Trẻ con có đặc điểm gì? Chúng rất đáng yêu, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn, cười nói ngô nghê. Nhưng đôi khi, chúng lại hành xử theo cách vô cùng khó hiểu và khiến tôi bị sốc: chúng la hét ầm ĩ, gạt đổ bát cơm, thẳng tay vứt đồ chơi người khác vừa tặng cho chúng... Nhưng kì lạ là, rất ít khi tôi, và chúng ta cảm thấy bị kích động hay bị tổn thương bởi những hành động của bọn trẻ.

Đó là vì chúng ta chưa từng gán một động cơ xấu, hay ý đồ tiêu cực nào cho hành động của đám trẻ ấy.

Tôi luôn coi sự tức giận vô lý của bọn trẻ con là điều bình thường, dù cho chúng có phản ứng lại tôi một cách thái quá. Tôi luôn tìm ra những lý do hợp lý nhất, nhân đạo nhất để "biện minh" cho những hành động quá khích ấy.

Bọn trẻ không nhận quà tôi tặng không phải vì chúng ghét tôi, mà có thể vì chúng đang mệt, chúng bị điểm kém ở trường...

Bọn trẻ gạt đổ bát cơm không phải vì chúng chê tôi nấu ăn không ngon, mà chúng bị đau bụng, chúng thích ăn kẹo hơn... Tôi luôn có sẵn một bản ghi chú khổng lồ cho những lý giải như thế, và không có lý do nào khiến tôi sợ hãi hay bực tức đến phát điên.
 

Tình yêu là khi chúng ta học được cách bao dung với cả phần trẻ con trong một người lớn - Ảnh 1.

Thế nhưng, người lớn luôn đối xử với nhau theo cách ngược lại. Đặc biệt là trong tình yêu.

Người yêu tôi đến muộn trong bữa tiệc sinh nhật của mẹ tôi vì công việc, nhưng tôi lại cho rằng anh ấy chỉ lấy cớ để không phải tiếp xúc nhiều với gia đình mình.

Có một lần anh ấy hứa mua cho tôi đồ ăn nhẹ để tôi làm việc vào ban đêm, nhưng anh ấy lại quên mất. Tôi thì cho rằng anh ấy cố tình vì tiếc một chút tiền.

Nhiều khi đi chơi cùng nhau, anh ấy chỉ đơn giản là có vẻ không vui, nhưng tôi lại nghĩ rằng anh ấy cố tình bày ra vẻ mặt đưa đám đó để huỷ hoại cuộc đời tôi, khiến tôi cũng chán chường, buồn thảm như anh ấy.

Không hiểu vì lý do gì, mà tôi không thể dùng những suy nghĩ đơn thuần để lý giải hành động của người yêu mình như đã từng làm thế với lũ trẻ, dù cho chúng có hành xử quá quắt hơn người yêu tôi nhiều lần. Thay vì gán ghép cho người tôi yêu những ý đồ xấu xa hay hành động tiêu cực, tôi đã có thể suy nghĩ mọi việc dưới góc độ đơn thuần và nhẹ nhàng hơn. Nếu anh ấy nói bận, tức là anh ấy bận thật. Nếu anh ấy nói quên, tức là anh ấy không nhớ ra việc phải làm thế. Nếu anh ấy không vui, thì đơn giản là tôi cần an ủi, động viên để anh ấy cảm thấy tốt hơn.

Chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ, hành vi trưởng thành của người ta yêu sẽ trở nên đẹp đẽ và dễ dàng chấp nhận hơn. Tình yêu cũng trở nên bao dung và vị tha hơn.

Sẽ thật ấm áp khi được sống trong một thế giới dạy chúng ta cách bao dung với trẻ em, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu chúng ta học được cách rộng lượng với cả phần trẻ con trong một người lớn.
 

Tình yêu là khi chúng ta học được cách bao dung với cả phần trẻ con trong một người lớn - Ảnh 2.

Khi người yêu không đủ trưởng thành như chúng ta vẫn hằng mong đợi, chúng ta thô bạo gắn cho họ cái mác "cư xử trẻ con" mà không hề để ý rằng điều mình cần làm không phải là buộc tội người khác, mà nên chấp nhận một nét tính cách rất bình thường của con người. Rộng lượng hơn với người chúng ta yêu để biết rằng, những cáu kỉnh, hung hăng hay nổi giận bất thường chỉ là phần tâm hồn bị trói buộc trong suy nghĩ của họ ngay khi vừa mới chào đời. Dù đã trưởng thành nhưng những nét tính cách khi còn thơ ấu vẫn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, dù nhiều dù ít, vì thế chúng ta cần tiếp tục bao dung hơn (và bao dung hơn nữa) với những người trưởng thành, như cách chúng ta đối xử với con trẻ.

Nhưng đối xử dịu dàng với phần trẻ con bên trong một người trưởng thành, đặc biệt là với người chúng ta yêu, không có nghĩa là xem họ như một đứa bé, không cần phải đưa cho họ thời gian biểu quy định chi tiết khi nào thì họ được xem tivi, khi nào được ăn kẹo... Khoan dung và rộng lượng với người yêu "trẻ con" để hiểu rằng đằng sau mỗi lời cáu kỉnh, mắng nhiếc "Cô là đồ tồi" có thể có nghĩa rằng: Công việc thực sự rất mệt, anh đang phải cố gắng rất nhiều, cố tỏ ra mạnh mẽ, độc lập hơn những gì anh đang cảm thấy, và quan trọng là anh muốn em thấu hiểu anh, đồng cảm với anh. Anh vẫn yêu em rất nhiều.

Hay lời trách móc "Anh chẳng hiểu tôi" thật ra có nghĩa là: Em đang rất sợ hãi, em lo rằng anh sẽ rời bỏ em, nên em giận giữ chỉ để níu lại sự quan tâm từ anh, làm ơn hãy hiểu suy nghĩ thật này của em.
 

Tình yêu là khi chúng ta học được cách bao dung với cả phần trẻ con trong một người lớn - Ảnh 3.

Thường thì sau mỗi lần cãi nhau, các cặp đôi đều có suy nghĩ "Tại sao lúc đấy mình không ôm lấy họ để làm dịu lại cơn giận, tại sao không dành thời gian để an ủi nhau thay vì cãi vã, thay vì chấp nhặt người yêu vì những điều họ lỡ nói, hãy coi họ như đứa trẻ bị kích động, đang mắng nhiếc người chúng yêu thương nhất vì họ (với tâm hồn của một đứa trẻ) chẳng thể làm gì khác.

Chúng ta nên cố gắng an ủi họ để họ cảm thấy tốt hơn, cho họ biết rằng họ vẫn đang ổn chứ không phải nổi cáu và trả đũa họ. Cư xử bao dung với một người lớn có tâm hồn trẻ con khó hơn nhiều so với chơi với một đứa trẻ thật sự. Trước mắt chúng ta không phải một đứa trẻ, mà là một người lớn với hàng tá rắc rối và khó khăn, phải sống trong hình hài trưởng thành nên thường xuyên quên mất rằng bên trong mình vẫn chưa hoàn toàn lớn.

Đương nhiên, đây không thể là ý thức một chiều. Chúng ta muốn bao dung những đứa trẻ trong hình hài người lớn, nhưng chính bản thân họ cũng phải nhận thức được chúng ta cũng cần bao dung. Không phải lúc nào chúng ta cũng đóng vai người đi an ủi, mà đôi khi nên là người được an ủi. Tình yêu là cho đi và nhận lại, ngay lúc này chúng ta cố gắng chấp nhận đứa trẻ mới chỉ 3 tuổi trong nội tâm của người yêu, một phần cũng vì biết rằng sẽ có lúc chúng ta cần họ làm điều tương tự cho mình.

>>> 5 lý do vì sao con gái bây giờ không thích có người yêu

Theo trí thức trẻ