Vào đầu năm học mới, lớp con tôi tổ chức họp phụ huynh. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị các phụ huynh cùng bầu ra một người làm hội trưởng, nhưng không ai ứng cử.
Vì năm ngoái, tôi đứng ra hỗ trợ lớp vài trăm nghìn tiền sửa chữa thiết bị nên năm nay, khi không có ai nhận làm, cô giáo động viên “Mẹ cố gắng hỗ trợ lớp”. Trước sự thuyết phục của cô giáo, tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ này.
Ngày họp phụ huynh, sau khi thống nhất, chúng tôi quyết định đóng quỹ 1.000.000 đồng/kỳ, trong đó có 200.000 đồng được trích về quỹ trường. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng cho các hoạt động chung của lớp như mua nước rửa tay, giặt chăn gối định kỳ, tổ chức hoạt động tập thể, liên hoan các dịp 1/6, Trung thu và Tết Nguyên đán.
Với 800.000 quỹ lớp, nghe có vẻ nhiều nhưng thực tế nếu chia cho những hoạt động kể trên, mỗi việc cũng chỉ vài chục nghìn, thậm chí là mấy nghìn một bé.
Dẫu vậy, trong 40 học sinh của lớp, có một số phụ huynh kiên quyết không đóng góp với đủ các lý do. Là trưởng ban phụ huynh, tôi phải đi năn nỉ từng cha mẹ góp quỹ lớp đầy đủ, thậm chí còn tự bỏ tiền túi góp thêm để các con không phải chịu thiệt thòi.
Ảnh minh họa: Unsplash.com
Những ngày đầu tháng 9, cơn bão Yagi khiến cây trong trường đổ rạp, phòng y tế cũng bị tốc mái. Tiền quỹ xây dựng trường không đủ để khắc phục những sự cố phát sinh này. Dù trường không lên tiếng kêu gọi hỗ trợ, ban phụ huynh đã phát động các lớp ủng hộ để trường tái thiết, sớm ổn định việc dạy và học.
Trong khi các lớp khác kêu gọi phụ huynh tự nguyện ủng hộ theo diện cá nhân, tôi chủ động đề xuất trích luôn quỹ lớp 500.000 đồng. Khi đề xuất, không có bất kỳ ai phản đối.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, một phụ huynh trong lớp đã viết thư ẩn danh, đòi kiện trường vì cho rằng “ban phụ huynh là cánh tay nối dài”, mặc dù thực tế trường không can dự vào việc này. Vì quá ức chế, tôi bật khóc và quyết định tự trích tiền cá nhân ra trả lại quỹ.
Thực tế, cũng không ít lần chúng tôi phải tự bỏ tiền túi bù vào quỹ. Khi đi mua sắm chuẩn bị tiệc liên hoan cho các con hay khi mua quà tặng, thăm hỏi, nếu thiếu dăm ba chục nghìn, tôi đều tự bỏ tiền sắm thêm để các con có được niềm vui trọn vẹn. Hay khi một số phụ huynh không đóng quỹ, nếu nhắc mãi thì ngại nên hội trưởng và hội phó phải chia ra để góp cho đủ.
Nhiều người nói rằng hội phụ huynh kiểu gì cũng sẽ có chuyện ăn chặn tiền quỹ lớp. Nhưng ai từng làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh rồi sẽ thấy cả năm lớp sẽ có đủ thứ cần chi. Hội phụ huynh thường phải thu vén rất khéo mới đủ chứ không thể vung tay quá trán như nhiều người vẫn nghĩ.
Đợt Trung thu vừa rồi, tôi gặp phải tình huống éo le dở khóc dở cười thế này. Để tổ chức liên hoan cho các con, ban phụ huynh bàn nhau đặt mua đồ ăn nhanh như pizza, gà rán, khoai tây chiên... ở một cửa hàng ngay gần trường.
Sau buổi liên hoan, khi cô giáo đăng ảnh các con phá cỗ trung thu lên nhóm lớp, một số phụ huynh “góp ý” ban đại diện những lần sau nên mua đồ ăn của các thương hiệu lớn để đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, những quán này cũng sẽ có hóa đơn, giá cả rành mạch, chẳng may các con ăn vào bị làm sao cũng dễ... kiện.
Gay gắt hơn, một phụ huynh còn đặt câu hỏi, những khoản chi này đều có chiết khấu, vậy những khoản đó đã đi đâu? Họ nghĩ rằng ban phụ huynh có tư lợi gì đó từ việc mua đồ ăn cho các con.
Cũng vài lần mắc phải những câu chuyện “giời ơi đất hỡi” này, tôi cảm thấy thực sự chán nản. Đôi lần, tôi cũng ngỏ ý muốn xin nghỉ vì công việc cá nhân bận rộn, nhưng thực tế, tôi muốn nghỉ để không phải vừa mất công sức, vừa mất tiền mà lại mang tiếng như thế nữa.
Tôi cho rằng, nói thường dễ hơn làm. Các phụ huynh không nên đứng ngoài nhìn vào với ánh mắt xét nét, ác cảm. Những người dám đảm đương trách nhiệm này, hầu như đều nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm, tâm huyết với học sinh và các hoạt động giáo dục chung.
Họ cũng phải hy sinh công việc cá nhân vì công việc chung của trường, của lớp, nhưng mấy ai thấu hiểu. Cũng vì lẽ đó, không mấy ai muốn đảm đương nhiệm vụ này.
Độc giả Vũ Thủy (Hà Nội)
Theo VietNamNet