“Con nhà trời” nổi danh nhờ “cò”
Ngày cuối tuần, PV Báo GĐ&XH bất ngờ nhận được điện thoại của bà Đinh Thị Mai Lan, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, UBND huyện Gia Lâm vừa đình chỉ cơ sở chữa bệnh mang màu sắc mê tín, dị đoan của một người tự nhận là “con nhà trời” tên là An Thị Mai. Bà Mai Lan quan tâm đến câu chuyện này vì cách đây không lâu, một người cũng tự xưng “con nhà trời” khác là bà Phạm Thị Phú (ở xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cũng tuyên bố chữa bách bệnh chỉ bằng cách giẫm đạp lên cơ thể người bệnh.
Lần theo những thông tin mà bà Lan trao đổi, chúng tôi tìm về cơ sở chữa bệnh của bà An Thị Mai ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vừa mở lời hỏi đường, chúng tôi ngay lập tức nhận được những cái lắc đầu và khuyên nên đi tới bệnh viện mà khám kẻo “tiền mất tật mang”.
“Bà ấy tự xưng là “Công chúa thứ 5 của Ngọc hoàng” và có biệt tài “chữa được bách bệnh”. Phương thức chữa bệnh của bà ấy cũng rất kỳ quái: Chỉ cần đấm, xoa và “truyền công lực” là có thể chữa được bách bệnh, từ bệnh đơn giản như đau đầu, đau lưng đến những bệnh nan y như ung thư, vô sinh...”, bác Hà, một tiểu thương tại chợ gốm sứ Bát Tràng cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, bà An Thị Mai năm nay 44 tuổi, tự lập cơ sở khám chữa bệnh tại nhà ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng được gần 1 năm nay. Trong vai bệnh nhân, chúng tôi kêu cửa nhiều lần nhưng bên trong cánh cửa vẫn im phăng phắc, không có người ra mở cổng. Được biết chiếc biển “Lộc nhà trời” cũng đã bị hạ xuống vài ngày trước. Trước thời điểm bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, mỗi ngày, số người tới đây chữa bệnh lên tới 40 – 50 người. Chủ yếu là các bệnh nhân ở các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh...
Ông Hùng, một người dân địa phương tiết lộ: “Thực ra, lời đồn thổi xuất phát từ những tay “cò” chuyên kiếm ăn quanh cổng các bệnh viện nên nhiều người bị các bệnh nan y như ung thư, vô sinh đã tìm đến đây nhờ bà Mai chữa bệnh. Đến nay, cũng chưa thấy ai nói là khỏi bệnh cả”.
Theo lời ông Hùng, bà Mai trước đây vốn là một người thợ lò gốm của địa phương. Do bị ốm nên bà ấy còn phải đi chữa bệnh nhiều lần. Tới cuối năm 2014, sau một lần đi chữa bệnh về, bà ấy tự xưng là được “ăn lộc trời” và có thể chữa được bách bệnh mà chỉ cần nắn, bóp, vỗ rồi “truyền công lực” vào người bệnh nhân là bệnh có thể khỏi. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế người bệnh ở khắp nơi kéo về đây “xin lộc trời”.
Tin lời đồn dễ tiền mất, tật mang
Sau một thời gian nắm bắt tình hình, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã trực tiếp về địa phương để xem thực hư câu chuyện “con nhà trời” chữa bách bệnh như thế nào. Qua kiểm tra, UBND huyện Gia Lâm phát hiện cơ sở chữa bệnh do bà An Thị Mai làm chủ chưa có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cũng như đăng ký hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Công an xã Bát Tràng xác nhận: “Sự việc bà An Thị Mai mở cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật và an ninh trật tự là có thật. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm và sau đó lãnh đạo huyện đã ra văn bản đình chỉ hoạt động theo quy định”.
Cũng theo ông Việt, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người có đặt vấn đề rằng, cần phải nghiên cứu trường hợp của bà Mai nhưng địa phương không đồng ý với quan điểm đó. “Nếu Viện muốn nghiên cứu khả năng chữa bệnh bằng các biện pháp đặc biệt, mang tính chất tâm linh thì xin mời lên Viện. Chúng tôi không đồng ý cho bà Mai tiếp tục hành nghề ở địa phương vì gây mất trật tự an ninh, khiến quần chúng nhân dân bức xúc. Việc đồn thổi bà Mai chữa được bệnh ung thư và vô sinh là vô căn cứ và thiếu khoa học”, vị Trưởng Công an xã khẳng định.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ĐBQH Đinh Thị Mai Lan, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: “Những trường hợp “thần y” tự xưng chữa bách bệnh thực ra là lừa bịp. Tâm lý người dân có bệnh thì vái tứ phương nên mù quáng tin vào cách chữa bệnh kiểu lạ đời này. Cái nguy hiểm ở đây là nhiều người có bệnh sẽ lầm tưởng là được “thần y” chữa khỏi, nên sẽ không đi khám và điều trị khiến cho bệnh tiến triển nặng, tới giai đoạn muộn và vô phương cứu chữa”.
Còn PGS.TS Bùi Công Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cũng đưa ra khuyến cáo: “Người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc những biểu hiện nghi ngờ về một số căn bệnh nan y thì nên đến các bệnh viện chuyên khoa để làm xét nghiệm và chuẩn khám để có hướng điều trị kịp thời. Việc tin vào những trò chữa bệnh kỳ quái, mê tín, dị đoan không những tốn tiền, hao của mà bệnh sẽ càng nặng hơn”.
Con dâu bắt bố chồng gọi bằng… bà
“Không chỉ lợi dụng lòng tin mù quáng của những người bệnh tới khám, bà Mai còn tạo ra những bất hòa trong chính gia đình của mình… Tất cả những người trong nhà như chồng, bố chồng, anh em dâu rể nội ngoại đều bị bà Mai bắt gọi mình là “bà” và xưng “con” khiến cho nội bộ gia đình rối ren. Ngay cả khi đoàn kiểm tra của lãnh đạo địa phương tới tận nhà làm việc và lập biên bản, bà Mai cũng đòi phải được gọi là… “bà”, ông Minh, 68 tuổi, một hàng xóm của bà Mai cho hay.
Thêm một người tự xưng là… “con nhà trời”
Cách Bát Tràng không xa, tại xã Văn Đức của huyện Gia Lâm, một người đàn ông họ Chử, 56 tuổi cũng tự nhận mình được “Ngọc Hoàng ban phép để cứu nhân độ thế”, 100% người vô sinh sẽ “đậu con” nhờ bài thuốc “tuyệt đỉnh” chữa vô sinh”. Tuy nhiên, một trường hợp mà chúng tôi gặp là chị Nguyễn Thị V (28 tuổi ở Yên Định, Thanh Hóa) cho biết: Từng đến gõ cửa người đàn ông này vì sau 4 năm kết hôn chưa có con nhưng sau khi dùng thuốc không có kết quả, chị V đến gặp bác sỹ Lã Ngọc Sang, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Nội thì được biết: Bài thuốc mà thầy lang cho chị uống chỉ có tác dụng… lợi tiểu. Bác sỹ Sang cũng khẳng định bài thuốc trên hoàn toàn không có cơ sở chữa vô sinh như đồn thổi. UBND xã Văn Đức đã nhiều lần xuống kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động khám chữa bệnh. Nhưng người đàn ông này vẫn “hành nghề” dưới danh nghĩa không lấy tiền, làm phúc để qua mặt cơ quan chức năng.
Theo Gia đình & Xã hội