H.Q. từng chia sẻ với chúng tôi mình bị kẹt lại Nepal sau khi kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Tharpu Chuli. Thời điểm H.Q. mắc kẹt vào khoảng tháng 3/2020. Người này nói phải đến tháng 12/2020 mới có chuyến bay giải cứu về nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, H.Q. đã có thể trở về Việt Nam từ khoảng tháng 7/2020. V., người mắc kẹt cùng H.Q. tại Nepal hồi tháng 3/2020 cho biết họ hoạt động chung trong nhóm gồm những người Việt cùng chưa thể về Việt Nam thời điểm đó.
Nhóm này đã mua vé máy bay của Shree Airline - hãng hàng không có trụ sở tại Nepal. Máy bay sẽ di chuyển từ Kathmandu (Nepal) đến sân bay quốc tế Shahjalal (Dhaka, Bangladesh). Từ Dhaka, đoàn này sẽ lên chuyến bay về Việt Nam.
Nghi vấn H.Q. nói dối việc bị kẹt ở Nepal từ tháng 3 đến tháng 12. Ảnh chụp màn hình.
"Hãng chỉ chấp nhận thanh toán USD, trả trong một lần, không trả lẻ tẻ từng vé. Mình là người đã ứng trước cho cả đoàn.
Bạn H.Q. ban đầu nói sẽ về nhưng đến khi chốt tiền lại đổi ý và muốn ở lại Nepal. Bạn này không bị kẹt một mạch từ tháng 3 đến tháng 12 như những gì chia sẻ với các bên truyền thông", V. trả lời chúng tôi.
Điều này chứng tỏ những gì H.Q. nói về việc mình bị kẹt, không có chuyến bay để về Việt Nam trước tháng 12/2020 là sai sự thật. Mặt khác, một số người cũng đặt nghi vấn lý do H.Q. không về mà ở lại... leo núi.
Theo V., chi phí cô thanh toán hộ cả đoàn khoảng 15.000 USD cho hành trình đến từ Kathmandu đến Dhaka. Chặng từ Dhaka về Việt Nam có chi phí vào khoảng 300 USD/người. Đoàn này có khoảng 20 người, tức mỗi người sẽ tốn khoảng 1.000 USD để trở về Việt Nam.
Giả sử trường hợp H.Q. gặp vấn đề tài chính, điều này cũng bất hợp lý. Trong thời gian H.Q. chọn ở lại Nepal, anh này nói đã leo đỉnh Mera, đỉnh Ama Dablam, đỉnh Mardi Himal và cả Imja Tse.
H.Q. ở lại Nepal để tiếp tục leo núi thay vì về Việt Nam từ tháng 7. Ảnh: H.Q.
Khi bị cộng đồng leo núi đặt câu hỏi về độ xác thực của việc chinh phục các đỉnh này (đặc biệt là Ama Dablam), H.Q. nói mình leo chui nên không thể đưa ra giấy phép hay chứng chỉ chinh phục thành công. Tuy nhiên, H.Q. vẫn cần thuê sherpa để leo đỉnh Mera cũng như Ama Dablam.
Serap, sherpa tại Nepal, nói giá thuê riêng sherpa để leo Ama Dablam đã vào khoảng 2.500 USD/người. Trong trường hợp gặp khó khăn tài chính không thể về nước, H.Q. lấy chi phí ở đâu để thuê sherpa khi leo các đỉnh này?
Anh D., người có thâm niên trong cộng đồng leo núi Việt, nói với chúng tôi: "2 năm trước, H.Q. từng bị cộng đồng leo núi 'bóc phốt' việc chinh phục đỉnh. Tôi nghĩ việc bạn này ở lại Nepal mà không về là có lý do. Chỉ khi ở một mình, bạn này mới có cơ hội tiếp tục nói dối việc chinh phục đỉnh - kế hoạch chưa hoàn thành lúc trước".
Trước đó, Phan Thanh Nhiên, người Việt Nam trẻ nhất chinh phục Everest, cũng nhận xét H.Q. không thể chinh phục đỉnh Ama Dablam. Ngoài ra, việc chinh phục đỉnh Mera của người này cũng rất đáng ngờ.
Tấm ảnh chụp trên đỉnh của H.Q. là ở điểm bên dưới. Ngoài ra, khi lên độ cao khoảng 6.400 m, không ai mặc áo mỏng như H.Q.
Tharpu Chuli là một trong những đỉnh núi thuộc dãy Himalaya của Nepal. Đây là đỉnh có vị trí đẹp và khá dễ leo với độ cao chỉ 5.695 m nằm trong khu vực thánh địa Annapurna. Dân leo núi chuyên nghiệp ở Việt Nam không thường coi Tharpu Chuli là đỉnh mà thường gọi là "đồi".
Trong khi đó, đỉnh Mera nằm ở độ cao 6.476 m. Dù vẫn là đỉnh dễ với dân chuyên nghiệp, những người ít hoặc không có kinh nghiệm phải chinh phục đỉnh này với sự trợ giúp của các công ty du lịch mạo hiểm.
Còn đỉnh Ama Dablam (6.812 m) là một mục tiêu rất khó. Mỗi mùa, không quá 20 người leo Ama Dablam. Nhiều người nhận xét leo Ama Dablam còn yêu cầu kỹ thuật cao hơn leo Everest. Ngoài ra, Ama Dablam cũng thường được chọn làm điểm tập luyện trước khi leo Everest.
Theo Zing