Thực khách dùng bữa tại một nhà hàng trong 1.800 ngày liên tiếp-1

Một bữa ăn của Manarisu. Ảnh: Japantoday

Năm 2019, người đàn ông Nhật Bản có biệt danh trên mạng xã hội là Manarisu (hiện 31 tuổi) đã bước vào một chi nhánh của nhà hàng Sukiya để dùng bữa. Ngày hôm sau, Manarisu vẫn quay lại nhà hàng và những ngày sau đó cũng vậy.

Sukiya là một trong những chuỗi nhà hàng cơm bò lớn của Nhật Bản. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người chọn Sukiya là nơi dùng bữa quen thuộc.

Tuy nhiên, khó có ai có thể làm được điều mà Manarisu đã làm. Anh đã ăn tại Sukiya trong hơn 1.800 ngày liên tiếp.

Anh Manarisu bắt đầu chuỗi ngày ăn ở Sukiya không phải vì đây là món ưa thích, mà vì anh muốn một chiếc máy Nintendo Switch.

Thời điểm đó, trang thương mại điện tử Nhật Bản Mercari chạy một chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Nếu người dùng giới thiệu thêm một người tạo tài khoản thì có thể nhận được thẻ tín dụng 1.300 yên (gần 210.000 đồng), cũng có thể dùng để ăn tối tại Sukiya.

Manarisu có hơn 8.000 người theo dõi trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã đề nghị rằng nếu họ tạo tài khoản Mercari, anh sẽ ăn tại Sukiya mỗi ngày, và dùng số tiền nhận được để mua Nintendo Switch.

Thực khách dùng bữa tại một nhà hàng trong 1.800 ngày liên tiếp-2
Một bữa ăn của Manarisu. Ảnh: Japantoday

Chỉ trong hai ngày, anh đã đáp ứng đủ điều kiện mua chiếc máy. Nhưng sau đó, dù đã đạt mục đích, anh vẫn tiếp tục ăn tại Sukiya đến tận bây giờ.

Câu hỏi lớn nhất là liệu Manarisu có chán khi ăn tại cùng một nhà hàng mỗi ngày?

Trên thực tế, Sukiya không chỉ phục vụ cơm bò mà còn nhiều món ăn đa dạng khác như cà ri, unagi (lươn nước ngọt) hay lẩu sukiyaki cỡ nhỏ. Món ăn yêu thích của Manarisu tại đây là cá ngừ sống băm nhỏ.

Mặc dù hình dạng của nó khiến một số thực khách e ngại, nhưng Manarisu cho biết nó thực sự khá tươi và ngon, không có vị tanh khó chịu.

Hiện tại, Manarisu chưa có kế hoạch dừng chuỗi ngày ăn tại Sukiya. Anh dự kiến sẽ chinh phục mốc 2.000 ngày, một cột mốc đáng kinh ngạc cho anh và cho lịch sử nhà hàng Sukiya.

Theo VietNamnet