Thị trấn Utqiagvik trước đây từng được gọi là Barrow, vốn là trung tâm kinh tế của North Slope Borough, cực bắc Alaska, Mỹ. Người dân ở đây làm nhiều công việc khác nhau như khai thác dầu, làm du lịch, hoặc các công việc nghiên cứu cho chính phủ Mỹ.
Giống như nhiều thị trấn ở Bắc Cực, Utqiagvik cũng trải qua nhiều hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt về nhiệt độ, chu kỳ của mặt trời ngày và đêm. 2 trong số những hiện tượng nổi bật nhất ở nơi đây là "ban đêm vùng cực" và "mặt trời nửa đêm".
Hiện tượng "mặt trời nửa đêm" xảy ra vào những tháng mùa hè ở Bắc Cực. Vào thời điểm này mặt trời lên trong cả 24 giờ mỗi ngày. Nghĩa là, bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy mặt trời vào nửa đêm nếu thời tiết tốt. Trong thời gian diễn ra hiện tượng này, nhiều thị trấn ở Bắc Cực thường tổ chức các sự kiện và lễ hội khác nhau để thu hút du khách.
Tuy nhiên, đó không phải là hiện tượng duy nhất khiến Utqiagvik trở nên nổi tiếng. Do nằm ở rất xa phía cực Bắc, Utqiagvik vào mùa đông trải qua một đêm cực dài đến bất thường, kéo dài liền trong 65 ngày. Hiện tượng này còn được gọi là "ban đêm vùng cực".
Năm ngoái, mặt trời đã lặn một lần vào ngày 18/11 khiến thị trấn chìm vào màn đêm kéo dài, sau đó tới tận ngày 23/1 mới mọc trở lại. Thậm chí, lần mọc trở lại này, mặt trời cũng chỉ nhô đến ngang đường chân trời rồi lại biến mất thêm 1 tuần trước khi chính thức "trở lại" vào lần tiếp theo.
Trong thời gian của đêm cực, mọi hoạt động của thị trấn đều diễn ra bình thường, kể cả các ngày lễ Giáng sinh, đông chí, lễ tặng quà, mừng năm mới.
Dù không thấy mặt trời, ánh hoàng hôn vẫn xuất hiện thoáng qua khoảng 3 giờ mỗi ngày, và giảm dần trước khi biến mất hẳn vào thời điểm cuối năm.
Do đã quen với hiện tượng đêm cực kéo dài, người dân nơi đây luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các con đường trong thị trấn được thắp sáng rực nhờ những bóng đèn lớn đặt 2 bên đường. Mọi công việc hàng ngày của thị trấn vẫn diễn ra bình thường.
Utqiagvik không phải là thị trấn duy nhất ở Alaska có những hiện tượng này. Tuy nhiên, ở những nơi khác như Anaktuvuk Pass, Kaktovik hay Point Hope, "ban đêm vùng cực" và "mặt trời nửa đêm" không kéo dài như ở đây.
Theo Zing