Sự kiện công chiếu (premiere) phim Vô Diện Sát Nhân cách đây không lâu bị nhiều nghệ sĩ và giới làm nghề phản ứng vì thảm đỏ nhốn nháo, tràn ngập TikToker. Trong khi đó, nghệ sĩ chỉ có vài người, chủ yếu là dàn cast.
Theo quan sát, Vô Diện Sát Nhân PR mạnh trên TikTok và kênh của dàn TikToker, trong đó nhiều TikToker không liên quan gì đến lĩnh vực phim ảnh vẫn đến quay thử thách, đi sự kiện.
Tuy nhiên, chất lượng tác phẩm không đảm bảo, không thuyết phục được giới phê bình và khán giả, Vô Diện Sát Nhân tính đến 9/9 mới đạt 4,7 tỷ đồng doanh thu phòng vé (theo số liệu của Box Office Vietnam). Với con số này, phim bị đánh giá là đã bại trận trên đường đua.
Vô Diện Sát Nhân chỉ là một ví dụ.
Một số chuyên gia, quản lý truyền thông cho rằng nhà phát hành, đơn vị tổ chức đang chạy theo trào lưu khi mời TikToker góp mặt ở buổi ra mắt phim và tham gia vào việc PR phim.
Tuy nhiên, việc làm này có thể để lại nhiều hệ lụy như làm giảm chất lượng của sự kiện công chiếu phim, ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu và hiệu quả quảng bá sản phẩm có thể không hề đạt được như mong muốn.
Lạm dụng PR bằng TikToker, chưa chắc đã hiệu quả trong quảng bá
Buổi họp báo ra mắt phim (premiere) là sự kiện quan trọng trong quá trình truyền thông của một tác phẩm điện ảnh. Thông thường, ngoài đạo diễn, nhà sản xuất và dàn cast, số lượng khách mời còn lại là các nghệ sĩ, nhà phê bình, phóng viên báo chí, người có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, câu chuyện đã khác. Nhiều agency khi tổ chức buổi công chiếu phim đã chủ yếu mời TikToker. Tuy nhiên, nói như Liêu Hà Trinh "nhiều TikToker còn chỉ đến check-in, quay thử thách, không hề vào xem phim và để lại ghế trống trong rạp".
TikToker đổ bộ thảm đỏ công chiếu phim.
Anh Trương Quốc Phong - quản lý truyền thông của công ty Nam Hương, từng làm PR phim Trúng số của Dustin Nguyễn - nhìn nhận hiệu quả truyền thông, sự lan tỏa thông tin đến công chúng là trách nhiệm của người làm truyền thông cho phim.
Hiện nay, các TikToker được cho là những người trẻ có sự nhanh nhạy về công nghệ, xu hướng. Vì thế, ngày càng nhiều nhà phát hành, đơn vị tổ chức mời hot TikToker xuất hiện trong vai trò khách mời ở sự kiện công chiếu phim nhằm thúc đẩy lượng tương tác trên mạng xã hội.
"Tuy nhiên, quan trọng nhất là định hướng và hoạch định số lượng, tần suất xuất hiện của TikToker ở các sự kiện sao cho cân bằng và hợp lý, tránh tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh. Đừng biến sự kiện điện ảnh thành đại hội của các Tiktoker như một đơn vị tổ chức mới làm gần đây", anh chia sẻ.
Chung quan điểm, anh Nguyễn Tiến Đạt - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện giải trí – việc TikToker góp mặt ở thảm đỏ sự kiện và hoạt động trong các lĩnh vực của showbiz Việt là thực tế đang tồn tại. Đây cũng không phải là chuyện lạ của showbiz Việt. Bởi thập kỷ trước, những hotboy/ hotgirl với danh xưng là hot Facebooker/ YouTuber cũng đắt show tham dự các sự kiện tương tự như hot TikToker hiện tại.
"TikTok cũng là một mạng xã hội tương tự Facebook hay Instagram, Twitter, nên không thoát khỏi việc góp mặt vào đường đua danh tiếng. Những năm trước, việc mời các KOLs thường gói gọn trong nội dung như đăng ảnh/ check-in tại sự kiện. Hiện tại, các hot TikToker còn quay video trải nghiệm hoặc nói về sự kiện", anh Đạt mô tả.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều video của các TikToker nhận xét về phim hời hợt do thiếu chuyên môn và nghiệp vụ. Các short video của các TikToker thậm chí còn khá giống nhau, thiếu sáng tạo.
Anh Trương Quốc Phong cho rằng rất ít TikToker có chuyên môn về điện ảnh nên những chia sẻ cũng khó thuyết phục được số đông. Ngoài ra, chất lượng phim vẫn luôn là quan trọng nhất. Nhiều agency lạm dụng PR bằng TikToker, bỏ qua những cách quảng bá hiệu quả truyền thống, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả doanh thu cuối cùng của tác phẩm.
Chạy theo chỉ số TikTok có thể làm giảm giá trị thương hiệu
Đại diện một nhà phát hành (xin giấu tên) tiết lộ giá cát-xê của các TikToker được trả tương đương với chi phí dành cho nghệ sĩ. Thù lao tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng, lượng người theo dõi kênh và tương tác cho mỗi video, clip.
"Song, cũng có những TikToker không được mời, họ vẫn chủ động đăng ký xin tham dự sự kiện. Đó là một số TikToker chưa quá nổi tiếng", người này cho hay.
Nhìn nhận về thực trạng nhiều nhà phát hành, đơn vị tổ chức bất chấp mời TikToker tai tiếng, không liên quan gì đến điện ảnh dự buổi công chiếu phim, anh Trương Quốc Phong cho rằng những người làm sự kiện chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt về chỉ số mà bỏ quên những giá trị khác về nghệ thuật.
"Chứng kiến cảnh một buổi công chiếu phim gần đây toàn TikToker tôi thật sự thấy buồn thay cho những người làm nghề, nhất là nghệ sĩ. Từ bao giờ, vai trò của họ không được xem trọng đến vậy. Từ bao giờ những nhà phê bình phim, các chuyên gia, đạo diễn, đồng nghiệp đang hoạt động trong nghệ thuật lại mất đi tiếng nói cộng đồng và giá trị của mình như thế", anh Phong chia sẻ.
Theo anh Phong, nhiều hot TikToker thường quảng bá lố cho một tác phẩm điện ảnh trên kênh cá nhân. Điều này khiến khán giả có thể nhầm tưởng về chất lượng phim và thất vọng khi mua vé ra rạp. Về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng như niềm tin trong công chúng.
Trước thực trạng này, anh Phong cho rằng nhà phát hành, đơn vị tổ chức sự kiện nên xem lại cách thức truyền thông, bỏ qua bài toán kinh tế ngắn hạn và nghĩ đến các giá trị dài lâu, bền vững, đặc biệt là trong những sự kiện quan trọng như công chiếu phim điện ảnh.
"Hãy đưa ý nghĩa, sự trang trọng của một buổi công chiếu phim trở lại như trước đây. Nơi vốn chỉ dành cho giới làm phim, nhà phê bình, báo chí, nghệ sĩ. Đơn vị tổ chức hãy cân bằng và cân nhắc các nhóm đối tượng khách mời cho phù hợp. Nếu có nhu cầu mời các TikToker, hãy ưu tiên mời những người có kiến thức, kinh nghiệm, sự uy tín và am hiểu về điện ảnh", anh Phong bày tỏ.
Theo Zing