Chuyện "bữa ăn 800.000 đồng" của đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia mới lắng xuống, lại đến lượt đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) nữ, cụ thể là trường hợp của vận động viên (VĐV) Phạm Như Phương phản ánh đến báo Dân trí.

Nếu như vụ bóng bàn các VĐV không ai dám lên tiếng trực tiếp thì lần này, một VĐV có thâm niên hơn 10 năm, đã không ngần ngại phanh phui tất cả.

Câu chuyện mà Phạm Như Phương thông tin với Dân trí suốt mấy ngày qua, cho thấy rõ những bề nổi tới những góc tối của môn TDDC nói riêng, và cũng là "đánh tiếng" cho những VĐV khác, những môn khác của thể thao Việt Nam.

Thể thao Việt Nam và nỗi đau câu chuyện cắt phế tiền ăn, tiền thưởng-1
VĐV Phạm Như Phương lên tiếng về những "góc tối" ở đội tuyển Thể dục dụng cụ nữ Quốc gia (Ảnh: Mạnh Quân).

Nếu Phạm Như Phương không lên tiếng, liệu có ai biết cô đã bị các HLV thu "tiền phế", tiền thưởng nóng, tiền "quỹ lạ" trong suốt nhiều năm. Mà không chỉ có Phương, nhiều VĐV khác cũng chịu chung cảnh như vậy.

Khủng khiếp hơn, chuyện khai khống chế độ tập ngoài giờ của những người thầy, người cô, khiến dư luận bị sốc thực sự. Bởi đây không còn là câu chuyện trong khuôn khổ ngành thể thao, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

"Họ làm đơn xin tập ngoài giờ và xin được hưởng chế độ của nhà nước, còn trên thực tế là VĐV chúng tôi và HLV hầu như không có tập như đề nghị.

Tiền sẽ được Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội chuyển thẳng vào tài khoản các VĐV và HLV. Nhưng VĐV chúng tôi sẽ không được hưởng toàn bộ, mà phải chia lại 50% cho cô T", VĐV Như Phương cho biết.

Dĩ nhiên, những lời tố cáo, những bằng chứng mà vận động viên Như Phương đưa ra cần các bên vào cuộc để xác minh, điều tra và có kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, khi vụ việc đã đến mức này, rõ ràng ngành thể thao sẽ phải đau đầu để giải quyết, khi mà toàn xã hội đang đổ dồn sự quan tâm, chờ xem những hành động "xử lý khủng hoảng" của các nhà quản lý thể thao thế nào.

Bản thân VĐV Phạm Như Phương cũng xác định giải nghệ dù có 15 năm cống hiến. Cô cũng bị tiếng là "phản" thầy. Nhưng lương tâm của VĐV sinh năm 2003 bị cắn dứt nếu không nói hết tất cả những tiêu cực phía sau hậu trường ở tuyển TDDC nữ.

"Tôi cũng như nhiều vận động viên khác không muốn nhận những đồng tiền bất hợp pháp, những đồng tiền không phải do công sức tôi làm ra, những đồng tiền mà người có trách nhiệm xin khống, rồi mượn chúng tôi, đưa những VĐV có tuổi đời rất trẻ chưa có nhiều hiểu biết như chúng tôi vào một loạt hành động tinh vi, kín kẽ để móc túi ngân sách nhà nước", Như Phương chia sẻ.

Phạm Như Phương là VĐV có thành tích của đội tuyển TDDC nữ Việt Nam và là một tài năng được đào tạo bài bản từ nhỏ, được tham dự và giành nhiều huy chương ở các giải đấu trong nước và quốc tế.

Thể thao Việt Nam và nỗi đau câu chuyện cắt phế tiền ăn, tiền thưởng-2
Những vấn đề như cắt xén tiền cơm, tiền thưởng của VĐV cần được ngành thể thao xử lý một cách dứt điểm (Ảnh: Mạnh Quân).

Việc VĐV 20 tuổi chấp nhận bỏ tất cả để tố HLV cho thấy sự dũng cảm của cô. Phản ứng của Như Phương là nỗi đau của ngành thể thao, nhưng với mặt tích cực là rất đáng khen ngợi.

Cô cần được bảo vệ, để từ đó các VĐV dám nói ra những sai phạm, những khuất tất, giúp thể thao Việt Nam trở nên trong sạch hơn.

Vấn đề lúc này của ngành thể thao không chỉ là những cuộc họp, đổ lỗi và xử lý theo kiểu "giơ cao đánh khẽ" hay "tốt thí", mà cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, dứt điểm.

Không chỉ với bóng bàn, TDDC, mà tất cả các môn hiện nay cần được rà soát, kiểm tra. Khi mà vụ việc được thông tin rộng rãi trong dư luận, có sự vào cuộc quyết liệt của giới truyền thông, thì những câu chuyện mới nhất ở tuyển TDDC nữ cần được xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí là một "án điểm".

Và nếu nghiêm trọng hơn, khi mà vụ việc diễn ra trong nhiều năm một cách có hệ thống, tổ chức và có liên quan tới ngân sách nhà nước, sự vào cuộc của cơ quan công an là cần thiết để làm rõ.

Một HLV lâu năm cho biết, bao năm qua ngành thể thao xảy ra rất nhiều vấn đề nhưng vì là lĩnh vực "vui chơi có thưởng", nên người trong ngành thường biết nhưng bỏ qua, hoặc xử lý xuề xòa.

Đã tới lúc những vụ việc cắt xén tiền cơm, tiền thưởng của VĐV cần được ngành thể thao xử lý một cách dứt điểm, xử lý đúng người, đúng tội.

Bởi nếu không làm tới nơi, tới chốn những vụ việc như thế này, sẽ chả ai dám chắc lại có thêm những vụ lùm xùm tương tự ở các môn thể thao khác, các đội tuyển, VĐV khác…

Theo Dân Trí