Hạ canxi khiến chân tay co quắp

Toàn thân co quắp, cứng hàm, sùi bọt mép

Nghe thấy tiếng gọi thất thanh từ phòng bên, Lan vội vàng chạy sang. Cô không tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng, Hương đang nằm trên nên nhà, người liên tục co giật, chân tay co quắp, cứng hàm, sùi bọt mép, toàn thân co rúm, mắt nhắm nghiền. Ngồi kế bên là bạn Hương, cũng gục đầu khóc. Lan cứ ngỡ, có thể cô ấy… sốc thuốc nên vội vàng gọi taxi đưa Hương đến viện.

“Bạn ở cùng phòng Hương cứ khóc dấm dứt, bất đắc dĩ em phải cùng 2 người đến viện. Tại viện, bạn của Lan vừa khóc vừa kể: Hương và mình là hai bạn học cùng trường đại học, mới dọn về ở chung với nhau.

Thế nhưng Hương luôn tỏ ra ghen tuông khi bạn cùng phòng có khách đến chơi. Hôm ấy, cô bạn vừa đi chơi về, Hương đã lên cơn chì chiết… Cô đặt trên bàn con dao nhọn và bắt bạn hứa không tiếp tục đi chơi, nếu không tự tử ngay tại phòng… Cô bạn hoảng hồn, chưa kịp phản ứng gì thì Hương đã lăn đùng ra đất, giãy đành đành rồi ngất lịm…” - Lan kể lại.

Sau khi điều tra tiền sử bệnh nhân, kết hợp với các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ kết luận Hương bị hạ canxi cấp. Đây là một trong những trường hợp điển hình hay gặp ở nữ thanh niên tuổi dậy thì. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt canxi. Thông thường cơn hạ canxi cần có những kích thích mới biểu hiện rõ như: cãi nhau, tức giận, buồn bã, căng thẳng, mệt mỏi hoặc cảm sốt...

Theo các bác sĩ, hạ canxi thường khởi đầu bằng các triệu chứng tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân. Sau đó là sự co cơ khắp cơ thể. Co thắt các cơ ở tay tạo ra dấu hiệu "bàn tay đỡ đẻ" (các ngón tay không xòe ra được). Co thắt các cơ ở chân tạo ra "dấu bàn đạp" (bàn chân duỗi ra như thể đang đạp xe đạp). Hạ canxi cũng đồng thời làm co thắt các cơ vùng mặt và các cơ toàn thân gây đau đớn; co thắt các cơ hô hấp gây khó thở. Trong những trường hợp nặng hơn có thể gây co giật toàn thân hoặc khu trú.

Trong trường hợp hạ canxi mạn tính sẽ gây nên nhiều bất thường khác nhau như da khô và bong vảy, móng tay dễ gãy và tóc khô. Thậm chí có trường hợp còn nhiễm nấm candida, đục thủy tinh thể vĩnh viễn ngay cả khi can xi trong huyết tương trở về bình thường.

Làm gì để khắc phục?

Theo BS Lê Quang Hào – Viện Dinh dưỡng quốc gia thì canxi là chất khoáng thiết yếu giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức năng của bộ phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần can xi, vì vậy nồng độ canxi trong cơ thể được duy trì không thay đổi bằng cơ chế cân bằng (homeostatic). Ngoài ra, ion canxi còn đóng một vai trò then chốt trong hệ thống truyền tin nội bào và liên quan đến quá trình điều hòa hoạt động của nhiều enzyme khác nhau.

Lượng canxi trong cơ thể có tới 99% được dự trữ ở xương, một người trưởng thành có lượng canxi là  920 - 1000 g (nữ) và 1200 g (nam). Tại đây canxi liên kết với các ion khác để tạo nên các dạng tinh thể hydroxyapatite. Khoảng 1% canxi còn lại trao đổi tự do với dịch ngoại bào.

Duy trì lượng canxi dự trữ của cơ thể cũng như nồng độ canxi huyết tương phụ thuộc vào lượng canxi được cung cấp qua bữa ăn hằng ngày, canxi hấp thu tại ống tiêu hóa và bài tiết ở thận. Theo nhu cầu khuyến nghị lượng can xi là 1000-1300 mg/ngày/người trưởng thành. Cơ thể bài tiết vào ống tiêu hóa khoảng 200 mg/ngày theo dịch mật và các dịch tiết khác.

BS Hào cũng cho biết thêm, khi gặp trường hợp bị hạ canxi máu, đầu tiên người xung quanh phải thật bình tĩnh, đỡ bệnh nhân rồi đưa vào chỗ mát để nghỉ ngơi. Vỗ nhẹ 2 bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Nếu ngất lâu hãy thử ấn huyệt nhân trung (ở giữa mũi và miệng). Sau đó, nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Để phòng ngừa thiếu canxi, PGS.TS Lê Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mọi đối tượng (đặc biệt trẻ em tuổi dậy thì, người già, phụ nữ mang thai…) cần thực hiện chế độ ăn đủ canxi bằng cách ăn nhiều tôm, cua, ốc, nghêu, sò, mực.... Cá mòi, cá thu và các loại cá đóng hộp nguyên xương là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời.

Bên cạnh đó, cố gắng ăn ít nhất 1 tuần 1 lần các món tôm nguyên vỏ, ốc, hến và các loại sò để bổ sung một lượng canxi đáng kể cho cơ thể. Và đừng quên cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.

“Bữa cơm hàng ngày nên sử dụng các loại rau củ như cải thìa, đậu bắp, bông cải, bí xanh và củ cải. Bổ sung quả sung khô, đậu trắng, đậu phộng, đậu đỏ và đậu xanh vào thực đơn hàng tuần. Trong thực đơn hàng ngày nên bổ sung sữa đậu nành và các loại sữa bò nguyên kem kết hợp với tắm nắng dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng để da tổng hợp vitamin D”- PGS Hải nói.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, nhiều bậc phụ huynh thường tự ý mua canxi về cho gia đình uống. Điều này dễ gây những hậu quả khôn lường, vì thế chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo Infonet