Ảnh tư liệu

28 năm trước, ngành y Việt Nam đã ghi danh vào nền y học thế giới với một quyết định dũng cảm: phẫu thuật tách rời một cặp sinh đôi dính liền nhau suốt 8 năm, do hậu quả của chất độc da cam người Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam.

Cặp song sinh dính liền phần bụng, chung bộ phận sinh dục và hậu môn, có hai chân và một chân cụt.

Chúng được sinh ra từ một vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, một vùng chịu ảnh hưởng nhiều của chất độc hoá học Mỹ rải xuống trong suốt cuộc chiến.

Cũng tại nơi vùng quê nghèo ấy, khi hai đứa trẻ sinh ra, những người thân quan niệm đó là "yêu quái" và họ muốn mang hai đứa trẻ ra suối đốt.

Đó cũng là khởi nguồn của câu chuyện buồn suốt 35 năm, khi Đức, người em trong cặp sinh đôi dính liền ấy, được người cha ruột kể lại rằng, người muốn đốt anh em Đức, chính là người mẹ.

Tuy nhiên, chuyện đốt đã không xảy ra, khi hai đứa trẻ được giữ lại tại Bệnh viện Sa Thầy một ngày, sau đó được làm thủ tục chuyển ra Bệnh viện Việt Đức – Hà Nội để chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa trị.

Một năm sau, hai đứa trẻ được chuyển vào làng Hoà Bình - BV Từ Dũ (TPHCM), sống quãng đời thơ ấu đầy kỷ niệm trong sự chăm sóc của những người đặc biệt như má Mười, má Phượng, bà nội Chung…

Ảnh: Châu Nguyễn

Nhớ lại kỷ niệm ngày cùng chung với anh mình một cơ thể, Nguyễn Đức nói:

"Chúng tôi từng mơ sẽ có ngày hai đứa được tách rời, có thể tung tăng bay nhảy thay vì nằm một chỗ. Sợ nhất là khi một trong hai đau ốm, người này trở thành gánh nặng kinh khủng cho người kia"

Khi hai đứa trẻ lên 8, Việt sau một cơn sốt do chứng viêm màng não, sống đời sống thực vật. Hai đứa trẻ không còn được vui đùa cười nói với nhau như cũ. Đức phải sống cuộc sống của mình và cả của người anh mình về mặt sinh học.

Và rồi, ngành y đã dũng cảm đi đến quyết định tách rời hai đứa trẻ. Ca mổ kéo dài gần 20 giờ, với các giáo sư, bác sĩ hàng đầu Việt Nam như bác sĩ Trần Đông A, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Bác sĩ Tạ Thị Chung…, đã tách hai đứa trẻ thành công.

Sau ca mổ, Việt sống đời thực vật suốt 10 năm. Đức từng bước hồi phục, được đến trường như bao đứa trẻ khác.

Một câu chuyện đẹp của ngành y đã được lưu lại. Nụ cười của đứa trẻ được tách rời trở thành một biểu tượng của thành tựu y học Việt. Đứa trẻ được sống trong sự chăm sóc đặc biệt của những con người đặc biệt tại BV Từ Dũ.

Nhìn vào chúng, ai cũng nghĩ, đó là những đứa trẻ hạnh phúc…

Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, một điều không nhiều người biết, thực tế, cha mẹ đẻ của cặp đôi này ở đâu trong những giai đoạn ngặt nghèo của hai đứa trẻ? Tại sao họ lại vắng bóng một thời gian rất dài trong cuộc đời của chúng?

28 năm sau ca mổ, gặp lại Đức, chúng tôi được biết, trước khi quyết định đưa Đức và Việt lên bàn mổ, bệnh viện bắt buộc phải đi tìm cha mẹ ruột của cặp song sinh này.

Họ về vùng quê ấy, nhưng chỉ còn người mẹ. Người cha, sau khi anh em Việt Đức sinh được 2 tháng, đã bỏ người mẹ, tìm đến với một người phụ nữ khác và chuyển đến Lâm Đồng định cư.

Tuy nhiên, ca mổ ấy, ông cũng có mặt, nhưng chỉ một thời gian ngắn, tầm vài giờ, ông lại về với cuộc sống của ông, biền biệt, để rồi gần 20 năm sau, đứa con tật nguyền lại đi tìm cha.

Còn người mẹ, ở với Đức một thời gian ngắn trong BV Từ Dũ cùng người chị gái của Đức.

Có thêm một số chuyện không vui xảy ra trong thời gian này để rồi từ đó đến nay, hai mẹ con không thể xích lại gần nhau được.

Và điều gì đã xảy ra khi hôm nay, Đức nói rằng: "Tôi có cha mẹ mà như mồ côi"?

Mời bạn theo dõi clip dưới đây:

Cặp song sinh Việt-Đức sau 35 năm: Tập 1.


Theo Trí thức trẻ