Chiều ngày 11/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi của VKS.

Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về những lần gặp gỡ với bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khai, hầu hết các lần gặp này là để bà Lan trao đổi về việc rút tiền.

Theo lời bà Dung, trong các buổi gặp có cả sự hiện diện của bị cáo Trương Huệ Vân, nhưng bị cáo Vân thường im lặng, không trao đổi gì. Chỉ khi gặp khó khăn về việc giải ngân tiền, bà Trương Mỹ Lan mới chỉ đạo Trương Huệ Vân thành lập công ty “ma” để rút tiền.

Thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan bật khóc nói: Bị cáo quá tin người-1
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế

Nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB khẳng định, bị cáo không tham gia vào việc thành lập các công ty “ma”, mỗi khi bà Lan cần tiền sẽ gặp bị cáo, sau đó bị cáo liên lạc với bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để nhận các thông tin vay.

“Sáng nay bà Trương Mỹ Lan khai, bị cáo và các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng tự tạo lập các khoản vay. Bị cáo giải thích thế nào về việc này?”, đại diện VSK đặt câu hỏi với bị cáo Dung.

"Bị cáo làm việc với chị Lan từ rất lâu, luôn tin tưởng và trung thành. Sáng nay chị Lan khai như vậy, bị cáo không biết nói gì, chỉ biết nói bị cáo quá tin người.

Không chỉ riêng bị cáo, các anh chị em khác đều đặt niềm tin vào chị Lan. Anh Võ Tấn Hoàng Văn từng nói với bị cáo, anh em mình không tài giỏi gì thì tin tưởng vào người chủ tốt mà làm”, bị cáo Dung bật khóc nói.

Trước đó, trả lời xét hỏi của đại diện VKS, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc ngân hàng SCB) khai, bị cáo biết được bà Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của ngân hàng vào khoảng tháng 9/2019 khi bà này dự một cuộc họp với các lãnh đạo SCB.

Thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan bật khóc nói: Bị cáo quá tin người-2
Bị cáo Trương Huệ Vân trong phiên xét xử chiều 11/3. Ảnh: Nguyễn Huế

Cũng theo lời khai của bị cáo Hoàng, quá trình làm việc, bà Lan là người quyết định cho bổ nhiệm bị cáo vào chức Phó Tổng giám đốc rồi quyền Tổng giám đốc ngân hàng SCB.

Về việc rút tiền ra khỏi SCB, Hoàng khai trước khi Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ họp với lãnh đạo SCB và chỉ đạo bị cáo là đầu mối để lập hồ sơ, tài sản đảm bảo và số tiền cần giải ngân.

Về cách thức Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài, bị cáo Hoàng khai, bản thân là quyền Tổng giám đốc nên bị cáo đã phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài để thanh toán mua cổ phần của các công ty nước ngoài và chuyển tiền đặt cọc để mua tài sản ở nước ngoài cho bà Lan.

Sau đó, bị cáo cũng chính là người làm thủ tục hủy cọc, không mua tài sản, cổ phần nữa.

Theo bị cáo Hoàng, số tiền chuyển ra nước ngoài là rất lớn. Ngoài ra, bị cáo còn phê duyệt nhiều lệnh chuyển tiền để thanh toán các khoản tiền trong thẻ tín dụng khi Trương Mỹ Lan đi nước ngoài.

Trả lời xét hỏi của đại diện VKS, bị cáo Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) có khai, bà Trương Mỹ Lan là người quyết định nhân sự cấp cao của ngân hàng SCB, trên sổ sách thì bà Lan chiếm khoảng 4,9% cổ phần nhưng bản thân bị cáo Dũng phỏng đoán bà Lan nắm số lượng lớn cổ phần nhưng không biết là bao nhiêu.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc ngân hàng SCB) khai, trước khi vào làm việc cho SCB, không biết bà Trương Mỹ Lan là ai. Cho đến khi được Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) và bị cáo Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) dẫn tới gặp bà Trương Mỹ Lan và được giới thiệu bà Lan là cổ đông lớn của ngân hàng.

Theo VietNamNet