Theo Telegraph, diacetyl - loại hóa chất được sử dụng thay thế bơ trong thực phẩm, có trong thuốc lá điện tử được chứng minh là nguyên nhân gây ra căn bệnh "phổi bỏng ngô", một dạng bệnh phổi tắc nghẽn không thể đảo ngược, gây sẹo hóa trong phổi và khiến không khí khó lưu thông. Căn bệnh này hiện chưa có phương pháp chữa trị ngoài việc phải cấy ghép phổi. Do vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định điều cần thiết là phải đánh giá khả năng lây lan rộng rãi nguy hiểm của loại hương vị này.
75% các loại thuốc lá điện tử có mùi hương chứa hóa chất độc hại gây tổn thương cho phổi. Ảnh: BBC.
Theo Viện Quốc gia Mỹ về An toàn và sức khỏe lao động, diacetyl chỉ an toàn khi ăn, còn chất này rất nguy hiểm nếu con người hít vào trong một thời gian dài.
Tiến sĩ Joseph Allen, trợ lý giáo sư khoa học đánh giá về sự phơi nhiễm tại Đại học Y tế cộng đồng Harvard và các đồng nghiệp của ông đã thử nghiệm 51 loại thuốc lá điện tử có mùi hương được bán trên thị trường liệu có chứa diacetyl, acetoin và 2,3-pentanedione, các hợp chất có thể gây nguy hiểm cho đường hô hấp hay không.
Mỗi loại thuốc lá điện tử được cho vào phòng kín có gắn thiết bị thí nghiệm, có thể hút khí từ thuốc lá 8 giây một lần, mỗi lần cách nhau 15-30 giây. Theo kết quả phân tích các luồng khí, ít nhất 1 trong 3 hóa chất trên được phát hiện ở 47 trong số 51 loại thuốc lá được kiểm tra. Trong đó diacetyl có trong 39 loại thuốc, acetein có trong 46 loại và 2,3-pentanedione là 23 loại.
Tiến sĩ David Christiani, đồng tác giả nghiên cứu cho biết :"Hầu hết vấn đề sức khỏe liên quan đến thuốc lá điện tử đều gây ra do nicotine, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về loại thuốc này. Chúng cũng chứa các chất gây ung thư khác như formaldehyde và theo như nghiên cứu của chúng tôi, hóa chất tạo hương cũng gây tổn thương phổi."
Tranh cãi về sự an toàn của thuốc lá điện tử
Tháng 8/2015, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng Anh (PHE) đã đưa ra một bản báo cáo kết luận thuốc lá điện tử ít có hại hơn thuốc lá thông thường tới 95% và tuyên truyền 8 triệu người đang hút thuốc lá nên chuyển sang thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, điều này bị phản bác bởi các chuyên gia y tế từ Đại học Y khoa nhiệt đới London và Đại học Liverpool. Họ nói rằng không có bằng chứng đáng tin cậy nào để khẳng định thuốc lá điện tử an toàn.
Báo cáo của PHE được đồng thuận bởi Cơ quan hành động vì thuốc lá và sức khỏe (ASH) và Dại học Vật lý hoàng gia London, trong khi đó nhiều tổ chức khác như Hiệp hội y khoa Anh, tổ chức chăm sóc y tế cộng đồng Anh, Ủy ban châu Âu và Tổ chức y tế thế giới vẫn còn lo ngại về vấn đề an toàn của thuốc lá điện tử.
Theo Zing