, nhà xe bỏ chạy đến khi bắt kịp cũng là lúc lơ xe ghi nhanh danh sách hành khách hợp thức hóa thủ tục vận tải du lịch chứ không phải chạy tuyến cố định (!?).

“Ai cũng thấy, chỉ vài người không thấy”

Trong khi đại diện Thanh tra giao thông TP nói khó xử xe chạy tuyến cố định núp bóng du lịch lữ hành thì qua thực tế, chúng tôi có thể khẳng định vi phạm không khó xử nếu lực lượng Thanh tra giao thông chịu khó thâm nhập.

Cụ thể, sáng 15-11, chúng tôi liên hệ số điện thoại đường dây nóng của hãng xe Hoa Mai để đăng ký một vé TP HCM - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua điện thoại, một nữ nhân viên hướng dẫn: “Em trai cứ ra địa chỉ trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) để lên xe đi ngay”.  “Không có vé sao chị? Có khi nào đến nơi hết ghế thì sao?” - chúng tôi hỏi lại. Nghe vậy nhân viên trả lời: “Bên hãng xe nhiều lắm! Cứ 15 phút có một chuyến xe xuất phát, em cứ yên tâm tới nơi leo lên xe mà đi”.

Vào bên trong văn phòng, chúng tôi một lần nữa hỏi mua vé đi Vũng Tàu, nhân viên lắc đầu nói không giữ vé rồi hướng dẫn qua gặp tài xế. Vừa nói xong, nhân viên khác của hãng giục chúng tôi lên chiếc ô tô có BKS 72B - 01435 cho kịp lộ trình. Thay vì bán vé, tài xế chỉ đếm số lượng bao nhiêu người rồi cho xe khởi hành. Trong lúc xe chạy, nhân viên hãng còn đón thêm khách trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) và tiến hành thu tiền của từng khách.

Chạy đến địa bàn huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi yêu cầu xuất vé thì  được nhân viên bên trong nhà chờ đưa vé. Chúng tôi giả vờ muốn xin thêm vài vé nữa để về thanh toán với cơ quan thì nhân viên vui cười: “Muốn mấy tờ, chú em cứ lấy. Vé để cho có, chẳng ai đụng đến!”.

Như vậy, nếu nhà xe đã xuất vé thì rõ ràng là xe tuyến cố định. Dựa vào hành vi này cũng đủ phạt nhà xe. Chưa kể, bảo đảm khi xe chuẩn bị xuất bến mà lực lượng Thanh tra giao thông có mặt kiểm tra thì khó nhà xe nào “giở được trò”.

Ngoài ra, liên tiếp trong thời gian dài, chúng tôi ghi nhận cứ sau 20 giờ, ngay tại địa chỉ 266-268 Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5 ) có ít nhất 5-8 chiếc  xe khách 45 chỗ ngồi của hãng Thành Bưởi, Phương Trang xếp hàng dài trên đường gây ách tắc giao thông.  Điều đáng nói, vị trí các xe đón, trả khách chỉ cách trụ sở Thanh tra Sở GTVT TP HCM chỉ vài mét. Có thời điểm xe còn lấn ra hết 2/3 phần đường Lê Hồng Phong. Cạnh đó, đường Trần Nhân Tôn (phường 9, quận 5), hãng xe Thành Bưởi ngang nhiên lập thêm một “bến cóc” đón trả khách từ sáng đến chiều. Tất cả việc này ai cũng thấy, chẳng lẽ lực lượng chức năng không thấy?.

Địa phương nào cũng có “bến cóc”

Ngoài những “bến cóc” hoạt động quy mô lớn như đã nêu, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động thì hầu hết các quận thuộc TP HCM đều có “bến cóc” vô tư hoạt động.

Những “bến cóc” này người dân có thể chỉ rõ từng bến một. Nào là “bến cóc” ở khu vực chợ Tân Hương (quận Tân Phú), xung quanh Thuận Kiều Plaza, Phó Cơ Điều (quận 5), tuyến Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình), Lê Lai (quận 1), ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức), khu dân cư Bàu Cát (quận Tân Bình)... Các tuyến đường này, từ sáng sớm đến chiều tối, “xe dù” ghé vào bắt khách tấp nập.

                                                                                                                  Theo người lao động