Tổ tò vò từng dẫn tới thảm họa hàng không khiến 189 người thiệt mạng

Tổ tò vò nhiều khả năng khiến ống pitot của máy bay bị tắc, dẫn tới chuyến Birgenair Flight 301 rơi xuống Đại Tây Dương, làm 189 người thiệt mạng.

Những lời tuyệt vọng cuối cùng của phi công

"Làm ơn đừng lùi lại. Chuyện gì đang xảy ra vậy?"... Đó là những lời cuối cùng đầy tuyệt vọng của viên phi công được ghi lại. Chỉ 12 giây sau, đoạn ghi âm bị tắt.

Đó là ngày 6/2/1996, chuyến bay 301 của hãng Birgenair (công ty có trụ sở chính tại Thổ Nhĩ Kỳ) lao xuống Đại Tây Dương, khiến 189 người thiệt mạng.

Tổ tò vò từng dẫn tới thảm họa hàng không khiến 189 người thiệt mạng-1
Hình ảnh chiếc máy bay trước khi gặp nạn (Ảnh: News).

Chuyến bay khởi hành từ Puerto Plata, Cộng hòa Dominica, dự kiến tới Frankfurt, Đức. Trước khi thảm họa xảy ra, máy bay chở 176 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết các nạn nhân là du khách người Đức, trở về sau kỳ nghỉ tại vùng biển Caribe.

Nhưng cuối cùng, không ai trong số họ sống sót. Chuyện gì đã xảy ra?

Hàng loạt các cuộc điều tra phức tạp diễn ra sau đó. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất được xác định là lỗi của phi công. Nhưng khởi đầu của chuỗi sự kiện dẫn tới thảm kịch cuối cùng lại bắt nguồn từ thứ tưởng như "vô thưởng vô phạt" - tổ tò vò.

Tổ tò vò từng dẫn tới thảm họa hàng không khiến 189 người thiệt mạng-2
Tò vò có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn thảm khốc này (Ảnh: News).

Những điều tra sau này được giáo sư Geoff Dell đến từ Đại học kỹ thuật Ostrava, người chuyên nghiên cứu về an toàn hệ thống, quản lý rủi ro, nhận định, khi máy bay bắt đầu cất cánh, cơ trưởng của chiếc Boeing 757 phát hiện đồng hồ chỉ tốc độ máy bay không hoạt động, nhưng vẫn bay theo lịch trình.

"Như vậy, lỗi đầu tiên là do phi hành đoàn. Lẽ ra phải dừng cất cánh, yêu cầu điều tra lý do khiến chỉ báo tốc độ bị sai lệch", Giáo sư Geoff Dell phân tích.

Một cuộc điều tra đưa ra kết luận, một trong ba ống pitot của máy bay đã bị chặn. Điều này có thể khiến phi hành đoàn nhận được thông tin tốc độ bay không chính xác. Dù chưa thể chắc chắn 100% nhưng khả năng cao nhất là một tổ tò vò làm tắc ống pitot.

"Nỗi kinh hoàng" của các hãng bay

Ong bùn đen vàng là một loại tò vò nổi tiếng với các phi công tại Cộng hòa Dominica. Chúng có xu hướng xây tổ trong các cấu trúc nhân tạo dạng hình trụ, giống như ống pitot.

Dù sau tai nạn, các chuyên gia không tìm được ống pitot nào, nhưng chiếc máy bay của Birgenair đã không bay suốt 20 ngày trước đó. Thời gian này đủ để tò vò xây tổ, dẫn tới nghi ngờ mạnh mẽ rằng chúng có thể là thủ phạm.

Tổ tò vò từng dẫn tới thảm họa hàng không khiến 189 người thiệt mạng-3
Tổ tò vò được coi là "mối đe dọa với an toàn hàng không" (Ảnh: News).

Trên thực tế, côn trùng đã trở thành "nỗi kinh hoàng" của nhiều hãng hàng không. Việc chúng xây tổ khiến ống pitot bị tắc không còn là chuyện hiếm.

Trong tháng 6 đến tháng 7/2021, 8 máy bay ở sân bay Heathrow, London, có ống pitot bị nghẽn vì côn trùng hoặc vật liệu xây tổ. Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh (AAIB) cho rằng, môi trường ở sân bay ít ô nhiễm hơn đã hấp dẫn các loài côn trùng như tò vò.

Sân bay Brisbane, Australia, cũng gặp sự cố tương tự. Các chuyên gia kịp phát hiện tổ tò vò làm tắc các ống pitot. Năm 2013, một chiếc Airbus A330 buộc phải quay đầu trở lại sân bay ngay sau khi cất cánh vì phi công phát hiện đồng hồ chỉ báo tốc độ gặp trục trặc.

Một nghiên cứu được công ty tư vấn Ecosure và Eco Logical Australia thực hiện cho thấy "tò vò gây nguy cơ đáng kể với sự an toàn trong ngành hàng không".

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đã tính tới việc thiết kế lại ống pitot nhằm giảm khả năng bị tắc nghẽn vì tò mò. Trong khi đó, hiện sân bay Brisbane, Australia, đang áp dụng biện pháp dùng thuốc diệt côn trùng để tiêu diệt loài sâu bướm vốn là con mồi của tò vò.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/du-lich/to-to-vo-tung-dan-toi-tham-hoa-hang-khong-khien-189-nguoi-thiet-mang-20230601223243348.htm?fbclid=IwAR192-L7eCAUNJV6RihqefSaCohNQek3ToJhUGtlQlL7XbusmRIy9uzWq6k

thảm họa hàng không

Tin tức mới nhất