Ít phút trước, trên trang cá nhân, Thủy Tiên lên tiếng chia sẻ quan điểm về việc sử dụng minh bạch số tiền Mạnh Thường Quân ủng hộ.
Nữ ca sĩ cho biết, sau khi công khai số tiền hơn 100 tỷ đồng, cô nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bạn bè cho biết tình hình đang không suôn sẻ.
Nữ ca sĩ cho hay, những người này dặn Thủy Tiên nên khóa tài khoản lại bởi nếu không cẩn thận, cô sẽ mất hết sự nghiệp bao năm tạo dựng. Vì không muốn mọi người lo lắng, Thủy Tiên quyết định lên tiếng.
Thủy Tiên nhận được 100 tỷ đồng tiền ủng hộ sau 1 tuần kêu gọi.
Bà mẹ một con cho biết cô cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp về việc cần có một tổ chức cứu trợ để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê bên thứ 3 kiểm tra tài chính... Tuy nhiên, cô không làm theo được.
Thủy Tiên cho biết việc tổ chức một bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối và mất thời gian họp hành, đưa quyết định. Chưa kể trong bộ máy xây dựng nếu xuất hiện người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng lại càng nguy hiểm.
"Tiên chỉ là 1 cá nhân và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua tổ chức nào cả VÀ CŨNG KHÔNG TẠO RA TỔ CHỨC NÀO CẢ.
Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy... Sức Tiên đến đâu Tiên sẽ cố gắng làm đến đó", cô thẳng thắn.
Thủy Tiên chia sẻ quan điểm khi nhận những ý kiến trái chiều về việc minh bạch số tiền từ thiện.
Biết sẽ bị làm khó khi cầm số tiền lớn nhưng bà xã Công Vinh khẳng định: "Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm. Chết mình còn không sợ thì những việc cỏn con này sợ gì mà không cố gắng được".
Đồng thời, Thủy Tiên cho rằng nếu vì việc này mà cô không may mất hết, cô cũng vui vẻ chấp nhận. "Mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đánh để mình đánh đổi mà. Ai mà không đến lúc già đi và mất hết chứ".
Trong bài viết, nữ ca sĩ cũng nói rõ việc cho tiền người dân. Cô cho biết mục đích chính là giúp tiền mặt để người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Qua việc đi trực tiếp vào vùng lũ, Thủy Tiên khẳng định nếu không đi tận nơi sẽ không thể hiểu được.
Theo lời Thủy Tiên, việc cô cho vài triệu tiền chợ búa như hiện nay không thấm vào đâu so với mất mát mà người dân miền Trung đang gánh chịu. Cái chính cô muốn làm là xây cái nhà, cho vốn làm ăn để dân tái thiết lập cuộc sống sau lũ chứ không phải chỉ đến cho vài triệu chữa cháy.
Còn những ý kiến về việc chi tiêu minh bạch đến mức chi tiết phải ghi ra từng khoản và có êkip làm việc này, Thủy Tiên khẳng định cô không đủ tiền chi trả. Để đi gom hàng cứu trợ, cô phải chạy đi từng đại lý, tiệm tạp hóa.... các chuyển khoản và tiền mặt nhỏ lẻ rất nhiều. Chưa kể khi cho tiền, cô cũng nhìn mặt mới cho, vừa chạy việc vừa cho nhanh để giúp mọi người nên không cách nào để thuê người ghi rõ ràng từng khoản rồi về tính.
Thủy Tiên khẳng định nếu không làm gì trái pháp luật thì sẽ được ủng hộ.
"Tiên đang gọi xin ngân hàng các khoản chi ra vì số đầu vào qua nhiều không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào vì nó nhiều lắm lắm. Tiên nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì làm gì.
Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỷ thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng bản thân Tiên cũng không biết có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu, ngoài xây nhà mình còn làm cầu cống đường xá cho người dân ở vùng sâu xa, lũ này cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được nè, họ phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người.....
...Và Tiên tin nếu mình là một công dân tốt biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì ai cũng sẽ ủng hộ cho mình, các bạn đừng lo nha", cô nhắn nhủ.
Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như trên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Theo Điều 5 của nghị định này, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có: 1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. 2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. 3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Theo thông tư này thì báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể). Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác, những cá nhân, doanh nghiệp… có nghĩa cử đẹp tương tự đã… vi phạm vào sự cấm đoán của Nghị định 64/2008. Không chỉ có họ, nhiều báo, đài cũng vi phạm thông tư trên khi đã và đang tổ chức giao trực tiếp tiền, hàng cứu trợ cho bà con chứ không giao nộp cho Ban cứu trợ cùng cấp như yêu cầu của thông tư. 12 năm trước, có lẽ lo ngại về sự vụ lợi và không nhìn thấy được nhu cầu, tiềm năng, hiệu quả của những hoạt động thiện nguyện của nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức không thuộc nhà nước nên Nghị định 64/2008 mới có những hạn chế không hợp lý như trên. Theo thời gian, sự bất hợp lý đó ngày càng lộ rõ và dẫu không muốn vi phạm thì nhiều cá nhân, tổ chức thật sự có tấm lòng và năng lực quyên góp tiền, hàng cứu trợ cũng không thể nào máy móc tuân thủ. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong các yêu cầu của văn bản pháp luật là phải đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản cùng tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ thực hiện... Vì lẽ này, những quy định gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động hay tiếp nhận cứu trợ nhân đạo của Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cần phải được nhanh chóng hủy bỏ. Trích nguyên văn PL TPHCM |
Mây
Theo Vietnamnet