Bà Đoàn Kiều Oanh - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đã thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi với 693 cán bộ thanh tra, trong đó có 668 người chính thức và 25 người dự phòng.
Đây là lần có số lượng thanh tra coi thi lớn nhất từ trước đến nay với gần 700 cán bộ.
Mỗi tổ sẽ cắm chốt theo phương thức: Dưới 15 phòng thi 2 cán bộ thanh tra; từ 15-24 phòng thi sẽ cắm chốt 3 cán bộ thanh tra và từ 25-34 phòng thi là 4 cán bộ thanh tra. Toàn thành phố không có điểm thi nào 46 phòng thi trở lên.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 trên địa bàn, Sở GD&ĐT Hà nội cũng thành lập 16 tổ kiểm tra cơ sở vật chất tại 203 điểm thi, trong đó có 115 trường THPT và 88 trường THCS.
Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, có phòng y tế và thuốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Điểm mới của năm nay, tại các điểm thi phải bố trí khu vực để vật dụng cá nhân của thí sinh cách phòng thi 25m.
"Qua kiểm tra, một số trường có phương án bố trí nhà giáo dục thể chất hoặc nhà xe để cất giữ các vật dụng cá nhân thí sinh. Vì là điểm mới nên qua kỳ thi này, các trường có thể tập dượt, nếu có vướng mắc, khó khăn sẽ tháo gỡ để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được tốt hơn", bà Oanh cho hay.
Cũng theo Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, trong quá trình kiểm tra còn một số hạn chế, một số trường chưa bố trí phòng làm việc và giường cho điểm trưởng, chưa có tủ đựng đề thi, bài thi hoặc chưa đảm bảo bảo mật an toàn, chưa có điện thoại có loa ngoài, chưa có máy photo, chưa có máy phát điện dự phòng, chưa đủ bàn ghế phục vụ thi, trong đó có những trường thiếu hàng trăm bàn ghế cho học sinh…
Một số điểm thi có một đoạn tường rào hơi yếu, không đảm bảo an toàn đó là THPT Yên Lãng, huyện Mê Linh, THPT Vạn Xuân (Hoài Đức) có 20m tường rào đổ…
THPT chuyên Nguyễn Huệ có 20 phòng thi có cửa sổ bị mối mọt nhiều, có nguy cơ rơi gây mất an toàn. THPT Ứng hòa A đều xuống cấp, bị dột khi trời mưa… Nhiều nơi có phòng thi tiếp giáp với hộ dân…
Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các điểm thi phải khắc phục các tồn đọng trên đây trước 15/6. Đặc biệt, các phòng thi tiếp giáp với nhà dân phải xử lý sao cho camera không thể quay lén từ bên ngoài vào phòng thi.
Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng - Phó phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an thành phố Hà Nội lưu ý các kẽ hở mà thí sinh có thể lợi dụng để gian lận.
Nhìn chung, thí sinh gian lận sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, thủ đoạn tinh vi với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị ghi âm, ghi hình hiện đại, được ngụy trang cẩn thận để quay, chụp đề thi, tài liệu, liên lạc giữa trong và ngoài phòng thi.
Thượng tá Hùng lấy ví dụ, thí sinh gắn camera vào cúc áo, kết hợp với một tai nghe nhỏ bằng hạt đậu, đeo phía trong tai cùng hai thiết bị trung gian gắn ở đùi và đặt ngoài hành lang để liên hệ với bên ngoài.
Nhóm ở ngoài điều khiển tất cả thiết bị thông qua thiết bị trung gian. Sau khi thí sinh quay, chụp, người từ ngoài sẽ giải đề và đọc kết quả cho thí sinh thông qua tai nghe.
Theo thượng tá Hùng, thời điểm thường bị lợi dụng để gian lận, chụp và gửi đề ra ngoài là lúc phát đề hoặc khi giám thị nhắc nhở thí sinh khác.
"Đặc biệt, nếu thấy thí sinh khi làm bài nhưng miệng lẩm bẩm, có thể em đó đang truyền đề thi, đọc đáp án", ông Hùng lưu ý.
Giám đốc Sở yêu cầu các trưởng điểm thi triển khai quán triệt các nội dung quy chế, quy định tới các cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi; Phòng chống dịch Covid- 19 đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, thí sinh…
Với các phòng GD&ĐT, cần tham mưu cho Ban chỉ đạo địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi.
Với Hiệu trưởng các trường THPT cần chuẩn bị nhân sự tham gia coi thi, chấm thi; tổ chức học tập quy chế thi cho toàn thể cán bộ giáo viên nhân viên; phối hợp với các phòng và trường THCS để chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo.
Trưởng điểm thi xây dựng kế hoạch coi thi, phân công nhiệm vụ rõ người rõ việc; tổ chức công tác coi thi; học tập quy chế thi tới toàn bộ cán bộ coi thi, kiểm soát các tình huống phát sinh, báo cáo đầy đủ, xử lý chủ động, linh hoạt nhưng phải theo đúng quy chế.
Theo Infonet