Liên quan đến vụ sạt lở ở Quảng Trị vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế 337 (Quân khu 4) tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), hôm qua (19/10), thi thể các chiến sĩ lần lượt được đưa về nhà thi đấu Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Thân nhân các chiến sĩ khóc lặng đi khi nhận tin hung tin. Ảnh: Tri Thức Trẻ
Người thân của các quân nhân khóc nấc, có người chết lặng khi nghe tìm thấy thi thể người thân. Chị Nguyễn Thị Giao Linh - vợ của chiến sĩ Phạm Ngọc Quyết vừa khóc vừa ôm con nhìn về cánh cổng nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, nơi có chồng chị và những người đồng đội của anh vừa được đưa về.
Chị Linh ôm con gái ngồi đọc lại những dòng tin nhắn của hai vợ chồng rồi khóc nấc lên. Ảnh: Nhịp Sống Việt
Người phụ nữ trẻ, gương mặt phờ phạc ôm cô con gái nhỏ đang học mẫu giáo, ngồi lầm lũi xem lại những dòng tin nhắn hai vợ chồng chị nói chuyện với nhau trước khi anh gặp nạn.
Chị bảo, ngày nào anh cũng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm vợ con, chị cũng thường dặn anh giữ gìn sức khỏe và yên tâm công tác tốt, ở nhà hai mẹ con vẫn ổn. Hôm anh gặp chuyện, mãi 4h sáng đọc thông tin chị mới biết, chị lấy điện thoại gọi liên tục vào máy anh nhưng không được, lúc đó điện thoại của chồng chị vẫn còn đổ chuông.
Sợ gọi nhiều máy hết pin nên chị chuyển qua nhắn tin. Cứ thế, những tin nhắn mang theo biết lo lắng, hi vọng của chị Linh gửi đi đều không có hồi đáp. Cuối cùng, không thể chờ được nữa, chị Linh quyết định gọi lên đơn vị của chồng và nhận được tin xác nhận vụ sạt lở.
Đồng chí nghe máy bên kia báo chỉ có vài người bị thương nhẹ, chồng chị đang cùng anh em khắc phục sự cố nên không tiện nghe điện thoại.
"Khi tôi gọi điện lên đơn vị của anh thì họ xác nhận có vụ sạt lở núi vùi lấp chỗ dãy nhà chồng tôi ở. Họ bảo, chỉ có vài quân nhân bị thương nhẹ, mọi người đang tập trung khắc phục sự cố nên anh chưa thể nghe máy được.
Nghe đơn vị của anh nói vậy trong lòng tôi nghĩ chắc vụ việc không nghiêm trọng lắm, anh và các đồng đội vẫn an toàn. Không thể ngờ anh và đồng đội hi sinh, tin nhắn cuối tôi gửi cho chồng anh còn chưa kịp đọc", chị Linh tâm sự.
Những dòng tin nhắn mãi mãi anh Quyết không thể đọc được nữa. Ảnh: Pháp Luật Bạn Đọc
Nhắc về chồng, chị Linh chia sẻ, đặc thù công việc của chồng chị hay phải đi làm xa nhà nhưng anh vẫn luôn lo lắng cho bố mẹ, vợ và 3 con ở nhà. Chị Linh cho biết, những ngày này ở nhà mưa lớn, nước lên rất nhanh, hôm nào anh Quyết cũng gọi về dặn dò vợ cẩn thận, có vấn đề gì phải gọi báo anh ngay.
"Mấy hôm biết ở quê ngập nặng anh gọi điện, nhắn tin về cho vợ dặn dò tình hình nước lên, vợ và bố mẹ ở quê nhà cẩn thận. Tuy là lính nhưng anh sống rất tình cảm, hay nhắn tin bày tỏ tình cảm với vợ và 2 con.
Mỗi lần anh về nhà thường rèn luyện cho các con tính kỷ luật quân đội, dạy các con tăng gia sản xuất, rèn luyện đức tính của bộ đội. Trên đơn vị anh làm tăng gia như thế nào về anh dạy con như vậy. Anh dạy con phải biết tự lập. Mỗi lần được nghỉ phép mấy ngày, anh về là tranh thủ hết thời gian bên vợ con, đưa con đi chơi công viên, siêu thị...", chị vừa khóc vừa kể lại.
Như Pháp luật và Bạn đọc đưa tin, chị Linh đã vô cùng hi vọng khi thấy đầu dây bên kia điện thoại của chồng vẫn còn tín hiệu, nhưng rồi lúc nhận được tin sét đánh chồng chị là 1 trong 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, chị đã gục ngã, chỉ biết ôm con và khóc chờ vào nhận mặt chồng.
Chị giở những tấm hình trong điện thoại và chợt thấy cả gia đình rất ít những tấm hình chụp đông đủ, vì mỗi lần anh về nghỉ đưa các con đi chơi thì chị lại bận công việc.
Cô con gái nhỏ ngây thơ liên tục hỏi mẹ sao lại khóc khiến chị càng đau lòng hơn
"Thời gian anh trên đơn vị nhiều hơn ở nhà với vợ con nên cả nhà rất ít có hình chụp chung. Mấy lần về anh đưa con đi chơi thì tôi lại bận việc nọ việc kia nên khi đó chỉ có 3 bố con chụp với nhau.
Đến khi anh lên đơn vị thì lại còn có 3 mẹ con. Với người bình thường như mình thì năm nào cũng có ngày 20/10. Nhưng với công việc của chồng năm nào ngày đó không vào thứ 7, chủ nhật thì không có ngày 20/10.
Mỗi năm được về anh đều có 1 bó hoa tặng vợ. Trước ngày anh ngày gặp nạn, anh vẫn không quên nhắn tin dặn dò hôm đó anh sẽ về tổ chức 20/10 cho vợ, nhưng nay anh lại trở về trên chiếc xe cứu thương", chị Linh nghẹn ngào.
Thấy mẹ khóc, cô con gái nhỏ liền hỏi: "Sao mẹ lại khóc, mẹ nhớ bố à? Mẹ nói bố đi làm, vài bữa bố lại về thăm mẹ con mình thôi mà, mẹ đừng khóc nữa nha". Câu nói ngây thơ của con gái càng khiến chị đau lòng. Chị thương các con vì chỉ sau một đêm trở thành trẻ mồ côi cha, không còn những ngày trông ngóng bố về dẫn đi chơi được nữa.
20/10 năm nay có lẽ là năm buồn nhất không chỉ đối với chị Linh mà còn với rất nhiều người phụ nữ chung cảnh ngộ với chị đang ngất lịm trước cánh cổng nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà, chờ vào nhận mặt người con, người chồng, người cha của mình.
H.T (tổng hợp)
Theo Vietnamnet