Thêm 338 bệnh nhân tử vong

- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế ghi nhận 338 ca COVID-19 tử vong.

Tại TP. Hồ Chí Minh (250), Bình Dương (44), Cà Mau (30), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1).

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Thêm 338 ca Covid-19 tử vong, 11.344 ca khỏi, 6.491 ca nặng-1

Có 6.491 ca nặng, nguy kịch

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.122

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.295

- Thở máy không xâm lấn: 179

- Thở máy xâm lấn: 867

- ECMO: 28

Thêm 11.344 bệnh nhân khỏi bệnh

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.344

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 270.668

Có F0 đã đến bên 'cửa tử' khi mới hơn 20 tuổi

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (do Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý) có công suất 1.000 giường, được thiết lập trên cơ sở trưng dụng một phần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Sau gần hai tháng hoạt động, cơ sở điều trị này đã cứu nhiều F0 trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Trong ngày 3/9, 18 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã được điều trị khỏi và được phép xuất viện.

Để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã kết nối trực tuyến và hội chẩn thường xuyên với những cơ sở y tế tuyến dưới. Việc này giúp các chuyên gia, thầy thuốc nắm chắc tình hình của ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên.

Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới (tuyến dưới) có thể chăm sóc, điều trị được, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.

Việc phân loại bệnh nhân rất quan trọng. Các F0 có bệnh nền nhiều, tuổi quá lớn, nguy cơ cao được giữ lại. Các bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ được ê-kíp chuyển xuống tuyến dưới hợp lý, thông qua phối hợp nhịp nhàng các tuyến điều trị. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên, vừa giúp các thầy thuốc cứu thêm nhiều bệnh nhân nguy kịch khác.

Ông Khoa và BSCKII Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị F0 tại viện) đều nhấn mạnh các tuyến dưới cần nắm chắc từng chuyển biến của các ca bệnh. Bởi nếu F0 đã chuyển thành nguy kịch, việc cứu chữa rất khó khăn.

“Có ca bệnh được đưa đến đây trong tình trạng phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm vào thấy đã xơ hóa hết. Bệnh nhân khác đã đến bên ‘cửa tử’ khi mới hơn 20 tuổi. Vì vậy, từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống. Rất may ngoài lực lượng y tế, các tình nguyện viên tôn giáo đã hỗ trợ chăm sóc nhiều bệnh nhân”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ với Zing.

Thêm 338 ca Covid-19 tử vong, 11.344 ca khỏi, 6.491 ca nặng-2

Từ nay đến 15/9, khu vực nguy cơ cao, rất cao xét nghiệm tại nhà/hộ gia đình ít nhất 2-3 ngày/lần

Đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Tiếp tục tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.

Đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình;

Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình;

Thực hiện nghiêm các nội dung theo Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021, Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó đặc biệt lưu ý việc đánh giá tình hình dịch để phân loại các khu vực theo mức độ nguy cơ để triển khai thực hiện việc xét nghiệm thần tốc.

Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu. Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.

Ngoài ra, sẽ xét nghiệm tầm soát 100% các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

MT
Theo Vietnamnet