Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sau đó, tiếp tục ảnh hưởng tới các nơi khác ở ven biển Nam Trung Bộ và một số nơi ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với trường phân kỳ trên cao nên trên khu vực Bắc Bộ trời ít mây, vùng núi cao có khả năng cao xuất hiện sương muối. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rét đậm tiếp tục kéo dài đến hết ngày 7/2.

Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7; giật cấp 8-9; biển động. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m.

Gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển nhiều khả năng sẽ kéo dài liên tục đến hết ngày 8/2.

Thời tiết đêm giao thừa: Hà Nội rét đậm, TP HCM không mưa
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Sài Gòn vào ngày Tết dương lịch 2016.

Ngày 7/2, phía Tây Bắc Bộ ngày nắng, trời rét đậm, có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra sương muối. Nhiệt độ thấp nhất từ 9 - 12 độ, có nơi dưới 8 độ độ; nhiệt độ cao nhất từ 18 - 21 độ.

Phía Đông Bắc Bộ đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra sương muối. Nhiệt độ thấp nhất từ 7 - 10 độ, vùng núi có nơi dưới 5 độ; nhiệt độ cao nhất từ 18 - 21 độ.

Thủ đô Hà Nội đêm giao thừa không mưa, thuận lợi cho hoạt động bắn pháo hoa chào mừng năm mới Bính Thân 2016. Tuy nhiên trời vẫn rét đậm; nhiệt độ thấp nhất từ 8 – 11 độ; nhiệt độ cao nhất từ 18 – 21 độ.

Thời tiết đêm giao thừa tại TP.HCM cũng khá đẹp, đêm không mưa, ban ngày trời nắng; nhiệt độ dao động từ 23 - 33 độ.

theo Afamily/ trí thức trẻ