Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định không có chuyện bắt cóc trẻ em lấy nội tạng bán.

Việt Nam không có bắt cóc trẻ em lấy nội tạng bán

Thời gian vừa qua trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xảy ra bắt cóc trẻ em, thậm chí có những vụ án giết người được đồn đoán là lấy nội tạng. Những thông tin trên khiến nhiều người dân cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) cho biết, phần lớn các thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng là không chính xác.

Đa số các trường hợp các cháu mất tích là do đi lạc, tự bỏ nhà ra đi, người trong gia đình hay bố mẹ ly hôn xảy ra mâu thuẫn rồi tìm cách đưa các cháu bé đi, hoặc có cháu gặp nạn tử vong không tìm thấy…

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự lấy ví dụ vụ hai bé gái mất tích ở Phú Xuyên (Hà Nội) ban đầu dư luận đồn thổi là bị bắt cóc nhưng sau đó cơ quan điều tra phát hiện các cháu bé bị giết. Cũng có vụ các đối tượng cướp giật tài sản nhưng thấy trên xe có cháu bé mọi người lại đồn thổi cháu bắt cóc trẻ em.

“Một số vụ bố mẹ tới trường đón con nhưng không thấy đâu đã trình báo con bị bắt cóc nhưng thực tế điều tra cho thấy, khi các cháu rời khỏi trường lên xe của bạn hoặc bố mẹ bạn để về nhà”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cũng cho biết thêm, thực tế ở vùng biên giới giáp với Trung Quốc nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có việc phụ nữ và bé trai bị bắt để bán. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, cơ quan điều tra tiếp nhận rất ít thông tin trình báo về việc này.

“Cũng có trường hợp bố mẹ khó khăn quá tự nguyện bán con”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.

Riêng về tin đồn bắt cóc lấy nội tạng, tướng Tiến khẳng định đây là thông tin bịa đặt, không đúng sự thật.

“Tôi khẳng định 100% là không có chuyện bắt cóc lấy nội tạng bán như đồn thổi”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.


Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng phần lớn không chính xác.

Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con

Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, các gia đình có trẻ nhỏ luôn phải có người trông giữ các cháu để đề phòng các cháu đi lạc hoặc đi chơi một mình gặp tai nạn bất ngờ.

“Trong trường hợp các cháu mất tích mà có biểu hiện mâu thuẫn với bố mẹ người thân trong gia đình thì phải khéo léo động viên các cháu về.

Nếu không thấy các cháu thì phải trình báo công an để được giúp đỡ, có phương án tìm kiếm và không nên tung tin các cháu bị bắt cóc gây hoang mang dư luận.

Vừa qua có vụ cháu bé 12 tuổi (cháu Hà Ngọc Anh, tạm trú ở Đan Phượng, Hà Nội) mất tích, cũng có thông tin cháu bị bắt cóc nhưng thực tế là cháu bỏ nhà đi”, tướng Tiến chia sẻ.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho rằng, quá trình chăm sóc, bố mẹ cũng phải đặc biệt quan tâm, nắm bắt tâm lý của con cái. Các gia đình cũng nên giáo dục, dạy con em mình không được đi với người lạ khi chưa được sự cho phép của người thân.

“Trong các dịp nghỉ hè, đa số bố mẹ phải đi làm nên không có người trông coi con. Vì vậy, các gia đình cần gửi các cháu bé ở nơi an toàn, có người trông coi để tránh các cháu đi lạc, gặp nguy hiểm như tai nạn, đuối nước...

Đối với các cháu bé học nội trú, các gia đình phải thống nhất với nhà trường về việc đưa đón các cháu, ai được đón và phải giao đúng người. Nếu bố mẹ đến muộn thì gửi các cháu ở phòng bảo vệ, hoặc có người trông các cháu, không để các cháu tự do rời khỏi trường, chạy lung tung dẫn tới trình trạng đi lạc, mất tích.

Trong trường hợp con em mất tích, gia đình phải bình tĩnh rà soát lại các mối quan hệ và thông tin liên quan tới con em mình để việc tìm kiếm được hiệu quả, đồng thời báo công an để được trợ giúp”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ.

Theo Dân Việt