Người xưa có câu: Vẽ rồng vẽ hổ khó vẽ xương, biết người biết mặt khó biết lòng. Quả đúng như vậy, lòng người là thứ khó đo, khó dò nhất, một vài lần gặp mặt  khó có thể giúp chúng ta đánh giá được chính xác đối phương là người thế nào.

Tuy nhiên từ cổ chí kim, đã có nhiều lời dạy chúng ta về cách nhìn người thực sự hữu ích.

Đúc kết nhiều năm, cổ nhân rút ra kết luận "tâm sinh tướng" và ngược lại, chỉ cần nhìn vào "tướng", ta có thể nhận ra phần nào "tâm" của một người.

Liên quan đến thuật nhìn người và dùng người, Tăng Quốc Phiên (một đại thần dưới thời nhà Thanh) có một nhận định nổi tiếng thế này: "Biện sự bất ngoại dụng nhân, dụng nhân tất tiên tri nhân". Câu này ý muốn nói rằng muốn hành sự thì phải học cách dùng người, muốn dùng người thì phải học cách nhìn người.

Còn về nhìn người như thế nào, Tăng Quốc Phiên cũng có cách rất đặc biệt, được người đời quen gọi là "Thuật xem tướng".

Thuật xem tướng gói gọn trong 8 câu, chỉ cần dựa vào đây là có thể chọn mặt gửi vàng-1

"Thuật xem tướng" này được gói gọn lại trong 8 câu, tức 40 chữ: Tà chính khán nhãn tị, chân giả khán chủy thần, công danh khán khí khái, phú quý khán tinh thần, chủ ý khán chỉ trảo, phong ba khán cước cân, nhược yêu khán điều lí, toàn tại ngữ ngôn trung.

Lý giải cụ thể cách nhìn người của Tăng Quốc Phiên như sau:

1. Muốn biết lòng dạ đối phương chính hay tà, hãy nhìn vào mắt và mũi của họ

Tăng Quốc Phiên cho rằng, có thể đoán định đôi điều về tâm chính hay tà của một người thông qua hình dạng mắt và dáng mũi của người đó. Nếu mắt lệch mũi vẹo thì người này chắc chắn không phải người đứng đắn, tử tế.

Trong sách xem tướng cổ đại cũng có nói: "Thân hình bảy thước không bằng cái đầu một thước, cái đầu một thước không bằng con mắt một tấc".

Nhà văn Lý Ngư sống cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh cũng từng nói rằng: "Muốn xem tâm chính hay tà không bằng nghiên cứu ánh mắt của họ".

Con mắt chính là cửa sổ tâm hồn. Phẩm chất của một người ra sao có thể phán đoán phần nào qua ánh mắt của người đó.

Kiểu người có thói quen liếc mắt nhìn người khác hay ánh mắt láo liên, không dám nhìn thẳng vào đối phương trong khi giao tiếp thường là người thiếu chân thành.

2. Muốn biết người thật lòng hay giả dối hãy để ý đến miệng và môi của họ

Qua sự biến hóa nhỏ bé của khuôn miệng có thể nhìn ra một người có thành thực, đôn hậu hay không.

Bởi miệng là bộ phận tiếp nạp vật chất chủ yếu của con người. Những người có đôi môi đầy dặn đa phần đều có phẩm chất đạo đức cao thượng, trung thực, đáng tin. Ngược lại thường là người lắm điều, hay kiếm chuyện thị phi, kiểu người này không nên kết thâm giao.

Tương tự như thế, người có đôi môi dày, chủ yếu đều có tính tình rộng rãi, là người hướng ngoại nhiệt tình. Người môi mỏng thì đa phần đều giỏi ăn nói, hay hư tình giả ý.

3. Công danh thành bại thế nào thì phải nhìn vào khí chất của họ

Tăng Quốc Phiên cho rằng muốn biết một người có thể công thành danh toại hay không, chủ yếu phải xem người này có khí chất hay không.

Vậy khí chất là gì? Nói đơn giản thì người có khí chất chính là người mà khi một nhóm người không quen biết nhau tụ tập lại một chỗ, người này luôn có thể nhanh chóng trở thành tiêu điểm chú ý của mọi người.

Bởi một người có khí chất, bản lĩnh rất dễ khiến người ta cảm phục. Người như vậy ắt sẽ được mọi người ủng hộ, công thành danh toại là lẽ thường tình.

4. Người có phú quý hay không hãy nhìn vào trạng thái tinh thần của họ

Trong cuộc sống, có kiểu người lúc nào cũng ủ rũ tinh thần, mặt mày cau có. Người như vậy thường được cho là có "tướng nghèo khổ".

Người có tướng nghèo khổ rất khó đại phúc đại quý. Ngược lại, người phú quý giàu sang thường có tinh thần phấn chấn, tâm tính khoan hòa, dáng vẻ đầy đặn.

Ngoài ra, phú quý cát tường không chỉ nằm ở tinh thần phấn chấn, mà còn quyết định ở tính cần cù chịu khó, có chí tiền thủ. Một người có chí tiến thủ, chăm chỉ chịu khó thì ắt có tinh thần sung mãn. Bởi vậy mà càng có khả năng làm nên nghiệp lớn, phú quý cát tường.

5. Người có chủ kiến hay không, hãy quan sát lòng bàn tay họ

Tăng Quốc Phiên nói rằng: "Người có đường chỉ tay ở lòng bàn tay rõ ràng, đơn giản thì tâm thường kiên định. Ngược lại, người có đường chỉ tay mờ nhạt, hỗn loạn thì tâm cũng thường bất ổn, hay lo lâu, thấp thỏm".

Cái gọi là "tâm kiên định" nghĩa là trong lòng luôn có chủ kiến, gặp chuyện nguy nan cũng không hoảng loạn, tư duy rành mạch rõ ràng.

Tăng Quốc Phiên cho rằng, một người có chủ kiến hay không được thể hiện hết trên lòng bàn tay.

Người có ngón tay thon dài, bàn tay dày dặn, thường có ý chí kiên định, tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận vì thế kiểu người này có thể làm nên nghiệp lớn.

6. Xem vận hạn của một người, hãy nhìn vào gân bàn chân họ

Đời người khó tránh khỏi phải đương đầu với phong ba bão táp. Có người cả đời thuận lợi suôn sẻ, không biến cố hay tranh chấp. Cũng có người lại long đong vất vả, tình thế luôn biến đổi khôn lường.

Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, muốn biết một người có gặp nhiều sóng gió trong đời hay không, hãy nhìn vào gân bàn chân của họ.

Người có gân bàn chân thô thường là người khỏe mạnh, nhưng cũng vì thế mà họ thường không chịu ngồi yên, đó là lý do khiến họ khó tránh được việc gây ra tranh chấp, sóng gió.

7. Muốn biết một người có nguyên tắc, sống nề nếp hay không hãy chú ý cách biểu đạt ngôn ngữ của họ (nhược yêu khán điều lí, toàn tại ngữ ngôn trung)

Nghiêm túc mà nói thì câu nói này không được tính vào "thuật xem tướng", nhưng lại được Tăng Quốc Phiên xem như thủ thuật quan trọng trong việc dùng người và đọc vị người khác.

Muốn phán đoán xem một người làm việc có nề nếp, tư duy có rõ ràng hay không, có thể xem xét thông qua cách biểu đạt ngôn ngữ của người đó.

Người lời ít ý nhiều, còn có thể chỉ ra những điểm quan trọng mâu chốt trong lời nói thì chứng tỏ người này sống rất có quy củ, nguyên tắc.

Ngược lại, nếu một người ăn nói bừa bãi, hỏi một đằng, trả lời một nẻo, đây thường là biểu hiện của người tư duy hỗn loạn, không có nguyên tắc.

Bài học đúc kết:

Người xưa có nói "tâm sinh tướng". Cũng tương tự như vậy,  tướng mạo của một người cũng có thể phản ánh tâm tính của người đó.

"Thuật xem tướng" này của Tăng Quốc Phiên chỉ gói gọn trong 40 chữ, nhưng lại bao gồm cả tướng mạo, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ.

Những điều này không chỉ ứng dụng được trong thực tế, mà rất nhiều khía cạnh trong lý luận của ông còn trùng khớp với lý luận của tâm lý học hiện đại ngày nay. Nếu chúng ta có thể thấm nhuần 40 chữ này thì việc nhìn thấu một người sẽ không còn là chuyện khó.

Theo Pháp luật và Bạn đọc