Cảnh nóng của Chí Phèo - Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" suýt bị cắt nếu không sự nỗ lực của đoàn làm phim, và đặc biệt là có sự can thiệp của cố TBT Trường Chinh.
Ngày 3/8, NSƯT Bùi Cường qua đời, đồng nghĩa với việc cặp nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất của nền điện ảnh cách mạng Chí Phèo - Thị Nở, giờ chỉ còn một nửa.
"Thị Nở" Đức Lưu đón tin người bạn diễn thân thiết nhất của mình rời xa cõi tạm vào lúc 9h sáng từ một khán giả. Bà hoài nghi vì nghĩ có người tung tin thất thiệt, nhưng vẫn cử cháu nội chạy xe đến tận nhà riêng của Bùi Cường, còn bản thân thì gọi cho vợ chồng NSND Thanh Vân - Nhuệ Giang để xác nhận thông tin.
Chia sẻ với Zing, NSƯT Đức Lưu cho biết bà bàng hoàng khi hay tin đồng nghiệp qua đời, và cũng biết từ nay sẽ không còn cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở cùng sánh bước lên sân khấu để trao các giải thưởng điện ảnh.
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Lưu nổi tiếng với vai Thị Nở trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy" của cố NSND Phạm Văn Khoa.
"Tôi điếng người khi hay tin Bùi Cường qua đời"
- Bà đón tin người bạn diễn thân thiết - NSƯT Bùi Cường qua đời như thế nào?
Tôi điếng người vì ngẫm rằng chúng ta đã mất một nhân tài. Tôi vừa trở lại Hà Nội sau chuyến đi Quảng Trị hai ngày một đêm. Vì còn mệt nên 9h sáng 3/8 tôi mới thức dậy và bị đánh thức bằng một tin buồn, đó là Bùi Cường qua đời.
Vì Bùi Cường vốn rất khỏe mạnh nên khi một khán giả thân thiết thông báo tin đó, tôi có chút ngờ vực. Nhiều nghệ sĩ bị tung tin là đã chết, tôi cũng từng lâm vào cảnh đó nên chưa tin ngay.
Tôi gọi ngay cho NSND Nhuệ Giang và NSND Thanh Vân, một người là con gái của NSND Phạm Văn Khoa – đạo diễn Làng Vũ Đại ngày ấy, một người là con trai ông giám đốc cũ của Hãng phim truyện Việt Nam. Sau đó, tôi được xác nhận là Bùi Cường đã mất đột ngột vào 3h sáng vì tai biến.
- Lần gần nhất “Thị Nở” Đức Lưu gặp “Chí Phèo” Bùi Cường là khi nào?
Gần nhất là lễ kỷ niệm 60 năm Hãng phim truyện Việt Nam, trước đây có tên là Xưởng phim truyện Việt Nam. Tôi gặp Bùi Cường và rất nhiều nghệ sĩ ở đó. Chúng tôi cùng vui vẻ trò chuyện, ăn uống, chúc tụng nhau.
Trước đó, khi cùng nhau đấu tranh đã giữ lại thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam trong việc cổ phần hóa, chúng tôi cũng thường xuyên họp, gặp gỡ và trao đổi.
Quả thực, tôi giật mình khi hay tin Bùi Cường qua đời vì Bùi Cường còn kém tôi tới gần chục tuổi. Tôi không nghĩ Bùi Cường lại ra đi đột ngột như vậy. Nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để tôi quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, vì tôi cũng vừa tròn 79 tuổi, và đang bước sang tuổi 80 rồi.
- Trong cảm nhận của bà, NSƯT Bùi Cường là một người như thế nào?
Tôi với Bùi Cường trước hết là đồng nghiệp. Bùi Cường ít hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Trong suy nghĩ của tôi, Bùi Cường là người rất cởi mở, xuất thân trong gia đình gia giáo nên cư xử rất lễ độ, và luôn luôn có tính cầu thị từ khi còn trẻ.
Bùi Cường vốn xuất thân là lính, sau mới đi học điện ảnh. Nhưng Bùi Cường luôn chứng tỏ được mình là một người cầu thị, siêng năng, khôn ngoan trong việc làm nghề. Lối sống cũng rất lành mạnh, hiên ngang. Nói chung, đó là diễn viên vừa có tài vừa có cả đức.
Trong cảm nhận của "Thị Nở" Đức Lưu, "Chí Phèo" Bùi Cường là người sống lành mạnh, tính tình tốt bụng, ham học hỏi.
- Bà hơn NSƯT Bùi Cường tới 8 tuổi, tại sao hai người lại được chọn đóng cặp với nhau trong "Làng Vũ Đại ngày ấy"?
Tôi nghĩ quyết định đó được đưa ra dựa vào tài năng của mỗi người. Chúng tôi khác nhau, có chênh lệch về tuổi tác nhưng lại rất hợp lý khi đóng cặp. Tôi xuất thân là người học bài bản, tốt nghiệp đại học điện ảnh, là người có thể diễn nhiều dạng vai nên được chọn đóng Thị Nở.
Bùi Cường lúc đó chưa phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng ngoại hình lại có những nét rất hợp vai. Bản chất Chí Phèo là nhân vật có mặt hung giữ nhưng tâm lại tốt. Bùi Cường có vẻ vừa chân chất, vừa ngang tàng như vậy. Bùi Cường thành công vì quả thực rất hợp với vai Chí Phèo.
- Chia sẻ với Zing.vn, NSND Phạm Nhuệ Giang cho biết sự nhân văn trong cách casting diễn viên đóng Chí Phèo - Thị Nở của cố NSND Phạm Văn Khoa là chọn người đẹp hóa thành xấu thay vì mời người xấu đóng luôn vai xấu. Bà có đồng tình?
Đúng là như thế. Theo tôi, NSND Phạm Văn Khoa phải là nhân tài mới có quan điểm như thế. Đạo diễn Phạm Văn Khoa coi vẻ bên ngoài chỉ là phương tiện, hành động bên trong mới quan trọng.
Hiểu được ý đồ của đạo diễn nên chúng tôi không ngại làm xấu, tôi sẵn sàng bôi cả bùn lên người đã trông xấu nhất có thể. Và nghệ sĩ Bùi Cường cũng vậy. Có lẽ cũng nhờ hy sinh như vậy nên Chí Phèo – Thị Nở, về khía cạnh nào đó, đã trở thành thương hiệu của chúng tôi.
"Cắt cảnh ân ái với Thị Nở thì còn gì là Chí Phèo"
- Trong những phân cảnh đóng với “Chí Phèo” Bùi Cường, bà có còn nhớ, cảnh nào là làm khó hai người nhất?
Chính là cảnh lật yếm khi hai nhân vật ân ái ở bụi chuối. Lúc đó, tôi đã có chồng, có con rồi. Bùi Cường thì mới lấy vợ, người dân đến xem cảnh đó rất đông, dẫm nát cả vườn khoai sắn ở đó. Cảnh này, còn có cả vợ Bùi Cường đứng ngoài xem nên Bùi Cường cũng rất nhút nhát.
Đây lại là một cảnh quay khó. Ngoài tôi và Bùi Cường, còn có một người mẫu ở trường mỹ thuật với vai trò diễn viên đóng thế. Cảnh Chí Phèo lật yếm của Thị Nở, máy sẽ quay cận bàn tay lật yếm và sau đó chạm vào ngực của Thị Nở. Khi quay cảnh có ngực, diễn viên đóng thế sẽ đóng vì yêu cầu của đạo diễn là cần một bầu ngực đẹp.
Nhưng khi Chí Phèo hét lên “Ối làng nước ơi, bố con thằng Bá Kiến nó giết tôi”, Thị Nở vùng vẫy và nói “đồ phải gió này” thì tôi lại đóng vì diễn viên đóng thế không thể diễn xuất được. Cảnh này quay đi quay lại đến 7 đúp, càng những đúp về sau, Bùi Cường tay càng run, hơi gượng gạo.
Cảnh đó quay rất vất vả, nhưng khi về xem lại, đạo diễn quyết định chọn đúp quay đầu tiên vì đúp đó là đạt nhất.
- Cảnh Chí Phèo lật yếm sau đó ái ân với Thị Nở có thể coi là một trong những cảnh nóng đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Thời điểm đó, đoàn phim có phải đối mặt với nguy cơ bị “cắt” trước khi công chiếu?
Đó đúng là cảnh nóng đầu tiên trên màn ảnh, sau đó mới đến phim Cô gái trên sông của NSND Đặng Nhật Minh. Đây cũng là cảnh khiến phim mãi không được duyệt. 6 tháng sau khi phim đóng máy, tổ phim đã giải tán, không còn tiền và cũng không còn suất ăn, nhưng tôi và chủ nhiệm của đoàn phim vẫn ròng rã đi xin để phim được chiếu.
Nhưng chúng tôi không được cơ quan quản lý “gật đầu”, từ Bộ trưởng, thứ trưởng văn hóa đến Cục, Vụ đều không đồng ý. Nhiều cán bộ cho rằng cảnh đó sẽ làm thanh niên hư hỏng. Cuối cùng, phim đã được cụ Trường Chinh (cố Tổng bí thư Trường Chinh, thời điểm đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - PV) “cứu”.
- Cụ thể, cố Tổng bí thư Trường Chinh đã có sự can thiệp như thế nào, thưa bà?
Con trai tôi học cùng cháu nội của cụ Trường Chinh ở bên Nga. Trong một lần được gặp cố Tổng bí thư, con tôi có than là “mẹ cháu là nghệ sĩ, mấy tháng nay không có lương nhưng vẫn ròng rã đi xin cơ quan quản lý để phim được duyệt”. Cụ Trường Chinh sau đó mời tôi đến, và mời đoàn phim chiếu cho cụ xem.
Cụ Trường Chinh quê Nam Hà (Nam Định), lại rất hiểu về văn chương Nam Cao, Sau khi xem xong, cụ có chỉ đạo là không cắt cảnh lật yếm trong phim. Nhờ can thiệp của cố TBT Trường Chinh, cảnh nóng đã được giữ. Cụ Trường Chinh cũng nói là nếu cắt cảnh đó thì không còn gì là Chí Phèo nữa, Chí Phèo là phải có cảnh đó.
Chúng tôi mừng đến rơi nước mắt. Khi tôi báo tin với đoàn làm phim, Bùi Cường còn bế hắn tôi lên và “cồng kênh”, trong khi tất cả thành viên đoàn phim đều hạnh phúc. Làng Vũ Đại ngày ấy sau đó được chiếu trọn vẹn ở toàn bộ 7 rạp tại Hà Nội.
- Động lực nào khiến bà và đoàn làm phim quyết tâm bảo vệ cảnh nóng trong phim đến cùng như vậy?
Thực ra, khi cố NSND Phạm Văn Khoa gửi kịch bản phim đi duyệt thì nội dung không hề có cảnh đó. NSND Phạm Văn Khoa biết rằng nếu gửi có thể kịch bản sẽ không được duyệt, thậm chí diễn viên đóng vai Thị Nở như tôi cũng không dám nhận vai.
Nhưng khi đã quay được gần nửa phim, đạo diễn đã bổ sung cảnh đó vào kịch bản. Kịch bản còn được viết rất táo bạo với những miêu tả như “lật yếm”, “bóp ngực”, “trần truồng”. Ở thời điểm đó, từ như vậy là rất nặng, nhiều người không chịu được.
Nhưng đó là hiện thực, đó là tình yêu của hai người nông dân, hai người được cho là tận cùng của xã hội. Họ yêu nhau không tính toán, vụ lợi. Nếu không có cảnh đó, phim sẽ thiếu đi một điểm nhấn.
Tôi cho rằng đó là cảnh quay phải một cái đầu khôn ngoan mới nghĩ ra được. Một cảnh quay với thông điệp như thế phải giữ cho bằng được chứ!
Đức Lưu cho biết chỉ với vai Thị Nở, bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Dàn diễn viên Làng Vũ Đại ngày ấy, giờ chỉ còn vài người...
- Có thể hình dung như thế nào về sức nóng của vai Chí Phèo và Thị Nở đối với khán giả ở thời điểm cách đây 36 năm?
Nhân dân rất hâm mộ và yêu thích, bây giờ khó mà có được những giây phút như thế. Tôi còn nhớ sau ngày phim chiếu, tôi đi chợ, người bán hàng cứ ném thịt, ném trứng vào làn của tôi. Mọi người chạy đến cầm, nắm Thị Nở người bằng xương bằng thịt. Họ còn đưa cho tôi đồ ăn, và bảo cứ cầm lấy đi, không phải trả tiền.
Người dân ngưỡng mộ hết sức, họ rất quý mến diễn viên và hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở. Toàn là người lao động nên họ cũng rất dễ đồng cảm với một bộ phim như thế.
- Nhưng cả bà và NSƯT Bùi Cường cũng đều “chết vai” với Thị Nở - Chí Phèo?
Vai đó có ảnh hưởng và sự lan tỏa quá lớn. Như tôi, được Nghệ sĩ ưu tú cũng chỉ cần có một vai Thị Nở. Sau bộ phim một thời gian, tôi được phân công sang làm công tác đối ngoại, có thể coi là chuyển nghề.
Trong khi đó, nghệ sĩ Bùi Cường đóng thêm vài vai phụ, nhưng cũng không thể gây ấn tượng như Chí Phèo. Sau đó, Bùi Cường chuyển sang học đạo diễn và đi làm phim.
Trước khi Bùi Cường mất, có lần tôi gặp Bùi Cường. Cường cũng nói với tôi là “Dạo này em đang làm giỗ Tết, toàn đi 'cúng' giỗ thuê”.
Tôi thắc mắc không biết công việc đó là như thế nào, Bùi Cường mới bảo công việc là đi làm phóng sự, làm phim kỷ niệm cho các công ty, doanh nghiệp. Bùi Cường tự làm kịch bản, đạo diễn, mỗi phim cũng được vài chục triệu đồng, như vậy cũng sống rất tốt.
Nhưng mới đó mà giờ Bùi Cường đã ra đi, chính ra đoàn làm phim Làng Vũ Đại ngày ấy, nhiều người cũng đã khuất núi, giờ cũng chỉ còn vài người như tôi, nghệ sĩ Hữu Mười...
Theo Zing