Tối 8/1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với Vietnamnet, lực lượng cứu hộ vẫn làm việc khẩn trương ở hiện trường nơi bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình.
Các thiết bị, máy móc cũng liên tục được vận chuyển, bổ sung đến hiện trường.
Đội thi công tập trung đóng cọc ván thép quanh trụ bê tông với chiều sâu 18m.
Về phương án thực hiện, căn cứ tình hình thực tế tại công trình, tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Kênh Rọc Sen đã thay cọc ván thép 12m bằng loại 18m.
Chiều cùng ngày, các công nhân đã đào lấy đất trong khung vây được khoảng 4m, gia cố được 2/5 khung chống để gia cố khung vây. Hiện đơn vị thi công đang hàn đặt được 1/5 khung chống.
Đồng thời tổ điều hành bổ sung thêm các thiết bị phục vụ công việc như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc nhồi đường kính 0,6 - 1m, ống vách đường kính 1m và 2m,…
Trước đó theo Dân Trí đưa tin, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với các chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và những đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường tại Việt Nam, bàn về giải pháp nhấc trụ bê tông lên mặt đất.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng các chuyên gia thống nhất hoàn thiện phương án nhấc trụ bê tông - nơi cháu trai mắc kẹt từ hôm 31/12/2022 lên mặt đất, hoàn thành công tác đưa thi thể cháu trai ra khỏi cọc bê tông.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp còn thống nhất thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Kênh Rọc Sen. Tổ Điều hành này do ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng, ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm Tổ phó, cùng với 5 thành viên.
Hoạt động cứu nạn, cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Diễn biến vụ việc: 11 giờ 30 phút trưa ngày 31/12/2022, có khoảng 4 trẻ em ở xã Phú Lợi trong đó em Thái Lý Hạo Nam đến chơi ở khu vực thi công cầu Rọc Sen thuộc tuyến đường ĐT-857. Lúc này Hạo Nam bất ngờ bị lọt xuống móng cọc bê tông mố cầu rỗng bên trong có đường kính 25 cm, đã được đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Các em đi cùng với Nam tri hô để người lớn gần đó cùng gia đình ứng cứu, tuy nhiên không thành nên báo cho lực lượng chức năng địa phương để xử lý. Khoảng 30 phút sau, lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ. Để cứu hộ cháu bé bị nạn, lực lượng cứu hộ đã dùng nhiều phương án và bơm liên tiếp oxy và truyền nước uống để Nam cầm cự. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, việc thiếu kinh nghiệm, hạn chế máy móc, nhân lực khiến công tác cứu hộ nạn nhân gặp khó khăn, kéo dài. 18 giờ ngày 1/1, máy khoan cọc nhồi được chuyển từ H.Tháp Mười sang để thực hiện phương án khoan đất xung quanh, nhổ cọc mà bé bị rơi vào lên. Cả đêm 1/1 và rạng sáng 2/1, việc cứu hộ chuyển sang phương án thận trọng, chắc chắn vì sợ nguy cơ gãy mối nối cọc, gây nguy hiểm cho bé. Khi thực hiện khoan cọc nhồi, lực lượng cứu hộ phát hiện trụ móng cọc mà bé Nam rơi vào bị lệch, dễ gây ra khả năng nứt gãy mối nối ống cọc, gây nguy hiểm cho bé. Do vậy, phương án khoan cọc nhồi được tạm ngừng và thực khoan luồng xoắn xung quanh để cứu hộ. Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo: Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì, tiếp tục phối hợp với Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung triển khai công tác cứu nạn kịp thời, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn. 19 giờ ngày 2/1, việc xói cọc móng đã đạt 31/36 mét. 9 giờ ngày 3/1, ống lồng ngoài cọc móng hoàn thành, triển khai hút đất từ lồng ống thép ra ngoài, giảm độ ma sát với móng cọc 4 giờ 50 sáng 4/1, việc khoan hút đất sắp về đích ở độ sâu 36 mét 9h sáng dự định đưa cọc lên nhưng không thành. 18h chính quyền thông báo bé đã tử vong. Ngày 9/1, vẫn đang gấp rút triển khai các phương án đưa thi thể cháu bé lên. |
MT (t/h)
Theo Vietnamnet