Thời gian gần đây, tại các tỉnh thành Bắc bộ, thời tiết sương mù, mưa phùn, độ ẩm cao khiến nhiều người có cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể. Quần áo, chăn, ga, đệm,... kể cả tường nhà cũng ẩm mốc, có mùi hôi. Đặc biệt, đây cũng là điều kiện để nhiều bệnh gia tăng, đặc biệt các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng.

Nguyên nhân của các bệnh đường hô hấp

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết: "Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích ứng, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu. Độ ẩm cao, thậm chí lên tới 100%, hơi nước nhiều tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, ổ dịch cũng phát triển mạnh hơn. Chính vì thế, thời tiết này nguy cơ mắc các dịch cúm, dịch liên quan đến virus bùng phát nhiều.

Theo thống kê, trong quá trình hô hấp, mỗi ngày người hít khoảng 10.000 vi sinh vật. Hàng năm, vào tháng 3, tháng 9 thời tiết thay đổi nhiều, số lượng người mắc bệnh này thường tăng cao".

Thoi tiet nom am: Nguyen nhan gay ra nhieu benh duong ho hap hinh anh
Thời tiết nhiều sương mù, mưa phùn, độ ẩm cao gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể. Ảnh: Anh Tuấn.

Bác sĩ Dinh cũng cho biết thêm, trường hợp bị viêm mũi, sổ mũi không thể thở qua mũi mà phải thở bằng đường miệng, không khí sẽ không được lọc sạch, làm ấm, làm ẩm, dễ gây ra viêm họng, viêm thanh quản, viêm phổi. Hơn nữa, mũi không thông còn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, hiệu quả làm việc, chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, bệnh viêm mũi, họng liên quan chặt chẽ với viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, không được tiêm phòng đầy đủ, người già, người có cơ địa dị ứng là những đối tượng dễ ốm, mắc bệnh nhiều nhất.

Phòng tránh và điều trị

Để phòng tránh những ảnh hưởng xấu từ thời tiết, bác sĩ Dinh khuyến cáo một số biện pháp để nâng cao sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe:

- Khi lưu thông trên đường nên đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể.Thường xuyên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa sẽ giúp sớm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm.

- Các gia đình cũng cần giữ vệ sinh, giảm độ ẩm không khí trong nhà trong bằng các biện pháp như dùng máy hút ẩm, thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô.

- Khi mắc các bệnh về tai, mũi, họng không nên chủ quan hoặc sử dụng lại đơn thuốc từ lần khám trước của bác sĩ mà phải tới các cơ sở y tế, dùng thuốc theo chỉ định.

- Người bệnh cần điều trị dứt điểm, để nặng, kéo dài không chỉ khiến bệnh khó chữa, làm nhờn thuốc mà còn kéo theo những biến chứng khôn lường. 

Theo Zing