A. - cậu sinh viên 19 tuổi ở Hà Nội đã kể về hành trình đưa 2.000 xác thai nhi trong túi rác trước phòng khám tư nhân về nghĩa trang chôn cất. Câu chuyện ấy chắc hẳn đã lay động trái tim của tất cả chúng ta.

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-1
A. - Cậu sinh viên 19 tuổi và câu chuyện về hành trình kỳ lạ thu nhặt 2.000 thai nhi trong túi rác đã khiến nhiều trái tim xúc động và trân quý việc làm ý nghĩa này.

A. từng kể có những hôm vừa cầm túi nilon từ xe rác, cậu phát hiện tay có máu chảy từng giọt khi một ống kim tiêm cắm phập vào ngón tay. Gần 1 năm qua, A. không biết những mầm bệnh nào đang âm ỉ trong cơ thể cậu.

Một mình lủi thủi đến bệnh viện làm xét nghiệm, A. sợ chứ. Trong vòng 1 tháng, A. bắt đầu uống thuốc phơi nhiễm. 19 tuổi, còn đang đi học, không việc làm thêm, tiền thuốc cậu phải đi xin. Nhiều người họ thương cho 100, 200 nghìn, người cho 500 nghìn, cũng đủ cho từng ấy viên thuốc giá bạc triệu.
 

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-2
Kết quả xét nghiệm của A.

Ngày cầm trên tay phiếu kết quả, mọi gánh nặng, suy tư như được trút bỏ, A. âm tính với HIV. Dẹp mọi lo âu sang một bên, cậu sinh viên quay lại với công việc của mình: nhặt, khâm liệm và chôn cất các xác thai nhi.

Suốt tuần qua, nhiều người đã chia sẻ cảm xúc rằng họ thực sự trân quý việc làm ý nghĩa của A. và mong muốn giúp đỡ cậu một phần nào đó để san sẻ khó khăn khi A. đã chọn một hành trình gian nan và mạo hiểm như vậy. A. nói rằng cậu trân trọng tình cảm của mọi người dành cho mình, nhưng việc mà A. làm, với cậu nó chỉ là việc rất nhỏ nhoi trong cuộc sống.

Những tháng ngày theo chân A. để lắng nghe câu chuyện của cậu chính là một trong những ký ức sẽ chẳng thể nào quên đối với chúng tôi. Từ A., chúng tôi cũng biết được nhiều hơn một câu chuyện về những thai nhi xấu số. Đó là câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể sau đây, tại nghĩa trang chôn cất 100.000 thai nhi.

Nẻo về ai oán của 100.000 thai nhi... và những dòng nhật ký đầy nước mắt ân hận

Hôm ấy lần đầu tiên chúng tôi tìm về nghĩa trang nơi chôn cất các thai nhi xấu số, con đường gian nan và khúc khuỷu đến lạ. Đặt chân xuống mảnh đất nơi những em bé xấu số nằm lại, không khí cô liêu và lạnh lẽo nơi đây hay chính là số phận của những hài nhi chưa kịp làm người...

Nghĩa trang nằm ngay tại huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, là mái nhà nhỏ từ 10 năm nay của những sinh linh bé bỏng. Sau khi được thu nhặt từ những phòng khám, cơ sở y tế,... các em được tắm rửa, khâm liệm và đặt trong tủ lạnh trong ngôi nhà ngay giữa nghĩa trang. Nhiều năm rồi, xót thương những kiếp thai nhi bị bỏ rơi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, người dân vẫn lặng lẽ đưa các em về nơi đây. Cho đến tận bây giờ, chốn hoang vu này đã trở thành nẻo về ai oán của hơn 100.000 thai nhi.

Riêng A. gần 1 năm qua, đường tới nghĩa trang cũng thân quen như lối đi nước bước về nhà. Theo cậu sinh viên trẻ, vượt quãng đường đêm hơn 30km từ trung tâm thành phố Hà Nội về Sóc Sơn, chúng tôi đặt chân tới nghĩa trang gần 11h đêm. Xung quanh tối mịt không hề có bất cứ một ánh đèn nào ngoài chiếc đèn pin A. vẫn luôn mang theo bên mình, không khí lạnh lẽo, tĩnh mịch. Và lần đầu tiên nhìn thấy những nấm mồ nhỏ bé nằm cạnh nhau, chúng tôi ngỡ ngàng và đầy xót xa, trách sao được sự tàn nhẫn!
 

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-3
A. đặt bé con vào tủ lạnh rồi thắp cho các em nén hương.

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-4
Bé con đáng thương dù đã có hình hài nhưng vẫn bị bỏ rơi.

A. dẫn chúng tôi vào căn nhà hoang, mở tủ lạnh ra và đặt 3 bé con hôm nay cậu nhặt trước cửa phòng khám vào trong đó. Cứ đến cuối tuần, tất cả các em sẽ được đưa đi chôn cất ngay tại đây.

Theo chân A. nhiều ngày qua trên chuyến đi trở về của những hài nhi, có lẽ trường hợp em bé được phát hiện gần đây nhất khiến chúng tôi bật khóc. Trong chiếc tủ lạnh đó, A. nhẹ nhàng bế em ra - một cơ thể gần như hoàn chỉnh như các bé sơ sinh khác, nhưng chẳng hiểu sao nơi em nằm lại thùng rác thay vì vòng tay cha mẹ.

Khi A. lật giở tấm vải nhỏ, gương mặt tím tái cứng đờ của em hết sức ám ảnh, không thể thốt lên bất cứ lời nào trong hoàn cảnh này, chúng tôi lặng lẽ thắp cho em và những bé khác vài nén hương, cùng cầu nguyện rằng thiên đường sẽ đem đến cho các thai nhi niềm hạnh phúc và sự yêu thương!

Từng căn mộ nhỏ nằm san sát nhau chạy dọc nghĩa trang, trên bia đều ghi tên, ngày mất của các bé. Có mộ chứa đến 10.000 sinh linh, đặc biệt, ngôi mộ lớn dưới chân bức tượng chính chứa đến 30.000 hài nhi.

Cứ mỗi lần có những đoàn tình nguyện hay người dân đến, nghĩa trang lại nghi ngút hương khói, cuốn nhật ký thấm đẫm nước mắt đau khổ lại thêm nhiều trang được ghi kín chữ. Cuốn sổ không chỉ ghi lại những ân hận của các bậc làm cha, làm mẹ vì nông nổi thời trẻ mà còn là tình cảm "những người xa lạ" gửi tới các thiên thần nhí.

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-5

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-6
Những trang nhật ký mờ nhòe vì nước mắt và sự ân hận!

Ở một trang đã nhòe mực, có người mẹ viết: "Con à, hôm nay ngày rằm mẹ lên đây thăm con cùng các em ở đây. 17 ngày nữa thôi là ngày giỗ của con, mẹ không biết nói gì, chỉ mong con được bình yên, siêu thoát và... tha thứ cho mẹ. Con chỉ là một trong những đứa trẻ vô tội, con không có lỗi gì, tất cả là do mẹ, do mẹ hết!".

"Các bé thân yêu, hơn một năm trước gia đình phải đón nhận một nỗi đau khôn xiết. Đó là sự ra đi của bé A. khi chị dâu bị sảy thai ở tháng thứ 7. Bé đã có hình hài đầy đủ, đã là một con người, một thành viên của gia đình. Nhưng tiếc là bé mãi mãi không được nhìn thấy mặt ba mẹ, ông bà, người thân, những người đang ngày đêm chờ mong bé ra đời. Cả nhà đã rất buồn, ai cũng khóc khi hình hài bé nhỏ của bé được cuốn trong khăn và đưa xuống lòng đất...".

"Hôm nay mọi người đến thăm các em đông vui quá! Trời trở lạnh rồi, chị ngồi ở đây cũng lạnh này, các em thì sao? Dù nơi ở chật chội, đông người thì cũng cứ vui lên nhé vì có mọi người luôn đồng hành, chia sẻ cùng các em".

"Các con yêu quý của mẹ! Mặc dù không được làm mẹ của các con nhưng lúc này mẹ cầu mong được một lần ôm hết các con vào lòng. Lần đầu tới đây mẹ quá bất ngờ dù đã chuẩn bị tâm lý. Các con nhiều quá, cô đơn lắm phải không? Mẹ sẽ cố gắng dành thời gian về với các con. Một người bố, người mẹ từ chối các con nhưng có muôn vàn các bố, các mẹ khác luôn bên các con".

Mỗi trang giấy - một câu chuyện, một hoàn cảnh, dù đôi khi cũng chỉ là những dòng chữ viết vội nhưng có cả nước mắt, đau khổ và ân hận.

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-7
Những nấm mồ với vài bông cúc trắng đã phai tàn...

Căn nhà tình thương bên nghĩa trang - nơi nương tựa của những thai phụ lầm lỡ

Cách nghĩa trang không xa là một căn nhà tình thương do vợ chồng bà Nguyễn Thị N. xây dựng từ khoản tiền ủng hộ, nơi đây là mái nhà của những thai phụ lầm lỡ. Có những phụ nữ trẻ tuổi mang con đến đây nhờ nuôi, cũng có những người tới đây sinh sống một thời gian trước khi sinh con. Tất cả đều mang chung nỗi mặc cảm lầm lỗi, nông nổi của tuổi trẻ...

Bản thân bà N. cũng đã dành hơn 11 năm miệt mài gõ cửa từng phòng khám ở Hà Nội, "xin" các hài nhi xấu số đưa về đây chôn cất, ngày đêm đều đặn nhang khói. Mấy năm gần đây, lượng hài nhi bị vứt bỏ ngày một tăng, những huyệt mộ sau được đào sâu hơn huyệt mộ trước, tiểu nhỏ được thay bằng tiểu lớn để có thêm diện tích...

Dù ban đầu có những lời đàm tiếu, dị nghị nhưng nhìn những nấm mồ với vài bông cúc trắng đã phai tàn, bà N. chưa từng có ý định từ bỏ công việc này.
 

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-8
Căn nhà tình thương cách nghĩa trang một đoạn không xa.

Tìm về căn nhà tình thương, đằng sau mỗi cánh cửa trắng là một thai phụ trẻ, có những người chỉ mới 16, đôi mươi. Họ luôn đóng kín cửa và ngại tiếp xúc với bên ngoài, thỉnh thoảng tiếng khóc của trẻ con mới sinh lại vang vào hư vô xé toạc cả màn đêm yên tĩnh. Lỡ chót dại mang thai, những người mẹ tìm đến nơi này như sự bấu víu cuối cùng. Phần vì sợ gia đình, phần vì hàng xóm người thân bàn tán dị nghị, họ - bụng mang dạ chửa - đến sống với nhau.

Có người phụ nữ sinh năm 1989, vì đem lòng yêu mù quáng người đàn ông đã có vợ, chị chấp nhận làm người thứ 3. Chị có bầu nhưng anh ta chối bỏ...

Có em gái dân tộc năm nay chỉ vừa tròn 16 tuổi, em vừa sinh con ở Hà Nội đã có những người tới xin con mang đi... bán. Không chấp nhận đánh đổi giọt máu của mình, em bị người ta lấy hết tiền và quần áo, khóc lóc đi xin cơm cho con. May mắn gặp được nhóm thiện nguyện, họ đã đưa em đến đây.

Phần nhiều thai phụ sau khi sinh con xong đều mang về, nhưng cũng có những trường hợp để con lại rồi bỏ đi biệt tích. Có người để lại bức thư nhắn nhủ rằng 1 tuần sau sẽ đến đón hài nhi, nhưng đợi mãi đợi hoài chẳng thấy quay lại... Và những đứa trẻ đó, chúng lớn lên không biết mặt cha mặt mẹ, vẫn luôn miệng xưng con và gọi bà N. là "mẹ". Chúng tôi gọi các em là những đứa trẻ đến từ thiên đường!

Cuộc sống của những đứa trẻ đến từ thiên đường may mắn được cưu mang

2 năm về trước bà N. nhận nuôi 2 đứa bé, một bé sống cùng vợ chồng bà, đứa còn lại ở với người chị dâu. Bé tên Xuân Nhiên, gương mặt bụ bẫm đáng yêu, từng ấy thời gian vẫn luôn xưng con và gọi bà N. là mẹ.

- "Con đừng nghịch, con là con của mẹ em!"

- "Cái túi này là mẹ mua cho con hồi Tết này, con mang vào khoe các anh chị đi!"

- "Mẹ ơi cho con gói bim bim".


Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-9

Những câu nói bập bẹ của Xuân Nhiên và đôi lời đối đáp của 2 "mẹ con" khiến chúng tôi thương cảm. Bà N. kể đã hơn 2 năm nay người mẹ ruột đã không về thăm em, đến cả lúc gọi về làm giấy khai sinh cũng chẳng buồn về.

Những hôm "mẹ" N. ra nghĩa trang lại đưa Xuân Nhiên đi theo, em còn quá nhỏ để hiểu ngần ấy chuyện cũng như để biết dưới những nấm mồ bé nhỏ kia là những sinh linh tội nghiệp không may mắn.

Hàng ngày bà N. đi đâu cũng dắt xe đạp chở Xuân Nhiên theo sau, nhìn cảnh người phụ nữ năm nay cũng ngoài 60 chở bé con mới lên 2, có cái gì đó xót xa và thương cảm lắm. "Người mẹ bất đắc dĩ" tâm sự có những đêm con khóc, bà phải vội từ nghĩa trang về chăm bẵm vỗ về.

Tuy hoàn cảnh gia đình không khấm khá gì cho cam, nhưng có khoai ăn khoai, có rau ăn rau, mẹ con bà N. đã ôm ấp nhau đi qua sóng gió 2 năm qua như thế!
 

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-10
Xuân Nhiên gọi bà N. là mẹ, xưng con. Em đã sống với danh phận này đã 2 năm nay.

Nhìn Xuân Nhiên hồn nhiên vui tươi, đôi mắt sáng trong như đúng cái tên của em, chúng tôi trách thì ít nhưng phần vì tiếc thay cho người mẹ đã nỡ lòng vứt bỏ đứa con thiên thần này thì nhiều. Bởi ngoài kia không phải cha mẹ nào cũng may mắn được đón hài nhi máu mủ ruột rà của mình, đằng này lại từ chối em một cách phũ phàng như thế!

Chia tay mẹ con Xuân Nhiên, bà N. nhìn chúng tôi nghẹn ngào gửi gắm: "Sau này nếu được, xin hãy thương lấy cháu nó!".

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-11
Hai mẹ con tới viếng thăm mộ những thai nhi xấu số.

Căn nhà tình thương, khu nghĩa trang hài nhi khuất bóng dần, chúng tôi mang theo bên mình những nỗi trăn trở quay về Hà Nội. Ở nơi đó, dãy nấm mồ nhỏ vẫn nép mình dưới tình thương của những con người vô danh thầm lặng, những đứa trẻ được cưu mang vẫn chạy nhảy tung tăng dưới bầu trời sáng trong.

Từ tận đáy lòng mình chúng tôi khẩn cầu, xin đừng tước đi quyền sống của các thai nhi! Hãy trao một cơ hội dù là nhỏ bé nhất, để các em có thể nhìn thấy ánh mắt trời...
 

Theo chân cậu sinh viên 19 tuổi về nơi chôn cất hơn 100.000 thai nhi và dòng nhật ký đẫm nước mắt ở nghĩa trang-12

Theo Trí Thức Trẻ