Sáng 27/2, bất chấp mưa rét, nhiệt độ ngoài trời 12-13 độ C, hàng vạn du khách vẫn đổ về chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) du xuân. Những chuyến đò được người dân địa phương điều khiển đưa du khách xuôi dòng suối Yến về miền cửa Phật. 

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-1

Trước đó, trên nhiều diễn đàn mạng chia sẻ một số hình ảnh chụp bến đò chùa Hương vắng khách kèm dòng trạng thái "kinh tế suy thoái, chùa Hương vắng tanh vắng ngắt"; hay "cảnh chưa từng thấy tại chùa Hương", "chùa Hương năm nay ế khách rồi, vắng nhất lịch sử"…

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Dân Trí, tại các cửa xuống đò đầu giờ sáng luôn nhộn nhịp. Trong hình, hàng chục người lái đò đeo thẻ, mặc áo phao chờ nhận khách tại một cửa xuống đò. Tại bến, có tất cả 10 cửa xuống đò.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-2

Sau khi rời bến đò ít phút, du khách sẽ dừng chân tại đền Ngũ Nhạc (hay còn gọi là đền Trình). Trong đền thờ, người dân chen chân bày lễ, thắp nhang cầu khấn những điều may mắn.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-3

Nhiều người thấy bên trong quá đông liền lựa chọn đứng vái vọng từ bên ngoài. Để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn đã phải ghi rõ các cửa ra, vào theo những hướng khác nhau.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-4

Sau khi rời đền Ngũ Nhạc, dòng người lên thuyền tiến về phía rừng sâu và di chuyển tới bến Trò dẫn lên chùa Thiên Trù. Không chỉ có người dân Việt Nam, nhiều khách Tây cũng lựa chọn chùa Hương làm điểm đến đầu năm.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-5

Anh Đoàn Xuân Du (quê Bắc Ninh) cho biết, vì lo ngại tình trạng xếp hàng, chen lấn khi đi lễ chùa, anh Du đã lựa chọn đi lễ giữa tuần. Gia đình 5 người chuẩn bị đồ lễ dâng cúng sau đó thụ lộc.

Như anh Du, nhiều người cũng chuẩn bị xôi, gà, giò, hương hoa, vàng mã dâng cúng tại đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng....

"Du khách về chùa không đông như năm ngoái, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng chờ đợi ở một số điểm. Tôi phải xếp hàng 20 phút mới tới lượt lên cáp treo. Nếu đi vào buổi chiều, chắc sẽ đỡ đông hơn. Tại các điểm chụp hình, check-in, mọi người cũng chen chân khá đông", anh Du nói.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-6
Tại lối xuống động Hương Tích, Ban tổ chức đã căng dây để phân thành 2 làn, không cho người dân đi ngược chiều. 

Người dân vào động Hương Tích lễ Phật di chuyển chậm rãi. Vì số lượng du khách đông nên đoàn người phải nhích từng bước một. Trung bình mỗi người mất từ 45 phút đến một tiếng để di chuyển xuống động và vòng ngược lên. Nhiều người phải giơ đồ lễ lên cao, thay nhau vận chuyển để tránh rơi, rớt.

Trước thông tin chùa Hương "vắng vẻ", bà Vũ Thị Toại (60 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, đây là lần thứ 6 bà cùng gia đình đi lễ hội chùa Hương. So với thời điểm trước dịch Covid-19, bà Toại thấy chùa Hương có ít khách hơn, song vẫn khá nhộn nhịp.

"Từ nhiều năm trước, vì lo ngại tình trạng 'chặt chém', chờ đợi, tôi đã mua tour của công ty du lịch. Năm nay, theo lệ cũ, tôi mua tour tham quan chùa Hương với giá 2,2 triệu đồng/người bao gồm mọi chi phí từ nhà nghỉ, ăn ngày 3 bữa, các loại vé tham quan, vé đi đò và cáp treo, xe điện…", bà Toại cho hay.

Thực hư thông tin chùa Hương vắng nhất lịch sử, lái đò xếp hàng chờ-7

Ông Đoàn Mạnh Hải, một lái đò tại chùa Hương cho biết, khách đến chùa Hương đông nhất từ mùng 2 đến mùng 6. Những ngày đó, ông Hải chở từ 2-3 chuyến khách một ngày. Tuy nhiên, từ sau mùng 6 đến nay, khách chỉ đông vào thứ 7, Chủ nhật. Thời điểm giữa tuần thì 2-3 ngày họ mới tới chở khách. 

Theo ông Hải, năm nay là năm đầu tiên các lái đò tại chùa Hương hoạt động theo sự phân công của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương. Khách có giảm hơn năm ngoái, đò hoạt động theo số thứ tự và phải chờ đợi đến lượt. 

Theo Dân Trí