Tại nhiều nước châu Âu và châu Úc, cách tính giá điện phụ thuộc vào hợp đồng giữa người sử dụng và công ty điện. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn loại hợp đồng với những điều khoản họ cho là phù hợp nhất. Thông thường, các nước này có 2 lựa chọn: Trả mức phí cố định cho thời gian sử dụng cộng tiền cho từng kWh, hoặc chỉ trả theo từng kWh sử dụng.

Nếu chọn phương án trả phí cố định, chi phí sẽ rẻ hơn. Còn sử dụng phương án trả theo từng kWh sử dụng, người tiêu dùng phải chọn giữa các cách tính do nhà cung cấp đưa ra. Do giá điện tại nhiều nước châu Âu thả nổi, người tiêu dùng được chọn trả tiền theo giá thị trường (thay đổi theo chu kỳ), hoặc theo giá cố định mà nhà cung cấp đưa ra.

Anh Huấn, một người Việt sống ở Anh, cho biết, các công ty điện tại quốc gia này cũng như nhiều nước châu Âu có sự cạnh tranh về mức giá. "Hiểu nôm na, tiền điện tại châu Âu khá giống với cước viễn thông, các nhà cung cấp đều đưa ra những phương án để thu hút người sử dụng", anh Huấn cho biết.


Hóa đơn tiền điện tại Anh. Ảnh: Đoàn Huấn.

Việc có nhiều phương án để lựa chọn giúp người sử dụng tính toán và tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt liên quan đến điện. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trên thực tế, hầu hết các công ty điện đều đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng. Theo anh Tùng, một du học sinh Phần Lan, nhiều phương án khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện, khi số kWh càng cao, giá tiền càng thấp.

Một số nước như Singapore lại có cách điều hành khác. Giá điện tại Singapore được kiểm soát bởi Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA). Áp dụng phương án thả nổi theo thị trường, giá mỗi kWh điện tại Singapore thay đổi theo chu kỳ. Hiện tại, người Singapore phải trả 20,87 xu cho mỗi kWh điện, bất kể dùng ít hay nhiều, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Phương án tính tiền điện tại Việt Nam có gì chưa ổn?

Từ ngày 16/3, mức giá bán điện mới được áp dụng tăng 7,5%. Nhiều người cho biết, tiền điện của gia đình mình tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cách tính lũy tiến đang làm lợi cho người bán điện. Do vậy, cơ quan quản lý cần có phương pháp tính khác để đảm bảo hài hoà lợi ích với người tiêu dùng.

Ông Long cũng cho biết, theo nguyên lý thị trường, càng sử dụng nhiều một loại hàng hoá, dịch vụ nào đấy thì giá càng rẻ, song với ngành điện thì ngược lại. Người tiêu dùng càng sử dụng nhiều, giá càng đắt.


Giá điện tại Việt Nam tính theo kiểu luỹ tiến. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo anh Hưng (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), tiền điện của gia đình đã tăng gấp đôi trong 2 tháng trở lại. "2 tháng gần đây, tiền điện nhà tôi tăng vọt từ 1,3 triệu lên 2,6 triệu. Nhà chỉ sử dụng 1 điều hòa, giá tăng cao thực sự làm tôi thấy choáng", anh Hưng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho rằng, giá điện sẽ điều chỉnh theo thị trường vào đầu năm 2016, theo lộ trình. Và từ nay đến đầu năm 2016, giá tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết, thực hiện đúng theo thị trường điện mà các nhà đầu tư đề nghị.

Quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Việt Nam:

Bậc 1 cho kW từ 0-50:            1.484 đồng/kWh

Bậc 2 cho kW từ 51-100:        1.533 đồng/kWh

Bậc 3 cho kW từ 101-200:      1.786 đồng/kWh

Bậc 4 cho kW từ 201-300:      2.242 đồng/kWh

Bậc 5 cho kW từ 301-400:      2.503 đồng/kWh

Bậc 6 cho kW từ 401 trở lên:  2.587 đồng/kWh

Theo Trí Thức Trẻ