Ngày 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc". Đây là chương trình được Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng và triển khai
Thông qua chương trình, hiệp hội mong muốn khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đợt 4 và chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19.
Yếu tố an toàn cho khách và người hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như toàn xã hội là điều bắt buộc.
Một số nguyên tắc chính chương trình đưa ra gồm áp dụng 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát Covid-19 của Chính phủ. Khách du lịch sẽ đi từ vùng xanh đến các điểm du lịch xanh trên cơ sở xác định vùng xanh của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Du lịch cần sống chung an toàn với Covid-19. Ảnh: Đức Anh.
Du khách từ 18 tuổi muốn đi du lịch cần đảm bảo một số yếu tố như đã tiêm đủ liều vaccine, loại được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng.
Các du khách đã phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cần có xác nhận của Sở Y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà. Thời gian tính từ khi khỏi bệnh không quá 12 tháng.
Du khách dưới 18 tuổi cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR trong 72 giờ trước khi du lịch ngoài tỉnh, thành phố đang cư trú.
Các yêu cầu về tiêm vaccine của người lao động trong doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cũng giống như trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở phải đảm bảo 100% người lao động được tiêm đầy đủ vaccine.
Người lao động chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ được làm việc trực tuyến hoặc tại phòng làm việc độc lập. Người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách như hướng dẫn viên, lái xe… phải được xét nghiệm kết quả âm tính trong 48 giờ tính đến thời điểm bắt đầu công việc tiếp xúc với khách.
Về cách tổ chức các chương trình du lịch, phía hiệp hội yêu cầu tổ chức theo hình thức khép kín, có sự giám sát, kiểm sát chặt chẽ của công ty lữ hành trong suốt quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ.
Sau khi kết thúc chương trình, cần theo dõi y tế trong một thời gian nhất định hoặc theo quy định để xử lý tình huống phát sinh với người lao động và thành viên đoàn khách sau chuyến đi.
Nhiều quy định liên quan đến cách tổ chức chương trình du lịch cũng được đưa ra. Ảnh: TCDL.
Các tuyến điểm du lịch và phương án vận chuyển phải đảm bảo an toàn và có quy định điểm được dừng trong tour, điểm đón trả khách.
Các bên tổ chức chương trình du lịch cần quy định rõ chi phí xét nghiệm, điều trị SARS-CoV-2 (nếu mắc). Ngoài bảo hiểm du lịch, công ty có thể bổ sung bảo hiểm đối với trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình đi du lịch.
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng yêu cầu hợp đồng lữ hành phải có các điều khoản liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Nội dung hợp đồng cần tính cả tình huống bất ngờ xảy ra và chi phí phát sinh có liên quan như hoãn, hủy, cách ly một vài khách hay cả đoàn khách…
"Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc" cũng nêu thêm nhiều quy định liên quan tới các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch như thực hiện đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, cung cấp sản phẩm vệ sinh sát khuẩn...
Theo Zing