Đêm diễn đẳng cấp hội tụ của “The Master of Symphony” ngày đầu tiên (20/11) đã thuyết phục và làm không khí tận hưởng của khán giả trong khán phòng Nhà hát Hoà Bình được trọn vẹn và thăng hoa trong nhiều phần trình diễn mang tính chất lịch sử.


Lần đầu tiên, 5 nữ danh ca Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà cùng xuất hiện trên một sân khấu được xếp đặt cầu kỳ và trang trọng, không kém phần tinh tế, đẳng cấp.

Họ không chỉ trình diễn những bài “hit” gắn liền với giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp và những bước ngoặt đáng ghi nhận, 5 nữ danh ca còn chia sẻ những câu chuyện chạm đến cảm xúc, trái tim, và những niềm nhớ, kỷ niệm chạy dọc chiều dài của khởi nguồn “ngôi đền” nhạc nhẹ Việt Nam trong hàng chục năm qua.





Thu Phương vấp ngã nhưng cố gắng nén đau tiếp tục phần trình diễn, Mỹ Linh đã đỡ cô đứng lên.



“The Master of Symphony” mở đầu bằng liên khúc “Hoa” gắn liền với tên tuổi của 5 ca sĩ, đó là “Hoa sữa” – Thanh Lam, “Tuổi đá buồn” – Hồng Nhung, “Hoa có vàng nơi ấy” – Thu Phương, “Hoa gạo” – Hà Trần, “Hương ngọc lan” – Mỹ Linh. Dù chỉ là những đoạn hát nhỏ vang lên, nhưng phần hoà giọng tinh tế, nâng đỡ nhau nhịp nhàng của 5 nữ danh ca mở ra một đêm nhạc nhiều cao trào, bất ngờ cho khán giả.

Giọng ca trẻ nhất về tuổi đời và cũng lên vị trí danh ca sớm nhất là Trần Thu Hà mở đầu đêm diễn với 3 ca khúc đồng hành khởi điểm với 3 giai đoạn âm nhạc rõ ràng nhất của cô.




Đó là Hà Trần gắn Pop với “Tình ca”, một Hà Trần lãng đãng Hà Nội trong những mảng màu đối lập và hiện thực với “Sắc màu”, sau cùng là một Hà Trần mới trong bản “hit” năm 2015 của cô, “Thu cạn”. Dù phát triển đa thể loại và ham muốn đẩy khán giả đến tận cùng bất ngờ và thăng hoa, nhưng một điều có thể nhìn nhận từ đa chiều góc quan sát, đó là Trần Thu Hà “mỗi lần đến đều mang theo bí mật”.

Nguồn năng lượng ở tuổi 38 tiếp tục đẩy Trần Thu Hà đi xa và rộng hơn trên hành trình mới. Sau khi kết thúc ca khúc “Phố nghèo” trong liên khúc “Phố”, Trần Thu Hà còn vào bè tinh tế cho Thu Phương ở ca khúc “Đêm nằm mơ phố” của nhạc sĩ Việt Anh.



Thu Phương không nén nổi xúc động khi thể hiện ca khúc Chưa Bao Giờ

Đúng như những gì đã từng giới thiệu trước khi buổi diễn chính thức của “The Master of Symphony” diễn ra, Thu Phương có 2 người nhạc sĩ đã “nâng đỡ” và luôn xuất hiện trong sự nghiệp âm nhạc của cô, đó chính là Trần Lê Quỳnh và Việt Anh. “Cô gái đến từ hôm qua” và “Trăng dưới chân mình” nối liền mạch cảm xúc trong một liên khúc, nhờ sự khéo léo trong gắn kết và chuyển đoạn thuyết phục của nữ ca sĩ Hải Phòng.

Ấn tượng nhất trong phần biểu diễn của ca sĩ Thu Phương khiến nhiều khán giả đứng lên vỗ tay cổ vũ cho cô chính là ca khúc “Khi xưa ta bé”. Phần lắng lại để đưa mic về phía khán giả khiến không khí khán phòng trở nên sôi động và gần gũi hơn.




Nữ danh ca Hà Nội, Mỹ Linh, tất nhiên “khởi động” với ca khúc “Chuyện tình”, và nối liền với liên khúc “Trưa vắng”, “Em mơ về anh”. Đây là những tác phẩm đều có sự xuất hiện của chồng cô, nhạc sĩ Anh Quân, kết hợp với 2 tên tuổi nhạc sĩ khác làm nên sự nghiệp của Mỹ Linh hiện tại, chính là nhạc sĩ Dương Thụ và Huy Tuấn.

Dòng chảy nhạc Pop của Mỹ Linh có “đặc điểm nhận dạng” là “không tuổi”, khi những bản “hit” trải qua hàng chục năm vẫn có đời sống đương đại rõ nét và mạnh mẽ. Sức sáng tạo của Mỹ Linh ở thời điểm 2015 vẫn rất đáng nể. Dấu ấn của Mỹ Linh được chờ đợi nhất trong đêm chính là ca khúc đưa cô lên tên tuổi hiện tượng, “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.




Dù đã trình diễn ca khúc này vào những thời điểm quan trọng và hầu hết các sân khấu lớn, nhưng Mỹ Linh luôn đẩy sự tập trung của cô lên cao nhất để mang đến hiệu quả thưởng thức nghệ thuật lắng đọng, đầy cảm xúc. Rất nhiều khán giả cũng hân hoan khi được nghe Mỹ Linh và Hồng Nhung “nắm tay nhau” với ca khúc “Đoá hoa vô thường” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Rất vô tình khi Hồng Nhung mang đến 2 ca khúc “Ru” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Dương Thụ, là “Ru em từng ngón xuân nồng” và “Bài hát ru mùa đông”. Đây là 2 nhạc sĩ gắn bó và dành một phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tác cho “chị Bống”.

Ở tuổi 45, Hồng Nhung vẫn liên tục lên những nốt cao ngân dài, không hề bị chói tai, khó nghe. Cô thậm chí còn khoe làn hơi khoẻ và chất giọng gằn ấn tượng trong ca khúc “Cho em một ngày”. Ngay sau đó, nữ danh ca nổi tiếng nhẹ nhàng mở đầu “Vẫn hát lời tình yêu” để làm điểm đệm êm ái cho phần vào “nổi da gà” của chị cả Thanh Lam.




Cũng tương tự như Trần Thu Hà, Thanh Lam có “Giọng nắng bên thềm” thời kỳ của nhạc sĩ Thanh Tùng, sau đó cô gắn liền mình với “Em tôi” (nhạc sĩ Thuận Yến), và bước chuyển Lê Minh Sơn với “Ôi quê tôi”. “Người đàn bà hát” là một cụm từ quá rõ và không thể thay đổi để nói về Thanh Lam trên sân khấu. Giọng hát quyền lực và đẳng cấp không thể thay thế khiến mọi giọng ca khi đứng cạnh cô đều bị so sánh ít nhiều.


Thế nhưng, khán giả hoàn toàn có thể thấy một Thanh Lam khác khi cô song ca khúc “Mây” cùng Trần Thu Hà. Đó là một Thanh Lam “giấu lửa vào trong” để tiết chế một cách tối đa những nổi loạn và gạn lọc những thanh tâm tinh tế, ấm áp nhất, nhưng không kém phần đàn bà.



Đêm diễn kết lại với sự hào hứng, mãn nguyện của khán giả bằng ca khúc “Đánh thức tầm xuân”, như một lời kết lại huy hoàng và gợi mở cho nguồn năng lượng âm nhạc vẫn luôn tràn đầy và mới mẻ từ 5 nữ danh ca.

Chương trình “The Master of Symphony” không thể bỏ qua công sức thầm lặng với những bản phối mới hoàn hảo dành cho các bản “hit” cũ của giám đốc âm nhạc Hoài Sa, cùng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Trần Nhật Minh. Đạo diễn trẻ Cao Trung Hiếu tiếp tục có thêm một điểm son trong sự nghiệp của anh khi có thể gắn kết được 5 giọng ca nữ đương đại thành công nhất trong lịch sử nhạc nhẹ Việt Nam trên một sân khấu.

KH
Ảnh: Hòa Phạm
Theo Vietnamnet