Chiều 14/1, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động học tập gương dũng cảm hy sinh của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (những cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Tại buổi Lễ, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin chi tiết thêm về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm.

Thứ trưởng Bộ Công an thông tin chi tiết thêm về vụ việc tại Đồng Tâm-1
Các đại biểu và cán bộ, chiến sỹ Công an TP. Hà Nội dành một phút tưởng niệm 3 liệt sỹ Công an nhân dân hy sinh tại xã Đồng Tâm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thông tin chi tiết về vụ việc

Trung tướng Lương Tam Quang cho biết sự việc tại Đồng Tâm có diễn biến phức tạp từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả rà soát kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội (vào tháng 7/2019).

Kết quả rà soát cho thấy kết luận thanh tra của Hà Nội là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính chính xác.

Sau đó, tình hình an ninh trật tự tại Đồng Tâm có nhiều diễn biến phức tạp. Một số đối tượng trong cái gọi là "tổ đồng thuận" (do nhóm Lê Đình Kình đứng đầu) tổ chức phản đối kết luận thanh tra, thể hiện thái độ chống đối quyết liệt các lực lượng vào việc xây tường rào. Đồng thời, số đối tượng này chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế để đối phó với lực lượng chức năng.

Khi Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân để thông báo kết luận rà soát thì ngày 25/11/2019, số người ở cái gọi là "tổ đồng thuận" cản trở không cho người dân đến dự, gây mất trật tự trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm; đe dọa, chửi bới những người phát biểu ủng hộ, tin tưởng với kết luận của thanh tra.

Vào đầu tháng 11/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức đã tổ chức chi trả cho 14 hộ dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng tại sân bay Miếu Môn. Cả 14 hộ đều đồng tình, ủng hộ, tự nguyện di dời khỏi đất quốc phòng nhưng lại bị các đối tượng trong cái gọi là "tổ đồng thuận" kéo tới phản đối, chửi bới, đe dọa; chỉ đạo, phân công người rào lại đất và trồng cây.

"Các đối tượng trong cái gọi là "tổ đồng thuận" do Lê Đình Kình cầm đầu không có đất canh tác ở đây nhưng lại ngăn cản 14 hộ kia di dời. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định số đối tượng tại "tổ đồng thuận" không phải là trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất khu vực đồng Sênh" - ông Quang nhấn mạnh.

Ngay sau hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ, số này ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí để chuẩn bị chống đối. Họ có ý đồ, đe dọa bắt cán bộ, gây cháy nổ Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, gây cháy nổ cây xăng Đồng Tâm để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài.

Trung tướng Quang cho biết trước diễn biến trên, Công an Hà Nội đã nắm bắt tình hình, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó, đảm bảo an ninh trật tự. Các kế hoạch này đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Công an phê duyệt.

Từ ngày 31/12, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng tường rào quanh khu vực sân bay Miếu Môn, nằm trên ba xã thuộc hai huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ. Việc xây dựng được bắt đầu từ khu vực đất Chương Mỹ và ngay từ đầu đã bị những người cực đoan ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, chống đối.

Ngày 9/1, khi lực lượng Quân đội tiến hành xây dựng tường rào, lực lượng Công an đã lập phương án, từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, nhất là khi tiến hành xây dựng đến phần đất trên đồng Sênh, thuộc địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Trước tình hình chống đối của các đối tượng, Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng của Bộ tiến hành triển khai các chốt nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn, các khu vực trọng yếu khác.

"Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra" - Thứ trưởng Quang khẳng định.

Trung tướng Quang tường thuật sự việc: "Khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt đảm bảo an ninh ở khu vực cổng thôn Hoành thì có khoảng 20 đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt tấn công lực lượng chức năng. Lực lượng Công an đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục. Nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà ông Lê Đình Chức, Lê Đình Kình, tiếp tục tấn công tổ công tác từ trong nhà ra. Tổ công tác đã dùng loa kêu gọi các đối tượng nhưng chúng vẫn ngoan cố, tấn công quyết liệt hơn, tiếp tục ném lựu đạn, bom xăng vào tổ công tác, sau đó rút vào cố thủ trong nhà Lê Đình Chức, Lê Đình Hợi, Lê Đình Kình."

Do đó, tổ công tác đã tiến hành vây bắt các đối tượng phạm tội quả tang theo quy định pháp luật. Quá trình truy đuổi, các đối tượng tiếp tục dùng bom xăng, tuýp sắt gắn dao tiếp tục tấn công tổ công tác.

Tổ công tác ba người, gồm Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, trong quá trình truy đuổi đã bị ngã và rơi xuống hố kỹ thuật (sâu khoảng 4m), nằm giáp sau nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. Khi biết 3 chiến sỹ bị ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng, ném bom xăng, phóng hỏa thiêu chết 3 chiến sỹ" - ông Quang nói và khẳng định "không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn."

"Khi biết 3 chiến sỹ ngã xuống hố, Lê Đình Doanh là đối tượng đổ xăng vào chậu đưa cho Lê Đình Chức đổ xuống hố, rồi châm lửa ném xuống để thiêu chết 3 cán bộ, chiến sỹ" - Trung tướng Quang cho biết, đây là lời khai ban đầu của các đối tượng.

"Trước tình huống đó thì phải nổ súng" - ông Quang nói và cho biết trong vòng nửa tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 30 đối tượng, thu giữ tại hiện trường các vụ khí, vật liệu nổ.

Khi truy bắt, một đối tượng bị chết là Lê Đình Kình, đối tượng bị thương là Lê Đình Chức (con trai của Kình). Khi lực lượng chức năng tiến vào nhà, trên tay Lê Đình Kình vẫn còn cầm một quả lựu đạn.

Theo báo cáo, Công an thành phố Hà Nội đã khám nghiệm hiện trường, bước đầu thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa,...

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được vào ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can đối với 22 đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, về tội "Giết người," "Chống người thi hành công vụ," "Tàng trữ vũ khí trái phép".

Trung tướng Lương Tam Quang cũng cho biết qua tài liệu thu thập được cho thấy một số tổ chức lưu vong, phần tử chống đối đã hướng dẫn nhóm đồng thuận cách làm bom xăng, tạo quả nổ, hướng dẫn mua sắm vật tư làm vũ khí…

Nhiều đối tượng tự gắn mác đại diện nhân dân Đồng Tâm, hỗ trợ cái gọi là nhóm đồng thuận gây thanh thế, quyên góp tiền bạc. Về tiền quyên góp được, gần một nửa chia cho bố con, anh em ông Kình.

Thứ trưởng Bộ Công an thông tin chi tiết thêm về vụ việc tại Đồng Tâm-2
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng Công an thực hiện đảm bảo an ninh, không tiến hành cưỡng chế

Thứ trưởng Quang cho biết, hiện có nhiều luồng ý kiến cho rằng cần phải xử lý những đối tượng có hành động, lời nói gián tiếp cổ vũ, kích động các hoạt động sai trái của nhóm Lê Đình Kình vừa qua.

"Vấn đề này cơ quan Công an đang tiến hành điều tra làm rõ" - ông Quang cho biết.

"Về luồng ý kiến của một số trí thức, chuyên gia pháp luật,... về thời điểm lựa chọn để cưỡng chế trước Tết nguyên đán là chưa hợp lý" - Trung tướng Quang nêu lên và nhấn mạnh, đây không phải là cưỡng chế, 14 gia đình có quyền lợi liên quan đã tự nguyện nhận bồi thường và trả lại đất quốc phòng.

"Đây là kế hoạch, hoạt động bảo vệ việc xây dựng tường rào chứ không phải cưỡng chế" - Trung tướng nhấn mạnh đây là thông tin chính thức để người dân nắm được.

Cũng có luồng thông tin nói rằng "tại sao lại đưa lực lượng vào sáng sớm", Trung tướng cho biết, lực lượng Công an đảm bảo an ninh trong xây dựng tường rào, nhiều sự kiện, hoạt động lực lượng Công an phải triển khai trước từ đêm hôm trước. Trên cơ sở nắm tình hình, lực lượng Công an lập các trạm, chốt cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm để ngăn chặn hành vi chống đối, phá hoại.

"Đây là các hoạt động đúng quy định, đúng pháp luật. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, khi phát hiện các đối tượng chống đối, phạm pháp quả tang thì lực lượng có quyền trấn áp hành vi vi phạm, bắt giữ các đối tượng theo đúng quy định" - Trung tướng Quang nhấn mạnh.

Phát động phong trào học tập gương dũng cảm

Tại buổi Lễ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để thực hiện nhiệm vụ, mà trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô và Công an thành phố Hà Nội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, tổ chức lực lượng bảo vệ mục tiêu, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm.

Trong thi hành công vụ, trước sự liều lĩnh, manh động của các đối tượng chống đối, 3 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào và người dân.

Đây là sự tổn thất, mất mát lớn đối với lực lượng Công an nhân dân, đồng đội, người thân của các đồng chí.

Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công"; Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.

"Trong tình hình hiện nay, sự dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các liệt sỹ là tấm gương sáng chói, ý chí cách mạng, tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ; tô thắm thêm truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân; thôi thúc, cổ vũ các chiến sỹ Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao" - Thứ trưởng Lê Quý  Vương nhấn mạnh.

Bộ Công an chính thức phát động trong toàn lực lượng Công an nhân dân học tập gương dũng cảm hy sinh của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân với khẩu hiệu hành động "Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nguyện đem sức lực, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân"./.

Theo TTXVN/Vietnam+