Seraya Ellison, TikToker 19 tuổi, đã chia sẻ câu chuyện của mình về một lần nhuộm tóc và phải vào bệnh viện. Qua clip, cô gái trẻ muốn cảnh báo mọi người nên cẩn thận vì cơ thể có khả năng phản ứng với các hóa chất trong thuốc nhuộm tóc sẫm màu.
Bài đăng của Seraya đã nhận được hơn 30 triệu lượt xem kèm theo 4 triệu lượt thích. Trong clip, cô và một người bạn đang chuẩn bị nhuộm tóc.
Sau đó, một loạt hình ảnh hiện lên cho thấy mặt của Seraya sưng phồng và phải đến bệnh viện cấp cứu. Cô gái trẻ để lại lời nhắn cuối video: “Luôn luôn làm test áp da trước khi nhuộm tóc”.
Seraya bị dị ứng với một loại hóa chất thường xuất hiện trong thuốc nhuộm tóc sẫm màu.
Quyết định sai lầm
Seraya chia sẻ: “Tôi nhuộm một nửa mái tóc thành màu đen vào ngày 15/7. Với kinh nghiệm tự nhuộm tóc trong 13 năm, tôi đã quá quen với hiện tượng chân tóc và tai trở nên hơi rát sau khi sử dụng các loại thuốc nhuộm rẻ tiền.
Ngay cả khi tôi lỡ để chúng dính vào da, cơ thể sẽ chỉ mất vài giờ để tự hồi phục”.
Tuy nhiên, lần nhuộm tóc này lại trở thành cơn ác mộng với cô gái 19 tuổi. Theo Seraya: “Sáng hôm sau, tôi thức dậy, nhìn vào gương và thấy phần trán bên phải sưng tấy”.
Ban đầu, cô không quá lo lắng nên đã đi mua Benadryl, một loại thuốc kháng histamin giúp giảm dị ứng, rồi đi làm như bình thường. Tuy nhiên, sau khi về đến nhà, vết sưng tấy càng ngày càng nặng hơn nên mẹ của Seraya đã vội vàng đưa con gái đi cấp cứu.
Hành trình điều trị
Các triệu chứng cảnh báo dị ứng với hóa chất bao gồm trán, mắt sưng tấy, da đầu đau, bỏng rát và tê mặt.
Bác sĩ da liễu chỉ cho Seraya dùng huyết thanh để trị bỏng và nhận thấy điều này là chưa đủ, cô và mẹ đã quyết định tới một bệnh viện khác để tìm kiếm sự trợ giúp.
Seraya cho biết: “Tôi phải uống thuốc steroid hai lần mỗi ngày trong vòng 4 ngày. Bác sĩ cũng khuyên tôi nên dùng Benadryl và chườm đá”.
Cô gái trẻ bị dị ứng với một loại hóa chất mang tên Paraphenylenediamine (PPD), thường được tìm thấy trong thuốc nhuộm tóc sẫm màu.
Tình trạng Seraya đã thuyên giảm sau vài ngày dùng thuốc. Trong clip khác, TikToker này cho biết sau 5 ngày chờ đợi, khuôn mặt của cô đã hoàn toàn bình phục và trở lại bình thường.
Cô kể lại: “Những gì tôi đã trải qua thực sự rất đáng sợ. Tôi cảm thấy may mắn vì phản ứng dị ứng không quá nghiêm trọng như mình nghĩ”. Seraya muốn chia sẻ trải nghiệm này để khuyên mọi người cẩn thận đọc các chỉ dẫn ghi trên sản phẩm và đảm bảo kiểm tra dị ứng trước khi tiến hành nhuộm tóc.
Thận trọng với thuốc nhuộm tóc
Thuốc nhuộm tóc hóa ra lại có thể nguy hiểm hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Geeta Yadav, bác sĩ da liễu ở Toronto, Canada cho biết, dị ứng có khả năng phát triển dần dần như trường hợp của cô gái trên. Mọi người nên loại bỏ suy nghĩ: Vì đã sử dụng loại thuốc nhuộm này nhiều lần nên tôi hoàn toàn yên tâm dùng chúng.
Bác sĩ Geeta lưu ý, mức độ nhạy cảm sẽ tăng dần theo thời gian và trường hợp của Seraya là viêm da tiếp xúc do hóa chất từ trong thuốc nhuộm gây nên.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ ước tính, khoảng 6,2% người dân ở Bắc Mỹ đã từng gặp phải phản ứng dị ứng liên quan tới PPD. Theo bác sĩ Geeta, hóa chất này được tìm thấy trong 90% thuốc nhuộm tóc, ngay cả những loại hữu cơ.
Hầu hết mọi người không gặp phải vấn đề khi tiếp xúc với PPD. Tuy nhiên, một khi xuất hiện phản ứng dị ứng, bạn cũng nên tránh những thứ như xăm hình đen, tiếp xúc với cao su đen, dầu cơ khí, mỡ bôi trơn, xăng và mỹ phẩm tối màu.
Viêm da tiếp xúc có thể xảy ra khi chất gây kích ứng tác động tới da như trường hợp của cô gái trên. Đối với một số người, hiện tượng này xuất hiện do bản thân họ đang mắc bệnh chàm, viêm da cơ địa, từ đó khiến da dễ mẫn cảm.
Tuy nhiên, với những người khác, tiếp xúc nhiều lần với hóa chất cũng gây ra hiện tượng tương tự.
Theo bác sĩ Geeta, những người sở hữu làn da mẫn cảm nên tránh các sản phẩm chăm sóc da có mùi thơm, trông đẹp mắt do chúng thường chứa nhiều hóa chất dễ gây kích ứng.
Theo Trí Thức Trẻ