Thủ tướng Pháp chuẩn bị từ chức, khủng hoảng châu Âu thêm trầm trọng

Các nghị sĩ Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ nước này, khiến cường quốc kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) khủng hoảng nghiêm trọng hơn, đe dọa khả năng điều hành đất nước trong bối cảnh nước Pháp khó vượt qua thâm hụt ngân sách.

Thủ tướng Pháp chuẩn bị từ chức, khủng hoảng châu Âu thêm trầm trọng-1
Các nghị sĩ Pháp hợp lực loại bỏ chính phủ trong phiên bỏ phiếu ngày 4/12. (Ảnh: Reuters)

Các nghị sĩ cực hữu và cánh tả đã hợp lực để có được 331 phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier. Ông Barnier sẽ phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, khiến chính phủ của ông trở thành chính phủ thiểu số có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Pháp, kể từ năm 1958.

Theo báo chí Pháp, ông Barnier sẽ nộp đơn từ chức trong sáng 5/12.

Phe cực tả và cực hữu đã trừng phạt ông Barnier vì ông sử dụng các quyền hiến định đặc biệt để thông qua một phần ngân sách không được dư luận ủng hộ mà không cần quốc hội thông qua.

"Thực tế (thâm hụt) này sẽ không biến mất chỉ bằng phép màu", ông Barnier phát biểu trước các nghị sĩ trước cuộc bỏ phiếu. Ông nói thêm rằng vấn đề thâm hụt ngân sách sẽ đeo bám bất kỳ chính phủ nào kế nhiệm.

Tổng thống Macron đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng lần này với lời kêu gọi cuộc bầu cử bất ngờ vào tháng 6, dẫn đến một quốc hội phân cực. Khi vai trò của tổng thống suy yếu, Pháp có thể trải qua giai đoạn cuối năm mà không có chính phủ ổn định hoặc kế hoạch ngân sách cụ thể cho năm 2025, dù hiến pháp cho phép áp dụng biện pháp đặc biệt để ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa như kiểu Mỹ.

Hỗn loạn chính trị ở Pháp sẽ làm suy yếu thêm EU vốn đã lao đao vì sự sụp đổ của chính phủ liên minh ở Đức, trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Bộ trưởng quốc phòng sắp mãn nhiệm Sebastien Lecornu cảnh báo tình trạng hỗn loạn có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine.

Đảng cực tả France Unbowed (LFI) yêu cầu ông Macron từ chức. Thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen hoan nghênh sự ra đi của ông Barnier, vì bà vẫn luôn cho rằng đảng National Rally của bà đang được người dân chờ đợi.

"Tôi không thúc đẩy Macron từ chức. Áp lực lên tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn. Chỉ có ông ấy mới đưa ra quyết định đó", bà nói.

Bất ổn chính trị sâu sắc ở Pháp gây lo lắng cho các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.

Đầu tuần này, chi phí vay của Pháp đã vượt qua Hy Lạp, quốc gia vốn được đánh giá là rủi ro hơn nhiều. Tổng thống Macron sẽ phải đưa ra lựa chọn. Điện Elysee cho biết tổng thống sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc vào tối 5/12.

Ba nguồn tin nói với Reuters rằng ông Macron muốn nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới trước buổi lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà vào cuối tuần này, nơi ông Trump sẽ tham dự.

Thủ tướng mới chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như ông Barnier khi trình các dự luật, trong đó có vấn đề ngân sách năm 2025, khi quốc hội tiếp tục chia rẽ.

Tổng thống Macron có thể yêu cầu ông Barnier và các bộ trưởng của mình tiếp tục giữ chức vụ tạm quyền trong thời gian lựa chọn thủ tướng mới.

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/thu-tuong-phap-chuan-bi-tu-chuc-khung-hoang-chau-au-them-tram-trong-post1697671.tpo

thủ tướng châu Âu

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao