Từ khóa "Y2K" và "metaverse" gắn chặt với thời trang suốt năm 2021 và sẽ còn tiếp tục được phô diễn mạnh mẽ vào năm nay. Trong khi giới trẻ hay các ngôi sao đang tìm lại những món đồ xưa cũ, đem đến vẻ ngoài hoài cổ, hàng loạt thương hiệu lớn lại tất bất chạy đua ở thế giới ảo.
Sự thống trị tuyệt đối
Nhóm Nghiên cứu và Phát triển Thời trang Samsung và trung tâm thời trang trực tuyến ZigZag khẳng định thời trang Y2K sẽ tiếp tục thống trị (ít nhất là ở Hàn Quốc) trong năm nay. Vẻ đẹp của những năm 2000 với áo sơ mi cắt xéo, quần, váy cạp trễ hay đồ thể thao khiến tín đồ thời trang hiện đại lại muốn quay về quá khứ.
Lim Ji-yun, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu và Phát triển Thời trang Samsung, cho biết: "Thời trang Y2K gợi lên sự hoài cổ đối với thế hệ cũ và gen Z. Với họ, nó được coi là xu hướng hợp thời và mới lạ".
Báo cáo từ ZigZag cho thấy người dùng của họ đã tìm kiếm "quần cạp trễ" trong nửa cuối năm 2021 nhiều hơn gần 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Các tìm kiếm về thời Y2K khác như mũ nồi và tất dài quá đầu gối đều tăng lần lượt 454% và 396%.
Xu hướng Y2K thống trị Hàn Quốc năm 2022
Sự nở rộ của Y2K tại Hàn Quốc có công lớn đến từ các nghệ sĩ Kpop như Sunmi, Jennie (Blackpink), Taeyeon (SNSD) và Joy (Red Velvet)...
Ngoài ra, đồ thể thao cũng trở nên phổ biến bất thường. Đây là kết quả từ việc người dân phải ở nhà làm việc vì đại dịch. Họ tìm tới những bộ trang phục đẹp nhưng phải đảm bảo tính thoải mái, phù hợp với việc "ra đường trong chớp nhoáng".
Việc Y2K bùng nổ mạnh mẽ ở Hàn Quốc cũng như toàn cầu vốn nằm trong chu kỳ của thời trang - theo nhà phê bình thời trang Lee Dong-hyun.
"Khi mọi người nhàm chán với những thứ ở hiện tại, họ tìm cách quay về quá khứ. Ở đó, họ tìm được những điều mới lạ và Y2K khiến chúng ta thấy thú vị lúc này. Đại dịch khiến chúng ta ở nhà nhiều hơn nên mọi người ưa chuộng những trang phục đơn giản, thoải mái.
Sẽ đến lúc, chúng ta tự hỏi điều gì còn thiếu ở thời trang lúc này. Câu trả lời chính là hình thức. Xu hướng thời trang đến và đi như một chu kỳ không bao giờ kết thúc. Khi thời trang đã quá thoải mái, chúng ta lại khát khao những thứ hình thức đẹp hơn và ngược lại", Lee nói.
Tiến vào thế giới ảo
Trong khi các tín đồ thời trang đang chạy lùi về quá khứ, một cuộc đua đến tương lai vẫn đang "nóng" lên trong năm 2022: metaverse. Thế giới ảo với tiềm năng vô tận này là chủ đề được quan tâm bậc nhất năm 2021. Các ông lớn trong ngành thời trang đang từng bước tiến sâu hơn vào vũ trụ rộng lớn đó.
Năm ngoái, Dolce & Gabbana đã thu về khoảng 5,7 triệu USD từ những bộ đồ sử dụng trong metaverse. Trong khi đó, tựa game Animal Crossing biến thành sân chơi thời trang cho những thương hiệu cao cấp như Valentino và Marc Jacobs.
Animal Crossing trở thành sàn diễn thời trang.
Vào tháng 2/2021, Gucci hợp tác với Zepeto - phiên bản metaverse của mạng xã hội Naver Z - và ra mắt khoảng 60 sản phẩm trong bộ sưu tập.
Đến cả chính quyền thủ đô Seoul (Hàn Quốc) cũng không ngồi yên trước sự vận động này của ngành thời trang. Họ đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang trên công viên giải trí ảo Seoul Children Grand Park trong Zepeto.
"Thời trang không còn đơn thuần là quần áo nữa. Nó chi phối nhiều mặt trong lối sống của chúng ta. Các hình thức kinh doanh kiểu mới như metaverse không chắc sẽ thành công. Các thương hiệu cần biết nhu cầu của người dùng trong những lĩnh vực khác thay vì chỉ quan tâm đến thời trang", Lee nói.
Theo Zing