Một văn bản mạo danh Trường ĐH FPT đang được lan truyền, có nội dung thông báo về chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản năm 2024.
Theo thông báo này, trường sẽ cấp 120 suất học bổng sau đại học cho sinh viên. Chương trình đài thọ 100%, bao gồm vé máy bay và chi phí học tập, nhưng yêu cầu sinh viên phải chứng minh tài chính có 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý, trong văn bản lan truyền, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT - bị “biến” thành hiệu trưởng.
Xuất hiện văn bản lừa đảo cấp học bổng du học. Ảnh: Chụp màn hình
Trước sự việc này, ông Lê Trường Tùng cảnh báo thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin lừa đảo liên quan đến môi giới du học, tuyển dụng, tuyển sinh gắn với tên của các đơn vị trong FPT Edu.
Theo ông Tùng, học sinh, sinh viên phải nhớ 3 nguyên tắc để tránh bị lừa đảo. Đó là: những thông tin chính thống đều được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường. Liên quan đến tài chính, FPT Edu áp dụng triệt để việc không dùng tiền mặt, mọi khoản nộp nếu có đều qua tài khoản đứng tên trường, không đứng tên các cá nhân hoặc các đơn vị khác.
"Ngoài ra, học sinh, sinh viên phải biết thêm 1 nguyên tắc nữa là 'khi tiền ra khỏi túi của mình được xem như không còn là tiền của mình nữa, vì vậy phải cẩn trọng khi giải ngân" - ông Tùng lưu ý.
Cũng trong tối 16/12, Trường ĐH Bách khoa TPHCM phát đi cảnh báo khi trên mạng xã hội xuất hiện văn bản mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế.
Nội dung văn bản là chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore. Một trong những tiêu chí nếu sinh viên muốn tham gia là chứng minh khả năng tài chính…
Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết không phát hành thông báo cũng như tổ chức bất cứ buổi họp mặt giao lưu quốc tế nào như thư mời nói trên đề cập. Mọi quy trình về đăng ký và xét duyệt học bổng của trường được triển khai theo hệ thống chặt chẽ, thông qua email và những kênh thông tin chính thống, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật thường xuyên đến sinh viên.
Theo trường này, sinh viên có thể đã trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để nhận diện các hình thức lừa đảo giả mạo, song cần cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn tinh vi mới xuất hiện. Nếu quan sát kỹ, sinh viên sẽ thấy thư mời mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả, thông tin không chính xác, không nhất quán và thiếu minh bạch, trình bày sai thể thức...
Trường này cũng khuyến cáo khi nhận thấy bất thường, sinh viên cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy hoặc trực tiếp trình báo công an.
Theo VietNamNet