Ngày 24/12, BBC đưa tin các nhà khoa học Nga đã công bố xác của một con voi ma mút con có niên đại 50.000 năm tuổi được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu đang tan chảy ở khu vực Yakutia xa xôi của vùng Siberia vào mùa hè.
Con voi ma mút, được đặt tên là Yana, theo tên lưu vực sông nơi con voi cái này được phát hiện, là xác voi ma mút được bảo quản tốt nhất thế giới.
Nó nặng hơn 100kg, cao 120cm, và dài 200cm, Yana được ước tính chỉ khoảng một tuổi khi chết. Trước đó, chỉ có sáu khám phá tương tự trên thế giới, năm ở Nga và một ở Canada.
Xác voi ma mút 50.000 năm tuổi được tìm thấy dưới lớp băng tại Siberia. (Ảnh: East2West)
Xác voi ma mút được tìm thấy tại miệng núi lửa Batagaika, một hố trũng khổng lồ sâu hơn 80 m, đang không ngừng mở rộng do hiện tượng biến đổi khí hậu.
Theo ông Maxim Cherpasov, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Bảo tàng voi ma mút Lazarev tại Yakutsk cho biết: "Điều đặc biệt là đầu và thân của nó vẫn được bảo quản rất tốt. Thông thường, các phần này thường bị các loài săn mồi hoặc chim ăn mất khi lớp băng bắt đầu tan".
Sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho tác động của biến đổi khí hậu khi lớp đất đóng băng vĩnh cửu tại Siberia ngày càng tan nhanh, để lộ ra các mẫu vật của những loài đã tuyệt chủng.
Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa về mặt khảo cổ mà còn cung cấp thông tin quý giá về điều kiện khí hậu cổ đại cũng như cuộc sống của các loài động vật tiền sử.
Một nhà nghiên cứu tại bảo tàng là Gavril Novgorodov nói với Reuters rằng voi ma mút có lẽ đã bị mắc kẹt trong một đầm lầy và được bảo quản như vậy trong vài chục nghìn năm.
Theo The Sun, các nghiên cứu chi tiết về Yana sẽ được thực hiện trong năm tới, với kỳ vọng giải mã thêm về đời sống của loài voi ma mút cũng như điều kiện khí hậu thời kỳ cổ đại.
Theo Người đưa tin