'The girl on the train': Cảnh phim 18+ chẳng là gì khi so với sự điên loạn phụ nữ

Phim có rất nhiều cảnh nóng dán nhãn 18+. Điều đáng nói là, những cảnh quay ấy không khiến khán giả xao nhãng sang một thứ gì đó thừa thãi, dung tục.

Một tựa phim đơn giản, dịu dàng, nhưng lại ẩn chứa quá nhiều bí mật. 

Một tác phẩm trinh thám hồi hộp, nhưng sau cùng không hơn không kém, lại chính là một bức tranh tâm lý miêu tả đến tận cùng sự điên cuồng của người phụ nữ, khi họ yêu hết mình và đớn đau với con tim. The girl on the train chính là một ma trận của những muôn vàn xúc cảm đó, của sự quyến rũ, đam mê, dối trá và lừa gạt. Người đàn ông, dù tự cho mình thông minh đến mấy, một khi đã bước vào ma trận đó, sớm muộn cũng trở thành kẻ lạc lối tự chuốc họa vào thân.

The girl on the train – không chỉ là về một cô gái trên chuyến tàu xuôi ngược

The girl on the train từng được ví von như một phiên bản của Gone girl, bắt đầu bằng sự mất tích bí ẩn của một cô gái, và qua đó hé lộ cả một âm mưu cuồng loạn. Nhưng có lẽ còn hơn thế. Gone girl chỉ có một người phụ nữ, nhưng The girl on the train có đến 3 cô gái, là vợ cũ, vợ hiện tại và người tình của một người đàn ông. Cả ba đều điên loạn theo một cách riêng của mình.


Nhân vật Rachel

Câu chuyện bắt đầu từ Rachel, ngày nào cũng ngồi trên chuyến tàu đi lại giữa trung tâm và ngoại ô thành phố New York. Đơn giản vì với chuyến tàu đó, cô có thể đi qua và nhìn lại khu phố nơi đã sống bên người chồng cũ, nơi cô những tưởng đã vun đắp hạnh phúc cả một đời.

Ngày qua ngày, hết tháng rồi hết năm, Rachel đốt thời gian của mình trên những chuyến tàu, và đa phần, trong trạng thái say mềm không nhớ nổi mình đã làm những điều điên loạn gì. Mỗi khi tỉnh giấc, cô chỉ còn nhớ mình là kẻ phá hoại, say khướt, la hét điên cuồng và thậm chí, bạo lực với người khác. Ít nhiều, Rachel cảm thấy mình hoàn toàn có lỗi trong cuộc hôn nhân thất bại với chồng cũ. Điểm vớt vát tinh thần duy nhất cho Rachel là hình ảnh hạnh phúc của một người con gái khác.


Nhân vật Megan

Đó là cô gái thứ 2, Megan, cùng chồng sống hạnh phúc trong một ngôi nhà xinh xắn nằm ven tuyến đường tàu. Ngày ngày, Rachel lấy những ngọt ngào mà cặp vợ chồng này vẫn trao nhau trước hiên nhà như một điểm tựa tinh thần, một sự bấu víu để nói với mình rằng, trên đời này vẫn có thứ tình yêu thuần khiết để con người khao khát và ước mơ.


Nhân vật Anna

Cô gái thứ 3 là Anna, gợi cảm, quyến rũ, ngoại tình với chồng cũ của Rachel rồi đàng hoàng trở thành người vợ mới, làm chủ căn nhà Rachel từng một tay vun đắp. Tiếc rằng, hành trình từ nay rồi cũng biến Anne – từ hình ảnh “người tình cháy bỏng, đáng để thèm khát” thành một “người vợ đầu bù tóc rối, gối chăn nhạt nhẽo”. Anne phải nhờ tới sự giúp đỡ của cô trông trẻ, người hàng xóm Megan tốt bụng, tận tình.

Để rồi một ngày, Megan bỗng nhiên mất tích, và được tìm thấy bên bìa rừng khi cái xác để bị phân hủy. 

Ai đã giết Megan? Người chồng hết mực yêu thương nhưng đằng sau đó được miêu tả là kẻ thích chiếm đoạt, sở hữu? Vị bác sĩ tâm lý điển trai – người đã ôm trọn Megan vào lòng để rồi Rachel nhìn thấy và vỡ vụn những niềm tin về một tình yêu chung thủy? 
Những bí ấn đen tối dần được hé lộ qua cái nhìn và trí nhớ nửa mê nửa tỉnh của Rachel.

Trong ký ức nhập nhoạng, chập chờn, đứt mạch ấy, Rachel thấy bàn tay cô nhuốm máu, thấy những điều điên loạn cô có thể làm mỗi khi say khướt. Liệu có phải cô, trong cơn say mềm, lầm tưởng Megan chính là Anne, và xuống tay một cách vô thức? 

Tác phẩm tâm lý khắc họa ma trận xúc cảm

Bộ phim được xây dựng như một tác phẩm trinh thám, nhưng sau cùng, tôi bỗng thấy nên xếp nó vào thể loại tâm lý, bởi bộ phim là thế giới tâm lý của các nhân vật, lúc đan xen, khi tách rời, là hành trình mỗi một cô gái đi tìm bản ngã của chính mình. 

The girl on the train không chỉ là cuốn nhật ký những ngày xuôi ngược trên cùng một chặng đường của Rachel mà còn là những chuỗi suy nghĩ, hành động, sự đổi thay của Megan và Anne trong một quãng thời gian dài. Mỗi một ngày qua đi, họ đều có đi qua nhiều cung bậc cảm xúc,  những suy nghĩ riêng, nhưng đều liên quan đến tình yêu. Rachel cố níu lại những ký ức, Anne cố giữ lại hạnh phúc cô từng chiếm đoạt từ người phụ nữ khác, Megan, một lần nữa, lại đi vào vết xe đổ của Anne năm nào.

Trong thứ ma trận ái tình trộn thêm men rượu đó, mới thấy, người phụ nữ có thể yếu đuối đến cùng cực, nhưng cũng có thể mạnh mẽ đến bất ngờ. Đàn ông, nếu có đủ trí khôn sẽ không dây dưa với nhiều phụ nữ. Chỉ có những kẻ ngốc hay tự cho mình là thông minh, mới thích mua dây buộc mình vào những mối quan hệ nguy hiểm. 

Emily Bunt thực sự thuyết phục người xem trong hình ảnh của một Rachel kiệt quệ, say mèm, yếu đuối và cũng có những phút giây điên loạn của kẻ chẳng còn gì trong tay ngoài ký ức về cuộc sống xưa cũ, và bám víu vào thứ tình yêu trọn vẹn chỉ có trong tưởng tượng. Mẫu người phụ nữ bị bỏ rơi một cách điển hình, nhưng qua mỗi một lớp phim, mỗi một khung cảnh, khán giả đi từ chỗ nghi ngờ, ái ngại, đến cảm thông và cỗ vũ. Đó là bởi một Emily Bunt, không gợi cảm, xinh đẹp như mọi khi, nhưng rất xuất sắc trong từng ánh mắt, cử chỉ.

Khán giả còn gặp lại Rebecca Ferguson – Nữ hoàng trắng trong vai Anna Watson, cũng rất ấn tượng để lấy được lòng khán giả khi đi từ hình ảnh của một kẻ thứ 3 đến một người vợ tội nghiệp bị qua mặt. Sau cùng, Anne đáng thương hơn là đáng trách. Tôi thích nước phim u buồn với những mảng màu ghi xám xuyên suốt. Nó như tấm phông nền hoàn hảo cho bộ phim chứa đựng quá nhiều bí ẩn và những bi kịch chẳng thể nào xóa nhòa. 

Phim có rất nhiều cảnh nóng dán nhãn 18+. Ngay cả phái đẹp xem phim cũng phải mê mải trước khuôn ngực mời gọi của Haley Bennett, đường cong bốc lửa của Rebbecca Ferguson, những cảnh ái ân rạo rực. Nhưng điều đáng nói là, những cảnh quay ấy không khiến khán giả xao nhãng sang một thứ gì đó thừa thãi, dung tục, mà chỉ thêm cuốn người xem vào tình tiết, tâm lý của các nhân vật. 

Có lẽ, điểm trừ duy nhất là nửa sau của phim, đạo diễn đã xây dựng và bóc tách theo đúng tuần tự thời gian. Cách liệt kê “6 tháng trước”, “3 tháng trước” rồi “một tuần trước” tựa như một lối mòn lặp lại với giọng văn đều đều. Nhưng một cách khách quan, The girl on the train, với tâm trạng hỗn loạn của 3 người phụ nữ vốn đã đủ rắc rối, nên nếu các tầng thời gian tiếp tục đan xen nhau một cách ngẫu nhiên không thứ tự, chắc khán giả, đặc biệt là những người chưa đọc tiểu thuyết gốc sẽ dễ bị loạn thông tin.

Thế nên, hãy đến với The girl on the train. Không hẳn là đi tìm lời giải đáp cho chân dung hung thủ còn giấu kín, mà nên thử một lần bước chân vào ma trận xúc cảm của một nửa thế giới, để cảm nhận được con tim, xúc cảm, khát khao và niềm đau – những điều cánh đàn ông vẫn nghĩ mình biết đấy, nhưng thực ra, có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ sơ sơ. 


Trailer phim "The girl on train".


>>> 'La La Land' - Khi thảm họa trao nhầm đã 'cứu sống' Oscar 2017

 

Sansan
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/the-girl-on-the-train-canh-phim-18-chang-la-gi-khi-so-voi-su-dien-loan-phu-nu-n-114070.html

the girl on the train emily blunt cô gái trên tàu

Tin tức mới nhất