Kỳ Asiad 19 thất bại khi so sánh với Thái Lan, Indonesia
Trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp mà thể thao Việt Nam đứng trên Thái Lan và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, có hai kỳ đại hội thể thao khu vực liên tiếp, Việt Nam đứng số một toàn đoàn. Điều này dẫn đến lập luận Việt Nam đang là nền thể thao mạnh nhất Đông Nam Á.
Vậy nhưng khi bước ra đấu trường châu Á, thứ hạng của thể thao Việt Nam lại hoàn toàn khác biệt. Không chỉ kém xa so với Thái Lan (12 HCV), chúng ta còn xếp sau các đoàn gồm Indonesia (7 HCV), Malaysia (6 HCV), Philippines (4 HCV), trong khi thành tích của Việt Nam là 3 huy chương vàng (HCV), 5 huy chương bạc (HCB) và 19 huy chương đồng (HCĐ).
Đây không phải là lần đầu. Phải nói ngay rằng Asiad 19 là kỳ đại hội không thành công của thể thao Việt Nam. Dễ nhìn thấy điều này thông qua số lượng HCV và HCB.
Kết thúc đại hội thể thao châu Á tại Hàng Châu (Trung Quốc), tổng số HCV và HCB của Việt Nam chỉ là 8 chiếc, thấp nhất tính từ kỳ Asiad 13 tại Bangkok (Thái Lan) năm 1998.
Điền kinh có kỳ đại hội không như ý khi không giành được huy chương Asiad 9 (Ảnh: Quý Lượng)..
Còn tại Busan (Hàn Quốc) năm 2002, thể thao Việt Nam có đến 4 HCV và 7 HCB (tổng số 11 huy chương loại này), đó là thời điểm mà Việt Nam còn chưa một lần vào được top 3 toàn đoàn ở SEA Games.
Trước đó một năm, Việt Nam còn xếp hạng 4 tại SEA Games ở Kuala Lumpur (Malaysia) năm 2001.
Cũng từ Asiad 14 Busan năm 2002 đến Asiad 18 Palembang (Indonesia) năm 2018, số lượng huy chương ở Asiad của thể thao Việt Nam đều tăng lên qua từng kỳ đại hội, điều này tương ứng với sự thăng tiến về sức mạnh tại đấu trường cấp thấp hơn là SEA Games.
Tại Asiad 18 năm 2018 ở Indonesia, thể thao Việt Nam đoạt đến 39 huy chương các loại, lập kỷ lục với 5 HCV. Ngay sau đó, chúng ta cũng khẳng định ngôi số một ở Đông Nam Á như một lẽ tất yếu.
Chính vì vậy, Asiad 19 càng có lý do để bị đánh giá là thất bại của thể thao Việt Nam khi thành tích của chúng ta thụt lùi so với chính mình, thụt lùi so với kỳ đại hội thể thao châu Á cách đây những 25 năm (Asiad 13 ở Bangkok năm 1998).
Thể thao Việt Nam thụt lùi so với chính mình, nên có lẽ cũng không cần phải so sánh chúng ta với thành tích của các đoàn khác tại Đông Nam Á.
Đầu tư dàn trải, thiếu môn thể thao mũi nhọn tầm châu lục
Đầu tiên là chúng ta không có môn nào đáng gọi là thế mạnh, theo kiểu đã vào chung kết là bảo đảm HCV. Đấy là hậu quả của việc đầu tư dàn trải, mà mục tiêu lớn nhất vẫn là đứng đầu SEA Games.
Đoàn thể thao Việt Nam đông nhưng không tinh (Ảnh: Quý Lượng)..
Tính từ thời điểm có HCV Asiad đầu tiên ở Hiroshima (Nhật Bản) năm 1994 đến nay, thể thao Việt Nam gần như cứ qua mỗi kỳ Asiad lại có một môn khác nhau nhận lãnh trách nhiệm săn HCV.
Ban đầu chúng ta mạnh ở môn Taekwondo, một môn thi đấu chính thức tại Olympic, nhưng 5 kỳ gần nhất thì chẳng còn huy chương ở môn này nữa.
Bắn súng cũng có thể xem là môn sở trường, vậy mà phải đến Asiad lần này mới đoạt HCV đầu tiên trong lịch sử, trong khi đây là môn đã đem về HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Olympic (tại Rio năm 2016). Lẽ ra bắn súng cần phải được đầu tư tốt hơn, để tăng hy vọng giành HCV Asiad sớm hơn.
Mới 5 năm trước, chúng ta có 2 HCV ở môn điền kinh, còn lần này thất bại toàn tập. Đã không có huy chương mà thành tích còn kém thành tích của chính mình tại SEA Games cách đây chỉ vài tháng của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền hay đội tuyển tiếp sức nữ 4x400m.
Nhà vô địch nhảy xa Asiad 18 năm 2018 Bùi Thị Thu Thảo là trường hợp điển hình. Năm nay cô đã 31 tuổi, tại SEA Games 32 vừa qua chỉ đạt thành tích 6m12.
Thông số trong tập luyện của Bùi Thu Thảo cũng không tốt, vậy mà vẫn được đưa đến Asiad 19, để rồi hệ quả tất yếu là cô có những thông số kém nhất nhì sự nghiệp thi đấu của mình.
VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo không có phong độ tốt vẫn được đưa đến Hàng Châu dự Asiad 19 (Ảnh: Quý Lượng)..
Tại sao không ai thay thế Thu Thảo suốt gần chục năm qua? Và tại sao biết rõ Thu Thảo đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp nhưng vẫn đưa cô sang Hàng Châu (Trung Quốc) dự Asiad 19?
Không lẽ chúng ta đợi chờ may mắn hay kỳ tích ở môn thi đấu thuần túy đánh giá bằng phong độ và thông số như môn điền kinh?
Trong 3 HCV của thể thao Việt Nam tại Hàng Châu những ngày qua, môn cầu mây nữ 4 người được lợi thế khi Thái Lan không đăng ký dự nội dung này. HCV Karate nằm ở nội dung biểu diễn, khách quan mà nói, ít nhiều có sự tác động của yếu tố may mắn và các đối thủ cạnh tranh chỉ là Malaysia, Brunei hay Campuchia.
Cho đến nay, Karate cùng với Taekwondo là những môn đoạt HCV nhiều nhất tại Asiad cho Thể thao Việt Nam, nhưng cũng không phải ở mức tuyệt đối, ngay cả ở đấu trường SEA Games.
Tại sao không thể duy trì được ưu thế ở các môn võ này? Đấy là câu hỏi đáng được đặt ra cho những người có trách nhiệm.
Môn điền kinh đã phản ảnh rất rõ lý do thất bại của Thể thao Việt Nam. Rõ ràng là ở SEA Games 32 vừa qua, điền kinh Việt Nam đã lộ rõ sự già nua, sa sút phong độ khi vẫn tận dụng các gương mặt cũ và tập trung chủ yếu ở VĐV nữ.
Chúng ta bị Thái Lan đoạt lại ngôi số một SEA Games, dù chính điền kinh Thái Lan cũng đang trong giai đoạn không mạnh nhất.
Tại Asiad 19, Thái Lan cũng chỉ có 2 HCB điền kinh. Như vậy, chúng ta không có gì thay đổi so với 5 năm trước và cái kết cũng được báo trước khi điền kinh không dám đăng ký chỉ tiêu huy chương.
So với Việt Nam, các nước Đông Nam Á tạo ra nhiều điểm nhấn đáng nhớ ở Asiad 19. Indonesia có xạ thủ Muhammad Putra với 2 HCV cá nhân bắn súng. Singapore có Shanti Pereira đoạt HCV 200m và HCB 100m nữ.
Philippines tự hào về John Obiena với tấm HCV nhảy sào. Thái Lan sở hữu nhà vô địch Olympic, Wongpattanakit Panipak - người đã đánh bại Guo Qing (Trung Quốc) đầy cảm xúc để giành HCV Taekwondo 49kg nữ.
Đi tìm hướng đầu tư và chiến lược dài hơi phù hợp
Một nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của Thể thao Việt Nam tại Asiad 19 đó là khoảng cách trình độ giữa Đông Nam Á và châu lục. Tại Asiad 19, đoàn Singapore vốn thống trị môn bơi ở SEA Games, nhưng họ cũng chỉ đoạt duy nhất một HCB.
Bắn súng là môn Việt Nam rất mạnh, nhưng mãi đến Asiad 19 mới giành HCV đầu tiên trong lịch sử, đặt ra câu hỏi về chiến lược đầu tư? (Ảnh: Quý Lượng).
Trong số các HCV của thể thao Đông Nam Á tại Asiad 19, nổi bật nhất vẫn là vận động viên cử tạ Erwin của Indonesia (giành HCV và phá kỷ lục thế giới ở hạng cân 71kg nam), hay 2 HCV điền kinh của Philippines và Singapore.
Về cơ bản, các quốc gia Đông Nam Á vẫn chỉ phù hợp với các môn không đòi hỏi nhiều về thể chất như bắn súng, võ thuật, cử tạ hạng cân nhẹ…
Cũng vì thế mà cách đầu tư dàn trải, quá tập trung vào huy chương ở SEA Games khiến cho thể thao Việt Nam trở nên hụt hơi, khi bước ra đấu trường ở đẳng cấp cao hơn.
Nguồn lực đầu tư của thể thao Việt Nam có hạn, khi đa phần vẫn đang dựa vào ngân sách (mỗi năm 800-900 tỷ đồng), tỷ lệ xã hội hóa hoặc chuyên nghiệp hóa chưa nhiều.
Vì thế mà công tác đo lường, đánh giá trình độ giữa Đông Nam Á và châu Á cần phải được thực hiện khoa học, chính xác thì mới có chiến lược đầu tư hợp lý, trọng điểm thay vì nặng về cảm tính, trông đợi nhiều vào yếu tố tinh thần, kể cả yếu tố may mắn.
Thành công của thể thao Triều Tiên ở Asiad 19 với định hướng các môn thể thao đúng đắn, cùng tinh thần chiến đấu của các vận động viên, xứng đáng để chúng ta học hỏi.
Những môn nào nên tập trung cho châu Á, cho Olympic thì cũng phải ở một chế độ huấn luyện, nguồn nhân lực và tâm thế khác hẳn so với khi chuẩn bị cho SEA Games.
Dù có đến 5 năm để xây dựng kế hoạch cho Asiad 19, thể thao Việt Nam vẫn thể hiện sự bị động rất rõ trong việc chuyển đổi số lượng huy chương ở SEA Games thành các chiến thắng vững vàng ở Asiad.
Bảng xếp hạng chung cuộc Asiad 19 (Ảnh: Asian Games).
Theo Dân Trí