Vài tháng nay, khi dỗ cậu con trai nickname Bi (3 tuổi) ăn cơm, Thanh Hoa (sinh năm 1995, nhân viên bán hàng) nhiều lần phải dùng đến TikTok. Tranh thủ lúc con chịu ngồi yên, mắt dán vào các clip trên màn hình, Hoa mới có thể thuận lợi cho ăn.
Tuy nhiên càng ngày, Hoa càng nhận thức được sự nguy hiểm của thói quen này.
“Vì sử dụng điện thoại của tôi, đôi lúc con vô tình xem được những clip bạo lực, chửi bậy hoặc dung tục trên nền tảng này. Hôm trước, con xem phải clip dọa ma, một trào lưu đang nổi gần đây, và bị giật mình. Đến tối đi ngủ con vẫn kêu sợ, bắt tôi đóng chặt cửa phòng”, Hoa kể.
Theo bà mẹ trẻ, sau YouTube, TikTok là một trong những ứng dụng mà các phụ huynh như cô cần quản lý chặt việc sử dụng của con cái. Chỉ cần sơ sẩy, con trẻ có thể vô tình tiếp xúc với các nội dung “bẩn” đang len lỏi trên nền tảng này.
Nơi khởi phát trào lưu, thử thách nguy hiểm
Đầu tháng 8, “Kia Challenge” là một trong những thử thách mới nhất được nền tảng TikTok lan truyền với sự tham gia chủ yếu của người trẻ, tự xưng là Kia Boys (tạm dịch: Các cậu bé Kia) tại Mỹ.
Người tham gia nhắm vào xe của hãng Kia Motors hay Hyundai Motors không khóa, dỡ phần capo che đầu máy phía trước và dùng dây sạc USB để nổ máy. Sau đó, họ sẽ quay video ghi lại thành quả, lái chiếc xe đi xung quanh phố rồi phá hỏng hoặc vứt xe.
Tháng 9/2021, trào lưu phá hoại, trộm vật dụng ở trường học lan truyền trong giới trẻ Mỹ. Nhiều học sinh chia sẻ clip lấy trộm chai xà phòng, gương phòng vệ sinh, thiết bị báo cháy, bàn giáo viên hoặc tệ hơn là gỡ gạch trên trần nhà, lan can, đập bỏ vách ngăn nhà vệ sinh và gắn hashtag #deviouslicks.
Có ít nhất 10 trường trung học thuộc khu học chánh Pasco County, Land O' Lakes (bang Florida, Mỹ) ghi nhận tình trạng bị mất cắp các chai xà phòng, biển báo và chân ghế gãy bị nhét vào nhà vệ sinh trong trường, theo New York Times.
Hồi tháng 3, thử thách “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge) cũng được nhiều phụ huynh Australia lên tiếng cảnh báo. Để tham gia thử thách này, nhiều trẻ em quỳ xuống đất, hít vào thật sâu rồi bật dậy, thổi phồng miệng với ngón tay cái ngậm chặt bên trong nhằm đạt được cảm giác hưng phấn do thiếu oxy lên não.
Tuy nhiên, theo nine.com.au, hành động này có thể gây ra hậu quả đáng sợ như co giật, tăng thông khí hoặc bất tỉnh.
Trước đó, thử thách “gương lửa” (fire mirror challenge) - phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi châm lửa; thử thách “thùng sữa” (milk crate challenge) - chất các thùng sữa chồng lên nhau và cố gắng đi qua hay “benadryl” (benadryl challenge) - thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác cũng là những trào lưu được không ít người dùng trên nền tảng video này hưởng ứng.
Tất cả trào lưu, thử thách này được nhiều người nhận xét là kỳ quái, ngớ ngẩn và có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người tham gia, nhất là trẻ nhỏ.
Bị thương, mất mạng vì học theo TikTok
Đầu tháng 6, một thanh niên 18 tuổi ở thành phố Tangerang (Indonesia) tử vong tại chỗ vì bị xe tải tông trúng trong khi cố gắng tham gia thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death challenge) trên TikTok.
Thiếu niên này, cùng nhiều người tầm tuổi khác, đã lao ra chặn đầu nhiều xe tải đang di chuyển. Người tham gia được công nhận là thành công khi xe tải kịp dừng lại trước khi tông trúng họ.
Tháng 9/2021, Jack Mason (10 tuổi, Scotland) phải phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, ruột non và 30 cm ruột già do nuốt nhiều viên nam châm vào bụng. Đây là hậu quả của việc em tham gia thử thách ngậm nam châm trên TikTok.
Trước đó 4 tháng, Destini Crane (14 tuổi, Mỹ) phải nằm viện 2 tuần, trải qua 2 lần phẫu thuật ghép da để điều trị vết bỏng cấp độ 3 trên cánh tay phải và cổ. Gia đình cho cho biết cô bé đã cố gắng làm theo một video trên TikTok. Mẹ Crane kể khi tìm thấy điện thoại của con gái sau tai nạn, nó đang mở ứng dụng này và vẫn đang quay video.
Đau lòng hơn, tháng 1/2021, khi tham gia “Blackout Challenge” (tạm dịch: Thử thách ngạt thở) một bé gái 10 tuổi người Italy đã không may thiệt mạng. Tương tự “Thumb blowing challenge”, thử thách này khuyến khích người chơi tự làm mình ngạt thở đến khi bất tỉnh, theo People.
Đầu tháng 7, gia đình của Lalani Erika Renee Walton (8 tuổi, bang Texas, Mỹ) và Arriani Jaileen Arroyo (9 tuổi, bang Wisconsin) kiện lên tòa án cấp cao quận Los Angeles sau khi 2 em qua đời vì tham gia thử thách ngạt thở.
Người thân các nạn nhân cáo buộc thuật toán nguy hiểm của TikTok đã liên tục đề xuất các video về thử thách này vào nguồn cấp dữ liệu của trẻ em, khuyến khích chúng tham gia thử thách và dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Đừng để con trẻ bị “lạc” trên TikTok
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng tham gia làm điều phối viên cho dự án về quyền trẻ em, nghiên cứu về những vấn đề trẻ em liên quan đến truyền thông, nhận định TikTok hiện là một trong những nền tảng thu hút sự quan tâm của nhiều trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, việc kiểm soát nội dung, độ tuổi người xem trên ứng dụng này còn nhiều kẽ hở, dễ khiến trẻ em trở thành con mồi cho người dùng, nội dung xấu nếu được tự do tiếp cận.
“Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng bị các nội dung phong phú trên TikTok lôi cuốn. Các video trên nền tảng này có thời lượng ngắn, được cắt ghép, biên tập lấy các nội dung hấp dẫn nhất, đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò cùng thuật toán gợi ý nên khó mà dứt ra được”, ông nói.
Đặc biệt, TikTok cũng là môi trường dung dưỡng nhiều trào lưu, thử thách có hại đến sự phát triển của trẻ. Theo PGS.TS Oanh, có những trào lưu mà người lớn nghe qua đã thấy vô bổ, ngớ ngẩn hoặc nguy hiểm song vẫn có thể khiến nhiều trẻ lao đầu tham gia bởi các em là nhóm chưa hoàn thiện về nhận thức, thể chất.
“Những thử thách đó đánh vào sự ngây thơ, non dại và cả máu ăn thua của trẻ. Các em chưa thể hoàn toàn nhận thức được các trào lưu, thử thách tưởng chỉ vui thú đó thậm chí có thể tước đoạt mạng sống, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của mình”.
Đồng quan điểm, ông Võ Anh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng các bậc cha mẹ và người lớn ở cạnh trẻ cần là những người đầu tiên nhận thức được tác động tiêu cực này.
“Không ai muốn con em mình đi lạc trên đường phố, thì cũng đừng để con em mình bị 'lạc' trên TikTok”, ông nhận xét.
Cả ông Dũng và ông Oanh đều cho rằng vai trò của gia đình, nhà trường và cả các cơ quan quản lý là rất quan trọng trong việc bảo vệ con trẻ khỏi nội dung độc hại trên TikTok. Thay vì phó mặc hoặc nhanh chóng xóa app, cấm đoán, cha mẹ nên hướng dẫn, giải thích cho con hiểu cách phân biệt, tác hại của các nội dung xấu và để con tự quyết định có xem nữa hay không. Bởi với độ tuổi nhỏ, điều gì càng cấm đoán càng dễ tạo sự tò mò và kích thích trẻ lén xem.
“Cách tốt nhất để nói chuyện với trẻ về một chủ đề khó nói là cha mẹ cần có thái độ khách quan, cố gắng không sử dụng những từ ngữ mang tính chất dọa nạt. Còn trẻ em nếu nhìn thấy hoặc đọc được những điều xấu, có ý nghĩa xấu thì dừng lại ngay và nói với cha mẹ hoặc người lớn tin cậy để giúp đảm bảo chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, ông Dũng nói.
Để tránh hậu quả đáng tiếc, ông gợi ý bậc cha mẹ có thể học cách nhận diện các dấu hiệu trẻ bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi, trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm trí... do những thử thách TikTok. Trường hợp cần thiết có thể thông báo đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể liên quan (ví dụ Đường dây nóng quốc gia Bảo vệ trẻ em) để được tư vấn, hỗ trợ, phối hợp xử lý, phòng ngừa.
Ông Oanh cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan có thẩm quyền trong việc siết chặt quản lý các nội dung không lành mạnh trên TikTok. Theo đó, cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý, gỡ bỏ và phạt các tài khoản chia sẻ thông tin xấu, độc hại, tránh để chúng lan truyền đến người xem, đặc biệt là trẻ nhỏ cũng như nghiên cứu, phát hiện những khoảng trống pháp lý để kịp thời sửa chữa.
Theo Zing News