Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử tại tỉnh này trong giai đoạn 1 và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can là cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La, cán bộ Công an tỉnh về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.
Theo đó, bị can Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai rằng trong số 13 thí sinh ông nhận giúp sửa nâng điểm thì có 8 thí sinh do ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La "nhờ vả". Ngoài ra, có bị can khai chi phí “chạy điểm” để đạt mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình là 1 tỷ đồng/thí sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông N.T.Đ (trú tại đường Tô Hiệu, tổ 7, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La) cho biết: "Theo suy nghĩ của tôi, sự việc 'chạy điểm' này đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng 'chơi nhẹ' nên chưa ai phát hiện ra. Năm nay, các ông 'chơi đậm' quá nên mới bị 'sờ gáy'.
Tôi nghĩ đây là vụ án rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến uy tín của nền giáo dục tỉnh nhà, bức xúc trong dư luận, nhiều người dân đang mất dần niềm tin. Đường dây lớn thế này, sau Phó Giám đốc Sở còn có khi liên quan đến cấp trên nữa".
“Tôi cũng thường xuyên cập nhập các tin tức trên mạng, theo như các luật sư nói nếu cơ quan chức năng kết luận chi phí 'chạy điểm' trung bình cho một thí sinh là 1 tỷ đồng như thông tin một số báo đã đưa là đúng thì sẽ có tù chung thân hoặc tử hình. Vì theo điểm a, khoản 4, Điều 354 về 'Tội nhận hối lộ' quy định 'Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất khác giá trị 1 tỷ đồng trở lên' thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” - người dân này chia sẻ thêm.
Còn bà H.T.L (dân tộc Thái, ở bản Nam, xã Hua La, TP. Sơn La) cho biết: "Đối với người nông dân nghèo như chúng tôi thì thông tin chi phí sửa nâng điểm cho các thí sinh là con một số quan chức ở Sơn La để đạt được số điểm mong muốn với giá 1 tỷ đồng thực sự rất lớn. Cả đời chúng tôi cũng không làm được số tiền đó. Các thí sinh này đều là con của cán bộ. Họ có quan hệ rộng, có nhiều tiền nên mới dám chi đậm như vậy".
“Điều này thực sự rất thiệt thòi cho con em người nông dân. Đặc biệt là con em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, vì những thí sinh được nâng điểm này mà đã cướp mất cơ hội của các em học sinh còn lại thi bằng năng lực, điểm số thực sự của mình. Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách tạo điều kiện cho con em người dân tộc thiểu số nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển đất nước.
Nếu cứ gian lận, sai phạm như thế này, tôi nghĩ con em đồng bào người dân tộc thiểu số dù có cố gắng bao nhiêu họ cũng chẳng có cơ hội. Nền giáo dục tỉnh nhà đã và đang đánh mất dần niềm tin đối với người dân nghèo chúng tôi” - bà H.T.L bức xúc.
Nhiều người dân ở TP. Sơn La khi được hỏi đều có quan điểm như bà H.T.L.
Như đã thông tin trước đó, trong giai đoạn 1, Cơ quan điều tra tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can xoay quanh việc sửa điểm bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm bài thi tự luận là môn Ngữ văn cho một số thí sinh khác, cũng như sự tiếp tay của 2 cán bộ công an.
Cơ quan công an cũng làm rõ về động cơ sửa bài thi, điểm thi của các bị can trong vụ án; cách thức các bị can thực hiện việc sửa bài thi, điểm thi của từng thí sinh; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây gian lận thi cử có tổ chức này. Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng đã yêu cầu số cán bộ đảng viên có con nằm trong danh sách những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La phải làm báo cáo giải trình.
Theo một nguồn tin riêng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La đang chuẩn bị họp để có hình thức xử lý đối với 8 bị can đã có quyết định truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Dân Việt