Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số cuộc thi hoa hậu năm 2020 phải hoãn tổ chức. Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) là cuộc thi duy nhất vẫn diễn ra bằng hình thức thi online.

Trong phần thi tài năng, phát trực tuyến vào tối 14/10, mỗi thí sinh mặc trang phục gắn với hình ảnh quốc gia và thể hiện một điệu múa đặc trưng. Thí sinh hoa hậu Trung Quốc Jie Ding (25 tuổi) gây tranh cãi khi mặc bộ cánh được nhận xét giống áo dài Việt Nam.

Thí sinh Hoa hậu Trái Đất của Trung Quốc mặc áo dài Việt Nam dự thi gây tranh cãi-1
Hình ảnh thí sinh Trung Quốc trong phần thi tài năng. Ảnh: Miss Earth.

Ở phần thi này, thí sinh Trung Quốc không chú thích về trang phục. Cô chỉ chia sẻ với giám khảo đây là điệu nhảy gắn với văn hóa nghìn năm của đất nước mình. Sau khi video thi tài năng của Miss Earth được đăng tải, rất nhiều ý kiến cho rằng trang phục của đại diện Trung Quốc quá giống áo dài Việt Nam.

"Tôi không hiểu vì sao thí sinh Trung Quốc lại mặc áo dài ở cuộc thi sắc đẹp quốc tế?", "Không lẽ ê-kíp của thí sinh cũng như giám khảo không nhận ra đây là áo dài?", "Tôi nghĩ Hoa hậu Trung Quốc đã mắc lỗi chọn trang phục"... là những bình luận từ khán giả.

Zing đã tham khảo ý kiến của nhà thiết kế áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam về trang phục thí sinh Hoa hậu Trái Đất Trung Quốc - Jie Ding - lựa chọn. Sau khi xem hình ảnh trong video, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định đây chính là mẫu áo dài đặc trưng của Việt Nam.

"Từ phần cổ áo, chi tiết xẻ tà ở eo, quần ống rộng đều mang dáng dấp của áo dài. Mẫu áo dài trắng này rất phổ biến ở Việt Nam, thường được các nữ sinh mặc. Ở các cuộc thi hoa hậu trong nước, thí sinh cũng sử dụng trang phục này. Trước đây, áo dài được thiết kế khuy bấm, nhưng hiện nay người ta thay thế bằng khóa kéo phía sau để tiện dụng hơn".

Thí sinh Hoa hậu Trái Đất của Trung Quốc mặc áo dài Việt Nam dự thi gây tranh cãi-2
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam (đứng giữa) dành tình yêu cho tà áo dài nhiều năm qua.

Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ anh ngạc nhiên khi thí sinh lại mặc trang phục của quốc gia khác tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Anh cho rằng đây là hành động "xâm lược văn hóa", dù cố tình hay vô ý.

"Cũng như bao khán giả khác, sau khi xem video, tôi cũng đặt câu hỏi vì sao thí sinh Trung Quốc lựa chọn như vậy. Chẳng lẽ cô ấy và ê-kíp không biết về áo dài Việt Nam? Chính vì thế, tôi rất mong muốn áo dài nữ sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và trở thành quốc phục, để tránh sự việc đáng tiếc như trên xảy ra".

Nhà thiết kế Việt chia sẻ thêm: "Tại Lễ hội Áo dài, tổ chức ở TP.HCM vừa qua, tôi đã sử dụng hình ảnh của những di sản nổi tiếng của Việt Nam để in lên trang phục làm điểm nhấn. Tôi hy vọng mình đóng góp một phần công sức, tiếng nói cùng các nhà thiết kế khác để áo dài được nhiều người biết đến hơn ở nước ngoài".

Theo Zing