Huế là một trong những nơi dấu ấn văn hóa Việt Nam thể hiện rõ ràng nhất, từ các di tích, công trình đến hình thức sinh hoạt văn hóa và ẩm thực. Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Những cơn mưa phùn bất chợt càng tôn lên vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng và cổ kính, làm say đắm du khách phương xa khi đặt chân tới đây.
Các nghệ sĩ tái hiện khung cảnh cấm vệ quân luyện võ bên trong Đại nội Huế. Đây là dịp di tích Huế thể hiện lại những hoạt động trong cấm cung, giúp du khách hình dung được phong tục tập quán xưa của triều đình Nguyễn.
Điệu múa Trình Tường Tập Khánh dần được khôi phục và đưa vào biểu diễn thường xuyên trong Đại nội Huế nhằm tái hiện lại khung cảnh nhạc kịch xưa. Sau ngày mưa gió, các vũ công vẫn nhiệt tình biểu diễn để phục vụ khách du lịch tham quan về đêm.
Một tài tử nhí ở Bình Dương đang biểu diễn đờn ca tài tử - dòng nhạc dân tộc của Việt Nam, đồng thời là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, được những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ biểu diễn sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Ngôi đình xưa không chỉ là nơi diễn ra tất cả sinh hoạt chung của làng, mà còn là không gian diễn xướng dân gian, trong đó có chiếu chèo. Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền phát triển mạnh ở khu vực phía bắc, mang tính quần chúng, phản ánh mọi góc độ trong đời sống tinh thần của người Việt. Trong ảnh, nghệ sĩ ưu tú Vũ Ngọc hóa thân trọn vẹn trong hình tượng thầy bói sợ ma tại đình So (huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Cờ người là một trong những trò chơi dân gian Việt Nam được tổ chức trong những dịp lễ hội cổ truyền. Đặc biệt, ở TP.HCM có trò chơi cờ người võ thuật với các quân cờ trong trang phục xanh và đỏ, di chuyển với những thế võ đẹp mắt giữa tiếng trống giòn giã và hò reo.
Cướp cờ cũng là một trong những trò chơi dân gian phổ biến dịp lễ hội, mang ký ức tuổi thơ của mỗi người. Ban tổ chức cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" mong muốn độc giả lưu giữ lại những gì tươi đẹp nhất, thân thương nhất, đáng tự hào nhất về đất nước Việt Nam và gửi gắm trong tác phẩm dự thi của mình.
Lễ hội là phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa quê hương. Trong ảnh là lễ hội đua bò Bảy Núi truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Lễ hội được tổ chức từ 29/8-1/9 Âm lịch trong dịp lễ Dolta của người Khmer, thu hút đông đảo du khách đến theo dõi, cổ vũ cho những cuộc đua gay cấn, hòa mình vào không khí tưng bừng, sôi nổi.
Các làng nghề truyền thống cũng là nét đẹp văn hóa cần lưu giữ của dân tộc. Hiện nay tại ấp Phũng Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, bà con người dân tộc Chăm vẫn còn giữ được nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm bằng phương pháp thủ công.
Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đồng thời là điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Hội An vẫn mang vẻ hoài cổ, thơ mộng và bình yên bên dòng sông Thu Bồn êm đềm, bất chấp quá trình đô thị hóa đang phát triển ồ ạt. Kiến trúc nơi đây mang nét đặc trưng của cảng thị truyền thống Đông Nam Á, được bảo tồn nguyên vẹn, có những dấu ấn của sự giao thoa văn hóa.
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vừa được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên, vừa là di sản văn hóa của thế giới. Ngoài khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp tại khu du lịch sinh thái Tràng An hay Tam Cốc - Bích Động, quần thể còn có những điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa như đền vua Đinh - vua Lê, chùa Bái Đính, thành Hoa Lư...
Theo Zing