Bám víu chấp chới vào thềm cửa sổ ở độ cao 15 m và gào thét cầu cứu trong lúc những tay súng máu lạnh đang lởn vởn dọc hành lang của nhà hát Bataclan, hình ảnh người phụ nữ mang bầu tuyệt vọng trong đêm chết chóc này đã trở thành biểu tượng của thảm kịch tại Paris.
Thai phụ thoát chết trong gang tấc nhờ sự liều lĩnh của Sebastian. Ảnh: Le Monde
Báo Daily Mail (Anh) ngày 16-11 chia sẻ những tiết lộ đầu tiên của một người sống sót về khoảnh khắc kịch tính khi anh liều mình nhảy ra khỏi nơi trú ẩn để cứu người phụ nữ thoát chết trong gang tấc.
Danh tính đầy đủ của người anh hùng này không được tiết lộ, chỉ biết anh tên Sebastian.
Sebastian đã kéo nạn nhân lên từ cửa sổ giữa lúc sát đó có 3 tay súng đánh bom tự sát của IS đang nã đạn vào từng người một. Anh chia sẻ rằng chỉ chậm trễ vài phút thôi là người phụ nữ quá mệt mỏi và sợ hãi vì treo lơ lửng quá lâu chắc hẳn không cầm cự thêm được nữa. Sau khi người phụ nữ và em bé trong bụng sống sót sau vụ tấn công, bạn bè và người thân của hai mẹ con đã đăng đàn mạng xã hội để tìm người ân nhân để cảm ơn. Sau khi tìm thấy và xác nhận chính xác thông tin, Sebastian và người phụ nữ đã trao đổi số điện thoại. Tuy nhiên, người phụ nữ không muốn tiết lộ danh tính vì cô muốn để câu chuyện này ngủ yên.
129 người thiệt mạng trong vụ khủng bố đêm 13-11 tại Paris. Ảnh: EPS
Theo lời kể của Sebastian, anh nhìn thấy thai phụ gặp nạn nói trên khi đang tìm cách thoát thân qua lỗ thông hơi. Khi nhìn sang cửa sổ gần chỗ mình, ánh mắt của anh bắt gặt người phụ nữ đang gào khóc: “Cứu tôi. Tôi đang mang bầu”.
“Cô ấy cầu xin những người ở bên dưới đỡ giúp nếu cô nhảy xuống. Tuy nhiên, phía dưới đang rất hỗn loạn. Và cô ấy còn ở độ cao 15 m. Thế nên tôi liều mình chạy ra kéo cô ấy lên” - Sebastian kể với tờ La Province.
Anh cho biết thêm: “Sau đó tôi không biết cô ấy đi đâu. Tôi quay lại chỗ cũ trốn tiếp. 5 phút sau đó, tôi cảm thấy một khẩu súng AK-47 chĩa dưới chân mình và một tên khủng bố gào lên: “Xuống đây… Nằm xuống đất”.
Sebastian còn tiết lộ diễn biến rùng rợn bên trong nhà hát Bataclan – nơi 89 người đã không bao giờ trở về sau buổi biểu diễn đêm 13-11. Những kẻ tấn công nói rằng: “Chúng tao ở đây để cho các người trải qua những gì người vô tại phải chịu đựng ở Syria. Các người có nghe thấy tiếng than khóc không?”
“Giờ các người đã có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi mà người dân phải chịu đựng mỗi ngày ở Syria. Đó là chiến tranh. Và tất cả mới chỉ bắt đầu. Chúng tao sẽ thảm sát những người vô tội. Chúng tao muốn các người nói cho tất cả thế giới biết”.
Sebastian cho biết lúc bấy giờ anh đã nhắm mắt chờ chết, nhưng những kẻ khủng bố yêu cầu anh và một số nạn nhân khác gọi điện cho đài BFM, ITV.
“Chúng đòi nói chuyện với các phóng viên. Rồi tôi cũng không rõ vì lý do gì chúng nói rằng tiền quan trọng với tôi (thì hãy xem đây)… rồi chúng lôi một xấp toàn tờ 50 euro rồi bắt tôi đốt số tiền này” – Sebastian kể lại.
Anh nói thêm: “Chúng nói tiếng Pháp với nhau. Một tên trong số đó là người Algeria có đôi mắt xanh”.
“Chúng nói rằng chúng có thuốc nổ trong áo khoác và nếu cảnh sát tiếp cận, chúng sẽ bốc nổ tất cả. Chúng nói chuyện với người thương thuyết của cảnh sát qua một chiếc máy tính bảng của con tin. Chúng chỉ ra yêu cầu duy nhất là cảnh sát rút khỏi hiện trường”.
“Sau đó, chúng đe dọa cứ 5 phút sẽ giết một con tin và ném qua cửa số. Tôi nghĩ rằng chuyên gia thương thuyết đang cố gắng dàn xếp để cứu chúng tôi tên chúng tôi cứ chờ đợi”.
“Chúng tôi là con tin. Những giây phút đó là quãng đời dài nhất của chúng tôi. Tôi đã trải qua hết cảm xúc này tới cảm xúc khác trong khoảnh khắc đó, có lúc hi vọng, có khi chấp nhận cái chết… Thậm chí tôi đã nhắm mắt lại trước nòng súng AK-47 của bọn chúng” – Sebastian nghẹn ngào.
Anh kể tiếp: “Bọn chúng dùng 2 người làm lá chắn sống ở cửa nhưng lực lượng an ninh cố gắng vào bên trong mà không gây thương tích cho họ”.
“Chúng ném lựu đạn loạn xạ… Khi tôi thấy một trái lựu đạn rơi dưới chân mình, tôi tự nhủ phải chạy thôi. Rồi tôi chạy. Lựu đạn nổ, tôi vị văng ra xa và lúc đó lực lượng an ninh ập vào. Tôi bị giẫm đạp bẹp dí nhưng đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã được cứu!”.
Theo Người lao động