Grammy là giải thưởng âm nhạc hàn lâm của Hoa Kỳ. Dù không chính thức, nhưng Grammy luôn được công chúng xem là giải thưởng âm nhạc danh giá nhất thế giới, là ước mơ của mọi ca sĩ.
Từ thập niên 90 trở vê trước, Grammy nổi tiếng về sự kĩ lưỡng và khó tính của mình. Đến những huyền thoại âm nhạc như Nina Simone, Bjork, Maria Callas… cũng chưa từng có một giải Grammy nào, dù họ vô cùng vĩ đại và có cống hiến to lớn với nền âm nhạc thế giới.
Grammy 1990 – sân chơi của những huyền thoại
Diva Mariah Carey thậm chí còn cạch mặt Grammy trong nhiều năm vì không được bất cứ giải thưởng nào tại Grammy 1996, dù album Daydream của cô được xem là đột phá khi ấy.
Nhìn vào sự nghiệp của những nghệ sĩ lớn như Queen, Matellica, David Bowie, Kate Bush… có thể thấy, họ hầu như không có Grammy, hoặc nếu có thì rất hiếm hoi.
Whitney Houston năm 1986 thành công rực rỡ với một album chất lượng mọi mặt, tiên phong nhiều giá trị, cũng chỉ được duy nhất một giải Grammy. Khi ấy, người ta thấy Grammy cao quý, đáng trọng vọng làm sao.
Whitney Houston hạnh phúc chỉ với một giải Grammy năm 1986
Nhưng trong những năm gần đây, Grammy ngày càng chạy theo thị trường, khiến người nghe nhạc bất mãn và mất dần niềm tin vào nó.
Ai theo dõi Grammy qua nhiều năm cũng nhận ra rằng, càng ngày nó càng chạy theo các bảng xếp hạng (vốn thiên về thị trường), dùng những tên tuổi đang hot trong làng giải trí để câu view mà không cần quan tâm chất lượng. Vì vậy, danh sách đề cử của Grammy liên tục xuất hiện những cái tên màu mỡ như Justin Bieber, Katy Perry, Taylor Swift, Lady Gaga…
Dù nhân danh giải thưởng mang tính hàn lâm, nhưng chính dòng nhạc hàn lâm nhất là opera, giao hưởng – thính phòng lại bị Grammy gạt khỏi danh sách, chỉ xuất hiện lẻ tẻ, thiếu nổi bật. Các dòng nhạc mang tính thể nghiệm, khai thác âm thanh, cái mới như rock, indie cũng bị Grammy kì thị.
Mặt khác, Grammy cố tình thiên vị những dòng nhạc có tính đại chúng cao để hút khách.
Taylor Swift tại Grammy 2016
Việc nữ ca sĩ nhạc đồng quê (giờ đã pop hóa để chạy theo thị trường) Taylor Swift chiến thắng những 3 giải Grammy trong năm 2016, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất – Album of the year và nhiều tiết mục chất lượng thấp, trao thưởng không xứng đáng đã khiến công chúng cảm thấy thất vọng về Grammy.
Trên trang cá nhân, nam ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Kết quả và Lễ trao giải Grammy năm nay chất lượng thật thảm họa ... Đáng buồn thay cho nền công nghiệp âm nhạc Mỹ ngày càng xuống cấp - khi mà mọi giá trị bị đảo lộn và cảm xúc đã cạn kiệt ....”
Ca sĩ Tùng Dương bày tỏ sự thất vọng về Grammy năm nay
2sao đã liên lạc và có một cuộc phỏng vấn nhỏ với Tùng Dương. Anh cho rằng, có thể ý kiến của mình hơi gay gắt, nhưng đó là tâm trạng thật lòng của anh.
- Chào Tùng Dương, anh có thể cho biết suy nghĩ về việc nữ ca sĩ Taylor Swift thắng đậm tại Grammy 2016?
- Tôi không phải fan của Taylor Swift, nhưng kết quả như vậy khiến tôi không vui vì hướng tới thương mại, số đông quá nhiều.
- Với tư cách một nghệ sĩ cũng đang làm về nghệ thuật, lại nghiên cứu sâu về âm nhạc thế giới, anh thấy Grammy trong những năm gần đây thế nào?
- Nhiều năm nay Grammy đã đi xuống rồi. Tuy nhiên, một vài năm vẫn có những giải thưởng xác đáng và sức ảnh hưởng tốt với giới làm nghệ thuật. Nhưng những năm trở lại đây thì hoàn toàn thương mại hoá. Tôi thấy ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ có vẻ giờ đây chỉ để tôn vinh trào lưu, mang tính thời trang thời vụ... Điển hình, ở indie, rock hay jazz, r&b… đã không còn những gương mặt chất lượng và hình ảnh của những “truly artist” nữa, ca từ cũng suồng sã hơn.
- Anh nghĩ sao về việc nhạc rock đang bị Grammy “hắt hủị”. Rất nhiều người nghe rock lâu năm cảm thấy bất mãn về điều này?
- Rock indie vẫn có những đại diện hấp dẫn, nhưng họ không còn được Grammy đánh giá cao hay lựa chọn. Thay vào đó là những dòng nhạc dễ nghe hơn như pop, country… Tôi thấy không thuyết phục lắm với những tiêu chí này.
- Có một tình trạng ở Grammy những năm gần đây là một nghệ sĩ thường đoạt rất nhiều giải, trong khi trước đây một nghệ sĩ thường chỉ nhận một hai giải. Anh có cho rằng đây là chiêu thức tập trung lăng xê một tên tuổi hot của Grammy để câu khách?
- Cái đó gọi là thắng toàn diện, tập trung vào một nghệ sĩ để đại thắng. Cũng không sao cả, chúng ta đã có những nghệ sĩ đích thực thắng toàn diện như Alicia Keys, Norah Jones, Adele, Amy Winehouse... Họ thực sự là những gương mặt xứng đáng để vinh danh Grammy. Nhưng giải thưởng năm nay nói lên bộ mặt của âm nhạc Mỹ: bão hoà và cạn kiệt sáng tạo.
- Rất cảm ơn anh về những chia sẻ có giá trị này!
Không những vậy, việc Taylor có tên trong danh sách hội đồng chấm giải Grammy càng khiến người ta hoài nghi về tính minh bạch, công bằng của giải thưởng này.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên Taylor đoạt giải thưởng này. Năm 2010, cô cũng từng khiến dư luận ngã ngửa khi ẵm nó với album tuổi teen Fearless. Nhưng ít ra, khi ấy Taylor vẫn còn khác biệt với chất country riêng, chứ không pop hóa thị trường như album 1989 năm nay.
Nhìn lại lịch sử của hạng mục Album of the year, có thể thấy Taylor quá nhỏ bé khi đứng chung với Bob Dylan (Time out of Mind 1998), Whitney Houston (The Bodyguard: Original Soundtrack Album – 1994), Natalie Cole (Unforgettable... with Love 1992), Michael Jackson (Thriller – 1984), Bee Gees (Saturday Night Fever: The Original Movie Sound Track – 1979), The Beatles (Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band – 1968)…
Không chỉ Tùng Dương, đa số mọi người đều bức xúc về Grammy năm nay, đặc biệt ở việc thiên vị Taylor Swift.
Giải thưởng Best pop vocal album của Taylor năm nay cũng gây tranh cãi không kém, vì cô nổi tiếng với chất giọng trung bình, kĩ thuật thấp, hát live yếu. Nếu so về giọng hát, Taylor không thể đuổi kịp những đối thủ cùng hạng mục đề cử với cô như Kelly Clarkson, James Taylor, Mark Johnson, Florence and the Machine.
Khán giả cảm thấy thất vọng khi ngay trong cùng hạng mục, Grammy lại để ca sĩ thị trường như Taylor Swift chiến thắng trước Florence and the Machine – ban nhạc inide rock có lối âm nhạc đậm tính nghệ thuật, tìm tòi, thể nghiệm. Điều này chẳng khác nào nghệ thuật thuần túy đã thua cuộc trước thị trường hào nhoáng ngay trong sân chơi của chính nó.
Nếu so sánh Taylor với những nghệ sĩ từng thắng hạng mục Best pop vocal album trước đây như Adele, Amy Winehouse, Lady Gaga, Duffy, Ray Charles, người ta càng thấy một sự khập khiễng, phi lí đến khó tả.
Điều đáng nói là, Taylor mặc dù xuất phát điểm có chất giọng mỏng, yếu, thiếu kĩ thuật trầm trọng, nhưng cô cũng không hề có sự nỗ lực, phấn đấu nào trong việc rèn luyện giọng hát. Bao nhiêu năm qua, giọng hát của Taylor vẫn vậy, hát live vẫn yếu, nhả chữ vẫn không có gì đặc sắc, kĩ thuật không có bất kì tiến bộ nào. Trong khi đó, các đồng nghiệp của cô như Rihanna, Lady Gaga lại chăm chỉ luyện tập, ngày một tiến bộ về giọng hát, dù cũng thiên về hướng giải trí như cô.
Vì vậy, người ta càng cảm thấy trao giải cho Taylor ở hạng mục Best pop vocal album là sự coi thường nghệ thuật hết mức.
Tất nhiên, Taylor là một nghệ sĩ có tài, thành công và nổi tiếng, nhưng sự thiên vị quá mức của Grammy dành cho cô đang khiến công chúng thất vọng về giải thưởng uy tín này.
Đức Long
Theo Vietnamnet