Cụ thể, theo thông báo kế hoạch học tập năm học 2024-2025 với lớp 12, nhà trường đưa ra mức học phí cho hệ chất lượng cao (áp dụng toàn trường) là 22 triệu đồng/năm (tương đương 2,2 triệu đồng/tháng). Tiền tăng cường cơ sở vật chất phục vụ học sinh là 3 triệu đồng/năm.

Cùng đó, nhà trường cũng thông báo các khoản thu hộ khác cho cả năm học gồm: Bảo hiểm y tế học sinh 510.000 đồng; đồng phục (mùa hè, mùa thu, mùa đông, thể thao, giáo dục quốc phòng) 3 triệu đồng; Hoạt động giáo dục trải nghiệm, học kỳ quân đội là 5 triệu đồng; Khám sức khỏe tại trường trường khi nhập học là 590.000 đồng; Dịch vụ hỗ trợ (nước uống, điện, sinh nhật, quà lưu niệm, kết nối thông tin, vệ sinh, sinh hoạt lớp, họp phụ huynh... là 5 triệu đồng.

Tổng tất cả số tiền các khoản thu đối với học sinh theo học lớp 12 là 39,1 triệu đồng/năm. Mức học phí 22 triệu đồng/năm là gấp đôi so với mức đang được áp dụng hiện hành bởi theo thông báo của nhà trường, từ năm học mới 2024-2025, nhà trường đổi mới toàn diện. Theo đó, học sinh lớp 12 sẽ được học hệ chất lượng cao, tăng cường kiến thức thi tốt nghiệp THPT và học 2 buổi/ngày (trước nay trường dạy học 1 buổi/ngày).

Các phụ huynh cho rằng, nếu việc tăng khoản thu được áp dụng đối với khóa học sinh lớp 10 mới sắp sửa vào trường sẽ dễ hiểu hơn bởi việc này do thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

"Song, với những học sinh đang theo học tại trường, không thể đột ngột yêu cầu tăng học phí và ai không đáp ứng sẽ không thể tiếp tục học tại trường. Bởi giờ nếu không học tại trường, con em chúng tôi học ở đâu?”, một vị phụ huynh nói. 

Chị P.H (một phụ huynh có con học lớp 11, trường THPT Hà Đông) cho hay, các khoản thu và thời hạn đóng mà nhà trường đưa ra chưa hợp lý.

“Theo thông báo, nhà trường yêu cầu đóng trước 10 triệu đồng trước ngày 2/5 và trước ngày 10/6 phải đóng hết số tiền còn lại. Nếu không đóng, học sinh không tiếp tục theo học tại trường.

Với các khoản thu này, tổng cộng là 39,1 triệu đồng/năm, nhà trường đề ra là thay đổi giáo viên, sửa sang lại cơ sở vật chất... nhưng đến hiện tại chưa thấy điều gì mà đã yêu cầu phụ huynh đóng trước”. 

Ngoài ra, vị phụ huynh cũng cho rằng, mọi sự điều chỉnh cần có lộ trình và thông báo cho phụ huynh trước để còn có thời gian chuẩn bị. “Không phải gia đình nào cũng có mấy chục triệu sẵn trong nhà chỉ để đóng tiền học cho con. Trong khi vừa mới thông báo ngày 22/4, trường yêu cầu đóng tiền trước ngày 2/5”, chị P.H nói. 

Theo chị P.H, nên linh hoạt chia tiền học phí ra đóng theo học kỳ hoặc theo tháng. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể đóng một lúc số tiền lớn như thế.  

Thực hư việc trường ở Hà Nội tăng học phí đột ngột, buộc học sinh thôi học nếu không nộp-1
Sau khi phụ huynh phản ứng về thông tin tăng học phí đột ngột, trường THPT Hà Đông đã rút thông báo về kế hoạch tổ chức học tập lớp 12 năm học 2024-2025.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tất Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Hà Đông, cho biết, những đổi mới của trường nhằm mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh về chất lượng học tập cũng như sự bình đẳng khi đến trường.

“Muốn tạo môi trường học tập tốt phải đầu tư và nếu phụ huynh không chung tay cùng nhà trường khó có thể được”, ông Vinh nói.

Ông Vinh thừa nhận, thông báo đang khiến một số phụ huynh hiểu nhầm nhà trường tăng học phí không căn cứ.

Theo ông Vinh, do chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, nhà trường muốn thay đổi thời lượng học tập hàng ngày của học sinh từ 1 buổi/ngày lên 2 buổi/ngày để nâng cao kiến thức cho học sinh lớp 12 đủ trình độ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình phổ thông mới. 

Như vậy, ông Vinh cho hay, bản chất năm tới nhà trường không tăng học phí vì mức học phí hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng nhưng học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày, không được học tăng cường các môn.

Chưa kể, theo ông Vinh, nếu mức thu học phí học sinh lớp 12 hệ chất lượng cao ở mức 2,2 triệu đồng/tháng vẫn là mức thấp nhất so với nhóm các trường tư trên địa bàn. Theo ông Vinh, ban đầu, nhà trường quyết định thu một lần bởi để tránh việc xáo trộn, khó khăn trong thu hồi học phí. 

“Việc này cũng đến từ thực tế nhà trường gặp cảnh phụ huynh, học sinh nợ tiền học phí rất nhiều. Thậm chí, có học sinh đến khi nhận bằng tốt nghiệp mới hoàn trả. Hay có trường hợp nợ học phí sau bỏ học, nhà trường mất luôn số tiền đó.

Ngoài ra, nếu thu tiền được một lần, các em học sinh đến lớp không gặp phải cảnh giáo viên nhắc chuyện đóng tiền. Bởi khi bị nhắc chuyện này, cá nhân học sinh cũng cảm thấy mặc cảm với các bạn”, ông Vinh nói. 

Ông Vinh cho hay, trong thông báo có 2 khoản thu, nhưng một khoản là trường thu, khoản còn lại thực chất chỉ là thu hộ. Với các khoản thu hộ khác, học sinh có thể đăng ký nộp hoặc không. 

“Số tiền lên đến 39,1 triệu đồng bao gồm cả thu hộ bảo hiểm, trải nghiệm học kỳ quân đội, đặt may đồng phục... Như với số tiền Dịch vụ hỗ trợ, nhà trường thu hộ để tổ chức các dịch vụ cho học sinh đảm bảo thống nhất quyền lợi của các em, tránh sự phân biệt. Chúng tôi làm điều này để tăng sự quan tâm của phụ huynh dành cho con em. Bởi có tình trạng, nhiều em tới trường thường xuyên thiếu sách, bút, dùng 1 vở viết chung cho nhiều môn học”, ông Vinh nói.

Nói về khoản tiền đóng trước 10 triệu đồng, ông Vinh cho hay: “Thông báo của nhà trường ban đầu với mục đích như một cách để phụ huynh, học sinh xác nhận theo học, tránh chuyện bỏ học, ảnh hưởng đến công tác tổ chức, xếp lớp học".

Thu hồi thông báo sau phản ứng của phụ huynh

Ông Vinh cũng thừa nhận, việc thông báo yêu cầu phụ huynh đóng một khoản tiền trước ngày 2/5 có phần hơi gấp gáp khi chưa giải thích để tạo sự đồng thuận. Vì vậy, nhà trường đã quyết định ban hành công văn thu hồi thông báo này. 

“Thực tế, một số phụ huynh cũng đến trường phản ánh về vấn đề này. Toàn bộ ban giám hiệu nhà trường cũng đã họp và lắng nghe phụ huynh và tiếp thu ý kiến hợp lý, qua đó thu hồi toàn bộ thông báo trước đó”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh toàn trường để giải thích cho phụ huynh hiểu và đồng thuận.

Hướng thực hiện mà nhà trường hướng tới là sẽ trên tinh thần đăng ký tự nguyện của phụ huynh, học sinh để phân chia và tổ chức dạy học theo 2 hệ: Lớp thường (học 1 buổi/ngày) và lớp chất lượng cao (học 2 buổi/ngày), đối với lớp 11 và 12. Như vậy, học sinh chọn theo lớp thường sẽ có mức học phí 1,1 triệu đồng/tháng; theo lớp chất lượng cao sẽ có mức học phí 2,2 triệu đồng/tháng.

Cùng đó, các khoản thu hộ khác cho cả năm học ngoài học phí, nhà trường sẽ tổng hợp thu theo đăng ký của từng phụ huynh với từng khoản thu, không áp đặt đại trà.

Trường THPT Hà Đông là trường tư thục được thành lập từ năm 2006, đóng trên quận Hà Đông, Hà Nội. Hiện nay, trường có 1.486 học sinh. 

Theo Vietnamnet