Thời gian biểu chỉ có ăn, ngủ tranh thủ - học suốt cả ngày
Năm học 2023 - 2024, Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông khoảng 102.000 học sinh. Trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm 55,7%.
Kỳ thi vào lớp 10 được xem là "cuộc đua" khốc liệt (Ảnh: Hải Long).
Cơ hội đỗ vào trường công lập thấp với mức cạnh tranh khốc liệt đang đè nặng vai phụ huynh và học sinh Thủ đô.
Em Hải Yến - học sinh lớp 9 tại Cầu Giấy (Hà Nội) mong muốn vào học tại Trường THPT Yên Hòa chia sẻ: "Từ đầu năm đến giờ hầu như tối nào em cũng học tới 12 giờ đêm mà vẫn cảm thấy chưa an tâm. Năm ngoái, tỷ lệ chọi của trường rất khốc liệt 1/3,03 nên em càng cảm thấy áp lực hơn. Chỉ cần sơ suất một chút thôi thì em sẽ đánh mất cơ hội vào được ngôi trường mơ ước".
Có chung áp lực cuối cấp, suốt cả tháng nay, em Minh Anh (Quận Hà Đông, Hà Nội) cất công đến các trung tâm ôn luyện để "củng cố thêm kiến thức", mặc dù mức chi phí không hề rẻ. Thời gian biểu của Minh Anh chỉ gắn liền với ăn - ngủ tranh thủ và học suốt ngày.
Con áp lực đến trầm cảm, phụ huynh lo rối bời
Chị Trần Thanh Thúy - một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội cảm thấy rối bời vì gần đây con có dấu hiệu lo lắng quá mức và trở nên lầm lì.
Chị nghẹn ngào kể: "Lực học của con tôi ở mức khá của lớp, luôn đạt được thành tích ổn định, tính cách con thường ngày vui vẻ, hòa đồng. Nhưng từ đầu năm nay, con tỏ ra mệt mỏi, chán nản mỗi khi tôi hỏi chuyện chọn lớp, chọn trường.
Mỗi ngày con chỉ ngủ được 4 - 5 tiếng vì lịch học dày đặc. Nếu không học thêm, tôi sợ cháu sẽ bị thụt lùi, không đuổi kịp các bạn cùng lớp. Nhưng học nhiều quá, con ngày càng gầy xanh xao khiến tôi rất đau lòng mà không biết phải làm thế nào.
Đỉnh điểm là một lần đang trong bữa cơm tối, tôi hỏi cháu về định hướng chọn trường sắp tới. Cháu im lặng, mãi sau òa khóc rồi gào lên: 'Con mệt mỏi lắm rồi, đừng hỏi con nữa, để cho con được yên'. Kể từ hôm đó, cháu trở nên lầm lì, ít nói, không chia sẻ với mẹ bất cứ điều gì.
Cô giáo chủ nhiệm cũng gọi điện than dạo này con học hành sa sút, không tập trung và hay ngủ gật trên lớp".
Học sinh "mất ăn mất ngủ" vì kỳ thi cận kề, phụ huynh cũng "rối" không kém (Ảnh: Mạnh Quân).
Con chị Thúy chọn cách sống khép kín ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều khi, chị còn thấy con nói lảm nhảm một mình hay ngồi im bất động trên bàn học. Lo lắng tình trạng của con sẽ tồi tệ thêm, chị Thúy quyết định tạm gác công việc để quan tâm đến con nhiều hơn.
"Tôi sợ con sẽ bị áp lực thi cử quá tải, ảnh hưởng đến tâm lý nên đã đưa con đi chơi, giải tỏa căng thẳng. Tôi trò chuyện nhẹ nhàng và không ép buộc con phải học trường nào, miễn sao con cảm thấy thoải mái thì trường công lập hay dân lập cũng không quá quan trọng.
Trước đó bản thân tôi cũng có phần sai vì luôn nhồi vào đầu con là nhất định phải đỗ trường công lập có tiếng. Có lẽ điều này đã vô tình khiến con cảm thấy áp lực quá, dẫn đến sự sa sút về mặt tinh thần", vị phụ huynh này cho biết thêm.
PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra những dấu hiệu trầm cảm như: Thay đổi cách ăn uống và ngủ nghỉ; trốn tránh bạn bè, gia đình, và bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ hoặc bỏ đi khỏi nhà; cẩu thả trong cách ăn mặc; thay đổi cá tính một cách bất ngờ; thường xuyên chán nản, không tập trung được việc gì, từ chối không đi học; hay phàn nàn về những đau đớn thể xác, thường liên hệ đến sự xúc động, như đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; mất hứng thú về những thú vui cá nhân.
Thanh thiếu niên cũng ít thời gian ngủ hơn, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do không có kỹ năng xã hội và không có bạn bè trong cuộc sống thực nên không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc
Sự biến đổi về tâm sinh lý trong giai đoạn vị thành niên cũng là một giai đoạn nhạy cảm dễ tổn thương ở những người trẻ.
Đăng ký nhiều nguyện vọng để chắc suất vào 10
Năm nay, thành phố vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên.
Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng ba không bắt buộc. Các em không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.
Học sinh "cày ngày cày đêm" với mong muốn vào được ngôi trường như nguyện vọng (Ảnh: Hải Long).
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt nguyện vọng một, các em được xét nguyện vọng hai, ba nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn của trường.
Học sinh vất vả ôn thi, các bậc cha mẹ trong những ngày cận kề cuộc đua vào lớp 10 cũng như "ngồi trên đống lửa". Không chỉ dừng lại ở việc đưa con đi học thêm, ôn luyện, nhiều bậc phụ huynh cũng vội vã tính thêm các phương án dự phòng để chắc suất vào 10 cho con.
Chị Kim Oanh, sống tại Quận Hai Bà Trưng, bàn bạc với cậu con trai học lớp 9 để cân nhắc, sắp xếp các nguyện vọng vào lớp 10. Con chị có lực học khá trong lớp, nhưng người mẹ vẫn lo lắng vì sợ "học tài thi phận".
Ở nguyện vọng một, gia đình chọn một ngôi trường có tiếng và theo sở thích của con. Còn nguyện vọng hai nộp vào trường có mức điểm chuẩn vừa phải để dự phòng cho trường hợp thi trượt. Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu, giới thiệu cho con một vài trường tư thục, trường nghề.
Tương tự, chị Thu Hằng, sống tại huyện Thanh Trì, cũng định hướng con trai học nghề nếu không đỗ vào trường công lập.
Chị xác định: "Tôi biết được lực học của con mình đến đâu nên đã nói trước với con về việc xem xét vừa học nghề vừa học văn hóa. Nói chung, phụ huynh và học sinh nên có các phương án dự phòng để không bị căng thẳng quá mức".
Theo Dân Trí