Từ trước đến nay, người đồng tính trong phim Việt thường gắn với những hình ảnh không mấy tốt đẹp hoặc thường đóng vai trò gây hài. Thưa mẹ con đi là một trong số ít tác phẩm khai thác đề tài khó nhằn này khi đi sâu vào khai thác những khao khát được gia đình công nhận ngay giữa một miền quê còn nặng sự kì thị.
Chuyện phim Thưa mẹ con đi xoay quanh Văn (Lãnh Thanh) – một chàng trai sang Mỹ làm việc đã lâu nay trở về quê giải quyết việc gia đình. Đi cùng anh là người bạn trai Ian (Gia Huy). Vì sợ dòng họ không chấp nhận, họ chỉ dám nhận là bạn thân trước mặt mẹ Hạnh (Hồng Đào), cô Út (Hồng Ánh), gia đình cô chú ba (Hà Linh và Kiều Trinh),…
Bà nội của Văn (NSƯT Lê Thiện) đã bị lẫn và cho rằng Ian mới là đứa cháu trai của mình. Suốt những ngày ở quê, mâu thuẫn gia đình vốn đã âm ỉ rất lâu dần được hé lộ. Không những thế, Văn còn phải đối mặt với trách nhiệm nối dõi tông đường của trưởng nam trong dòng họ. Liệu anh sẽ quyết định ra sao khi đứng giữa tình yêu và gia đình?
Câu chuyện “Việt kiều thăm quê” đơn giản, gần gũi
Thưa mẹ con đi có phần kịch bản khá đơn giản khi xoay quanh một lần về thăm quê nhà của Văn sau nhiều năm xa cách. Từ đó, hình ảnh gia đình đón tiếp cậu quý tử, những câu thăm hỏi, cảm xúc nhớ nhưng được thể hiện hết sức gần gũi với bất kì gia đình có thân nhân đi nước ngoài nào.
Bộ phim đã thể hiện khá trọn vẹn và chân thật nếp sống của người Việt chốn làng quê với những bữa cơm đầy đủ con cháu, khu hội chợ sôi động trái ngược hẳn với không khí yên bình thường nhật hay tiệc tại gia cả nhà cùng nhau nấu nướng,… Bối cảnh phim cũng như phần lời thoại cũng được xây dựng một cách tự nhiên và chỉn chu.
Điểm then chốt của tác phẩm đến từ sự xuất hiện của Ian. Anh chàng làm xáo trộn không khí gia đình khi bà nội Văn nhận nhầm là cháu hay được cô em họ (Thanh Tú) thầm thích. Nhưng ngay từ đầu, bà Hạnh đã nhận ra những chi tiết không bình thường từ mối quan hệ của con trai và “cậu bạn thân” này.
Từ đây, người xem có thể dễ dàng nhận ra sự tinh tế của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trong việc thể hiện chuyện tình đồng tính bị chôn giấu một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Những khi có mặt cả gia đình, họ chỉ dám trao nhau những ánh mắt trìu mến, nụ cười mỉm ngắn ngủi. Song, Văn và Ian vẫn dành cho nhau những cảm xúc, khao như bất kì cặp đôi nào khác.
Cả hai nằm ngủ cùng nhau nhưng đến sáng sớm thì Văn phải để đồng hồ báo thức để chuyển lên giường. Nụ hôn lén lút và mãnh liệt cùng ước muốn công khai với gia đình như nói lên nỗi lòng của những người đồng tính giữa bối cảnh làng quê còn nhiều cổ hủ, coi trọng việc dựng vợ gả chồng.
Diễn xuất tròn vai cùng ngoại hình “xứng đôi vừa lứa” của Lãnh Thanh cùng Gia Huy là điểm cộng sáng giá cho tác phẩm. Tuy biểu cảm chưa quá xuất sắc nhưng cả hai cũng đủ mang đến sự đồng cảm cho người xem.
Mâu thuẫn âm ỉ trong từng thành viên gia đình
Bên ngoài câu chuyện tình của Văn và Ian, Thưa mẹ con đi cũng đã khéo léo xây dựng những mâu thuẫn trong đại gia đình tưởng chừng hạnh phúc ấy. Bề người tưởng chừng thương yêu nhau, mỗi người lại chôn giấu một nỗi niềm riêng chực chờ bùng phát.
Với Hạnh, đó là trách nhiệm cáng đáng gia đình thay cho người chồng quá cố và cậu con trai bên trời Tây. Mỗi sáng, bà vừa phải chăm lo cho mẹ chồng và con cháu trong nhà lẫn công việc kinh doanh nhưng đến tối về chỉ có thể nằm cô độc trong phòng riêng.
Cô Út dành cả tuổi thanh xuân để ở bên bà nội, sáng thì cãi nhau chí chóe nhưng đêm về lại ngủ cùng rồi hát ru mẹ ngủ. Tuy luôn tỏ ra vui vẻ, yêu đời thì nhân vật của Hồng Ánh vẫn luôn đau buồn vì chẳng có chồng cũng không có con và lo sợ những ngày sau chẳng ai chăm sóc mình.
Gia đình cô chú ba tưởng chừng đủ đầy nhưng lại phức tạp nhất với những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền suốt ngày bủa vây. Hình ảnh người vợ kinh doanh riêng thua lỗ rồi đòi chia tài sản hay cậu con trai suốt ngày say xỉn hẳn không quá xa lạ với nhiều gia đình khi mâu thuẫn giữa các anh chị em trong nhà thường chỉ xoay quanh của cải cha mẹ để lại.
Văn, cũng như mẹ mình, phải gánh tránh nhiệm của cháu đích tôn là đẻ con nối dõi cho dòng họ. Việc thành gia, lập thất của anh chàng trở thành đề bàn tán không chỉ trong gia đình mà còn ở khắp xóm làng. Chuyện vui cả đời người nay trở thành nghĩa vụ và gánh nặng chứ chẳng còn là sự lựa chọn của Văn nữa.
Nhờ những tuyến nhân vật có nội tâm phong phú mà dàn diễn viên thực lực của Thưa mẹ con đi dễ dàng thể hiện được khả năng diễn xuất ấn tượng. Những cái tên quen thuộc của điện ảnh Việt như Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, Hồng Ánh, Kiều Trinh đều hoàn thành xuất sắc nhân vật.
Nhìn chung, Thưa mẹ con đi là một bộ phim nhẹ nhàng nhưng ấn tượng của điện ảnh Việt trong năm nay. Phim đã chứng tỏ rằng một tác phẩm hay không cần kĩ xảo hay kinh phí khổng lồ mà phải tạo được sự đồng cảm đến từ kịch bản và cảm xúc chỉn chu.
An
Theo Vietnamnet