Ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên ngày 11/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo. Cùng dự trả lời báo chí có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành.
Quá tải do phân loại điều trị
Trả lời câu hỏi về việc có quá tải trong việc điều trị F0 và ca nhiễm F1 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có tình trạng này.
Ông cho biết để đáp ứng việc điều trị, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với TP.HCM chuẩn bị mọi kịch bản, như chuẩn bị vật chất, hạ tầng, làm sao có thể chủ động nhất với tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
“Tuy nhiên, tình hình chung hiện tại có sự quá tải ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải.
“Một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, ở bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi đang chỉ đạo phải phân tầng đúng. Nhưng cũng chú ý phân tầng không được muộn quá, bởi nếu chậm có nguy cơ tử vong cao. Phân tầng đúng có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Thuấn nói.
Chiến lược “tháp 3 tầng” điều trị Covid-19 tại TP.HCM của Bộ Y tế. Sở Y tế TPHCM sau đó đã điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh theo mô hình "tháp 5 tầng".
Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện loại đặc biệt đặt cơ sở...
“Chúng tôi đã huy động 10.000 sinh viên ngành y, dược. Nhiều anh em y, bác sĩ từ Tết chưa về. Nhiều người từng chiến đấu ở Bạch Mai, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, hiện tại đóng ở Đồng Nai”, ông Thuấn nói.
Tiến độ tiêm vaccine ra sao?
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã phân cho TP.HCM gần 3,6 triệu liều vaccine Covid-19. Trong ngày mai, 12/8, TP.HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và dự kiến triển khai tiêm vaccine khác.
Hà Nội được cấp 2,94 triệu liều, đã tiêm được 1,5 triệu, chiếm khoảng 50%. Những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm.
Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc phân bổ. Quan điểm là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, tiêm mũi nào thì an toàn mũi đó. Tới đây khi lượng vaccine về nhiều hơn, việc tiêm chủng sẽ tăng tốc.
“Mỗi ngày chúng ta có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine”, ông Thuấn chia sẻ.
Sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính sách miễn giảm thuế
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ đang lấy ý kiến để hoàn thiện đề cương dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế. Tiền thuê đất cũng dự kiến giảm 30%.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh các dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch, giải trí…
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sớm nhất”, ông Chi nói.
Có thay đổi phương thức sản xuất “3 tại chỗ”?
Trả lời câu hỏi về việc giải quyết những bất cập của sản xuất “3 tại chỗ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói đây vẫn là một phương thức sản xuất tốt. Tuy nhiên, ông chỉ ra một số khó khăn trong việc áp dụng tại các tỉnh phía Nam.
Thứ nhất, ông cho rằng phương án đã áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn. “Đặc điểm khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn, còn ở phía Nam đông hơn. Ở miền Nam người lao động đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Áp dụng 3 tại chỗ lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân”, ông Hải nói.
Ông cho biết tại TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, chuỗi cung ứng, logistics, vận tải bị đứt gãy sớm do dịch nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.
Ngoài ra, chi phí thực hiện phương thức sản xuất này cao.
Bên trong doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ".
Từ những yếu tố trên, Bộ Công Thương đã gửi đề xuất sang Bộ Y tế để bàn cách tháo gỡ, trong đó có nhấn mạnh đến việc đưa ra điều kiện sản xuất để doanh nghiệp dễ thực hiện hơn.
“Chúng tôi cũng có đề xuất kiến nghị sửa đổi về điều kiện sản xuất, trong điều kiện có việc nếu phát hiện F0 thì phải thực hiện thế nào, quy định ra sao”, ông Hải thông tin.
Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết
Trước khi báo chí đặt câu hỏi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin một số nội dung các thành viên Chính phủ thảo luận cùng ngày.
Trong buổi sáng, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và về dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm; nhiệm vụ những tháng cuối năm. Chính phủ coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất, kinh doanh 7 tháng đầu năm được duy trì dù chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%...
Cơ quan này cũng nhận định dịch Covid-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. Dịch đã khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ.
Ngoài ra, sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Zing