Mới đây nhất là trường hợp một bé gái hơn 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên. Em bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Trung uơng Thái Nguyên chẩn đoán là "theo dõi Leukemia cấp" - ung thư máu dạng cấp. Sau đó, nơi này đề nghị chuyển cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp.
Hơn 30 tháng tuổi, được cho nhai gạo lứt sống để… chữa ung thư máu
Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng tai tiếng trên mạng là N.B tại Đăk Nông để ở và "điều trị" một thời gian.
Đáng nói là, theo những gì nhân vật này viết trên Facebook thì ung thư máu ở trẻ em chỉ là thách thức đối với Tây y chứ với thực dưỡng thì chẳng khó khăn gì.
Nhân vật chưa một ngày đi học y này còn nhiều lần khẳng định: nếu tuân theo thực dưỡng ngay ở giai đoạn đầu, khi chưa bị tây y can thiệp gì cả thì cơ hội cứu sống cháu bé gần như chắc chắn.
Cách "điều trị" N.B sử dụng trên cháu bé là cho nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do N.B tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây.
Với người mẹ, N.B cũng buộc phải ăn theo "số 7" (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt muối vừng) trong khi cho cháu bú.
Cũng theo N.B, ngày đầu tiên đến "cốc", trên người cháu bé có các "vết bầm tím đen, cứng ngắc". Người này nhận xét: đến khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, vì những chỗ bầm tím là dấu hiệu cho biết tình trạng máu độc hay sạch (bầm đen là máu độc, hết bầm là máu sạch).
Lời quảng cáo trên Facebook về việc "điều trị" cho bé gái bị ung thư máu.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 6 vừa qua, cháu bé đã qua đời trước sự thương tiếc của gia đình và người thân. Một hậu quả không thể tránh khỏi khi từ chối điều trị để đi theo lời khuyên vô căn cứ về thực dưỡng.
Thực hư về thực dưỡng chữa ung thư
Thực dưỡng là một chế độ ăn nghiêm ngặt, chủ yếu là ngũ cốc do một triết gia người Nhật là George Ohsawa sáng tạo vào khoảng những năm 1920. Nhưng vào những năm gần đây, một số người đã dùng thực dưỡng để chữa ung thư. Điều này khiến các bác sĩ rất đau đầu.
Vào tháng 3/1999, tập san của Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ đăng một nghiên cứu trên gần 39.000 phụ nữ từ 55 đến 69 tuổi, sống ở Iowa. Kết quả cho thấy những phụ nữ ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có tỷ lệ bị những căn bệnh như ung thư, tăng huyết áp, và đái tháo đường thấp hơn những phụ nữ ăn các loại ngũ cốc đã qua chế biến.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở những người ngoài ăn ngũ cốc nguyên hạt còn giảm lượng rượu, thịt đỏ, thuốc lá, và chất béo bão hòa.
Như vậy, các loại ngũ cốc nguyên hạt có trong chế độ thực dưỡng của Ohsawa chỉ đóng góp một phần nào đó trong việc giảm nguy cơ mắc các loại bệnh kể trên.
Cũng cần nói thêm, ý nghĩa của nghiên cứu chỉ có giá trị trên một cộng đồng, có nghĩa là tỷ lệ các căn bệnh kể trên trong một tập thể người nhất định sẽ giảm nếu như tập thể đó ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày. Nó không có giá trị khẳng định trên một cá nhân cụ thể như nhiều người khẳng định "nếu bạn ăn gạo lứt mỗi ngày sẽ khó bị hoặc không bị ung thư".
Ngược lại, trong y văn thế giới không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định thực dưỡng có thể chữa được ung thư. Cho đến bây giờ, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên lý hay cơ chế nào có thể giải thích được tác dụng trị dứt điểm ung thư của chế độ ăn thực dưỡng cả. Do đó, việc thực hiện các nghiên cứu lớn để chứng minh điều này là tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích.
Có một nghiên cứu tốt nghiệp đã được peer-review (tức đã được những chuyên gia cùng lĩnh vực xem xét kỹ lưỡng) của Gordon Sax ở Đại học Tulane dưới sự hướng dẫn của James Carter.
Họ so sánh 23 người bị ung thư tụy theo chế độ thực dưỡng và nhận ra là thời gian sống trung bình của họ kéo dài đến 13 tháng sau khi được chẩn đoán, trong khi đó những bệnh nhân ung thư tụy trong chương trình SEER của Viện Ung thư quốc gia chỉ có thời gian sống trung bình khoảng 3 tháng.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có định kiến nghiêng về hướng có lợi cho thực dưỡng. Tiêu chuẩn để được đưa vào nghiên cứu của hai mươi ba bệnh nhân nói trên là phải sống được quá ba tháng sau khi chẩn đoán (so sánh với việc lấy 50% số bệnh nhân bị ung thư tụy của SEER tử vong trong vòng 3 tháng).
Trong nghiên cứu cũng không nói đến các yếu tố khác có khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ sống ở cả hai nhóm được nghiên cứu.
Vẫn nghiên cứu trên cho thấy 9 bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến theo chế độ thực dưỡng có thời gian sống trung bình 228 tháng, trong khi thời gian sống trung bình ở nhóm đối chứng là 72 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không nêu rõ các tiêu chuẩn để được nhận vào làm nhóm đối chứng và nhóm bệnh.
Mặc khác, bệnh nhân ung thư thường bị suy nhược và sụt cân. Do đó, bất kỳ nguy cơ nào gây thiếu dưỡng chất đều cần giảm đến mức tối đa. Một chế độ ăn khắc nghiệt như thực dưỡng sẽ rất dễ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Thứ được xem là đỉnh cao của giới thực dưỡng và cũng là mối lo ngại lớn nhất của các bác sĩ cho các bệnh nhân ung thư là chế độ ăn số 7 hà khắc, chỉ bao gồm gạo lứt muối mè. Và phải ăn mỗi lần một muỗng, nhai liên tục 500 lần mới được nuốt.
Các bằng chứng ủng hộ chữa ung thư bằng thực dưỡng thật ra chủ yếu qua những câu chuyện kể truyền miệng của những người bán hàng và các tín đồ của thực dưỡng. Do đó, nếu chọn thực dưỡng để điều trị ung thư, người bệnh chẳng những không nhận được kết quả nào đáng kể mà còn bỏ lỡ đi cơ hội điều trị quý báu của mình.
Tuy vậy, vẫn có một số bệnh nhân ung thư nhẹ dạ cả tin nên đã nghe theo lời dụ dỗ của những người bán hàng thực dưỡng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là cái chết.
Theo Tổ Quốc