Giới chức Trung Quốc nhiều năm nay đau đầu vì vấn nạn ô nhiễm. Theo số liệu thống kê gần đây, mỗi năm Trung Quốc có hơn 1 triệu ca tử vong do ô nhiễm môi trường. Bắc Kinh có tiếng là một trong những thành phố ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Kết quả này có lẽ không quá bất ngờ khi nhìn vào cỗ máy kinh tế công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc.  

Một cặp đôi đeo khẩu trang kín mít để tránh hít phải không khí ô nhiễm trong ngày Bắc Kinh phát "báo động đỏ" về ô nhiễm ngày 8.12.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, có một tác nhân nguy hiểm gây ô nhiễm đáng kể lại đến từ lĩnh vực không ngờ: Nông nghiệp.

Theo Business Insider, phân bón nitơ được sử dụng rộng rãi trên khắp các cánh đồng ở Trung Quốc là một “thủ phạm” đáng gờm đang làm trầm trọng  tình trạng ô nhiễm đất, nước và không khí ở nước này.   

Trung Quốc chỉ sở hữu 7% tổng diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, nước này lại sử dụng tới 35% lượng phân bón nitơ toàn cầu. Lúa gạo là lương thực chính ở Trung Quốc. Lúa cần phân bón nitơ để phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều loại phân bón này đang gây ra những hậu quả tai hại về môi trường.

Cảnh đồng lúa ở Trung Quốc.

Các tỉnh miền Bắc Trung Quốc được xem là vựa lúa gạo của nước này. Tuy nhiên, các loại lúa được trồng trên những cánh đồng rộng lớn ở miền Bắc Trung Quốc lại có đặc tính là khó hấp thụ các chất khoáng chứa nitơ có sẵn trong đất. Do đó, nông dân phải sử dụng phân bón nitơ để lúa phát triển tốt.

Theo Business Insider, lượng nitơ dư thừa trong đất mà cây trồng không thể hấp thụ hết đã tác động tiêu cực đến môi trường, khi có thể đầu độc nguồn nước, làm cá và các sinh vật thủy sinh khác chết hàng loạt, khiến không khí ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Trung Quốc ngày 8.10 lần đầu tiên phải phát "báo động đỏ" - mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm không khí và khói bụi. Chính quyền Bắc Kinh cảnh báo, thủ đô sẽ chìm trong sương mù nghiêm trọng từ ngày 8 đến 10.12. Theo đó, Bắc Kinh đã tạm đóng cửa các trường học, cấm công trường xây dựng hoạt động và áp dụng hạn chế giao thông trong thời gian này.   

Trên thực tế, việc lạm dụng phân bón nitơ trong nông nghiệp đang đầu độc không khí ở Trung Quốc. Khi các oxit nitơ phản ứng trong không khí, tương tác với các chất ô nhiễm công nghiệp, chúng tạo thành màn sương mù dày đặc bao trùm nhiều thành phố Trung Quốc, trong đó bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Không những vậy, các oxit nitơ tồn tại trong không khí còn đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.

Tiến sĩ Hanqin Tian cảnh báo, việc sử dụng quá nhiều phân bón nitơ không kích thích sự tăng trưởng của cây trồng mà còn làm tăng lượng khí nitơ phát thải, gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo Dân Việt