Hằng ngày việc nấu bún để bán hàng, tắm rửa... của gia đình chị đều diễn ra ở cái bếp bất đắc dĩ ấy.

Nói đến nỗi khổ khi sống trong khu tập thể cũ, chị K cứ bụm miệng cười. Chị bảo, khổ thì trăm đường khổ… thế nhưng cái kỷ niệm mà chị nhớ nhất ấy là… đêm tân hôn.

Chị Nguyễn Thị B. cùng chồng và 2 con sống tại tầng 3 của khu TT Giảng Võ. Chị kể, khu TT ở đây cả tầng chung một dãy nhà tắm - vệ sinh (nhà tắm và nhà vệ sinh đối diện nhau, cách khoảng 1m) . Khu vực này không có nước, mỗi lần "có nhu cầu" thì người dân phải xách nước vào tận nơi.

"Nhiều người thiếu ý thức đi vệ sinh nhẹ "quên" không dội đến ngày nắng mùi khai bay khắp cả tầng" chị B. ca cẩm.

Căn hộ của chị đối diện luôn với khu nhà nhà tắm - vệ sinh  này, để tiện cho việc sinh hoạt chồng chị đã cho lắp một đường ống nước kéo tận nơi để dùng.

Tiết lộ của chủ quán chế biến bún...trong nhà vệ sinh
Bếp được đặt ngay trong khu vệ sinh chung của cả tầng. Chị B. đang chế biến
thức ăn phục vụ cho việc bán bún vào sáng mai

Chị B. làm nghề kinh doanh bún đã nhiều năm nay. Do phòng quá chật không có chỗ nấu nướng nên chị phải thiết kế nhà bếp ngay trong khu vực nhà tắm và cách đó hơn 1m là ...khu nhà vệ sinh chung. Trong căn bếp tự chế này nhà chị đặt một cái bếp ga, phía trong nhà tắm được trưng dụng thành nơi để thức ăn phục vụ cho gánh hàng bún.

Đang hầm nồi nước xương cho buổi bán bún ngày mai chị nói: "Làm gì có chỗ nào mà nấu nữa hả em? Nhiều lúc chị đang nấu cơm vảng vữa trên trần còn rơi lả tả xuống".

P hía trong nhà tắm là một chiếc chậu nhựa lớn đựng tai lợn luộc, thịt luộc...nghi ngút khói bốc lên. Cạnh đó là các thau, dao, thớt...bày trên nền nhà tắm đã xuống cấp với những viên gạch vỡ phải trát vội bằng lớp xi măng.

Tiết lộ của chủ quán chế biến bún...trong nhà vệ sinh
Nhà tắm là nơi để thức ăn chuẩn bị cho gánh bún sáng mai

Chị B. còn kể, ở đây dùng nhà vệ sinh chung nên đi vệ sinh phải xếp hàng. Buổi sáng gia đình nào có con cái đi học thì phải dậy thật sớm để xí chỗ. Con gái đi vệ sinh cầm theo điện thoại đi xong thì "nháy máy" để anh, chị, bố...ra luôn xí chỗ.

"Có nhà không đợi được còn phải dùng bô. Dùng bô thì cũng phải đợi mới đến lượt đổ vì sáng ai cũng vội không thể nhường nhau được. Có người sáng đi vào bô chiều đi làm về mới đổ. Có cậu ở phòng đằng kia kìa (tầng 3) buổi chiều cậu đi làm rồi tối sang nhà bạn chơi sáng mai về phòng mới phát hiện ra chưa đổ bô...Ở đây lắm chuyện bi hài lắm. Giờ cậu ấy không chịu nổi đã bán nhà chuyển đi chỗ khác rồi".

Mặc áo mưa cho điều hòa

Tương tự ở tầng 4, gia đình anh M. sống trong căn hộ nhỏ với rất ít đồ đạc. Anh nói: "Có dám sắm sửa gì đâu, nhà chật lấy chỗ nào mà để. Căn hộ của tôi chưa đến 18m2 nhưng có đến 6 người ở (vợ chồng anh M., 2 con gái và ông bà nội).

Hiện do quá chật chội nên ông bà nội đã tách riêng. Hai vợ chồng chỉ sắm mỗi cái ti vi, tủ lạnh, bàn học của con và hai cái giường".

Tiết lộ của chủ quán chế biến bún...trong nhà vệ sinh
Nhiều căn hộ ở đây có tường thường xuyên bị thấm nước nên mốc xanh mốc đỏ

Anh tâm sự, 2 con gái đã lớn nhưng vẫn không có phòng riêng. Nhà có khách đến chơi bố mẹ tiếp khách bên này, ở góc phòng các con vẫn phải "giả điếc" để học bài.

Giường các con ngủ ngăn cách với giường bố mẹ bằng tấm rèm ngay giữa nhà. Mỗi lúc hai vợ chồng muốn "tâm sự" cũng chỉ dám đợi lúc con đi học hoặc bố mẹ đưa nhau ra nhà nghỉ.

Tiết lộ của chủ quán chế biến bún...trong nhà vệ sinh
"Mùa nào nhà tôi cũng phải mặc áo mưa cho điều hòa", anh M. cho biết

Căn hộ cũng không có phòng bếp. Để lấy chỗ nấu nướng, anh đã phải "cơi nới" một chuồng cọp tầm 1m2 ở phía ngoài phòng để nấu ăn và rửa bát.

"Nhà tôi vẫn chưa là gì so với các nhà khác. Trước đây ở tầng 3 có căn hộ khoảng 10m2 mà đến 3 thế hệ sống chung. Nhưng giờ họ đã chuyển đi rồi vì không thể sống nổi", anh M. nói.

Điều đáng nói là tường của căn hộ đã nứt rất nhiều. Anh đã từng trát, sửa sang lại nhưng đâu lại vào đấy. Cứ trời mưa thì dột, nước ngấm vào tường khiến những mảng tường bong tróc. Các đồ đạc kê cạnh tường rất hay bị ẩm mốc, hỏng hóc.

Phía trên tường anh treo cái điều hòa nhưng do nhà bị dột nhiều lần anh đã dùng áo mưa để bảo vệ điều hòa. "Không chỉ có điều hòa nhiều đồ dùng khác trong nhà tôi cũng phải mặc áo mưa", anh M. hài hước nói.


 Theo Vietnamnet